Giảm nghèo nhanh và bền vững
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương kết hợp với công tác huy động vốn để mở rộng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Số hộ DTTS có dư nợ tại NHCSXH là 30.550 hộ, chiếm 43,23% tổng số hộ DTTS trên địa bàn tỉnh, quy mô tăng trưởng vốn dành cho hộ DTTS bình quân hằng năm là 10%.
Thông qua 14 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn, trong gần 17 năm qua, đã có 158 nghìn lượt hộ DTTS được vay vốn, với số tiền 2.190 tỷ đồng, trong đó doanh số cho vay các chương trình dành riêng cho hộ DTTS là 46,7 tỷ đồng/5.085 lượt hộ vay vốn. Đến 31/7/2019, tổng dư nợ là hộ đồng bào DTTS là 1.038 tỷ đồng, với 30.055 hộ dư nợ (chiếm tỷ lệ 32,2% tổng dư nợ tại chi nhánh), dư nợ bình quân đạt hơn 34,5 triệu đồng/hộ.
Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn của hộ DTTS vay vốn các chương trình chỉ chiếm 0,11% tổng dư nợ của hộ DTTS. Gắn với kết quả này, bà con đã biết sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả của đồng vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công việc làm, nỗ lực vươn lên, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Góp phần giải quyết an sinh xã hội
Các chương trình tín dụng chính sách trong giai đoạn (2003-2019), đã góp phần giúp cho hơn 158 nghìn lượt hộ DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. Trong đó, có hơn 17.200 hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho hơn 15.700 lao động (220 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp cho 14.600 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 2.965 căn nhà cho hộ nghèo; xây dựng 38.000 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đáng ghi nhận hơn hết, các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh đã góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, nhất là vùng DTTS.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương, số tiền 84 tỷ đồng, ủy thác qua NHCSXH để mở rộng cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội đã chung tay cùng hệ thống NHCSXH triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.
Có thể thấy rằng, hiệu quả của tín dụng chính sách mang lại cho bà con tại tỉnh Lâm Đồng đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn từng bước thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
HƯƠNG LINH