Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Làm giàu từ nghề nuôi “thủy quái”

Cao Khôi - 19:01, 14/06/2023

Sinh sống trên dòng sông Lô, cha truyền con nối “lấy ngư làm nghiệp”, nhiều tay chài lưới làng Vân Tập (xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) từng là “sát thủ” cá chiên nay đã trở thành tỷ phú với nguồn thu lớn, ổn định nhờ “thuần hóa” thành công, tạo dựng thương hiệu sản phẩm cá đặc sản quý hiếm được mệnh danh là “thủy quái vùng nước ngọt”…

Có hình thù kỳ dị, cá chiên được ví là “thuỷ quái vùng nước ngọt”.
Có hình thù kỳ dị, cá chiên được ví là “thủy quái vùng nước ngọt”

Thợ săn “thủy quái”!

Cũng như phần lớn đàn ông ở làng chài Vân Tập, công việc gắn bó, quen thuộc đến thành thạo nhất của ngư dân Nguyễn Văn Hòa là chèo thuyền, quăng lưới, thả câu, lặn ngụp đánh bắt cá. Thời gian ở trên sông nước nhiều hơn trên cạn, anh Hòa thuộc từng dòng chảy, độ nông sâu, mỗi ngầm đá, khe vực nơi dòng Lô hòa mình cùng sông Chảy như trong lòng bàn tay. Thậm chí, chỉ cần nghe hướng gió, ngửi mùi nước, ngắm nhìn dòng chảy là anh đã có thể đoán định cá đi ăn nhiều hay ít, tập trung ở khu vực nào, thời điểm nào nên quăng lưới, thả câu để có thể bắt được nhiều cá nhất.

Cả gia đình chẵn 10 nhân khẩu sống dựa cả vào nguồn lợi thủy sản đánh bắt được trên sông Lô, khoảng 2 thập niên trước, bố con anh nổi danh sát cá khắp vùng. Và được giá nhất trong các loài thủy sản đánh bắt được trên sông Lô là cá chiên, tương truyền là đặc sản tiến vua bởi chất lượng thịt được đánh giá là thuộc hàng đầu trong những loại cá nước ngọt, có màu vàng như ướp nghệ, chỉ có đúng xương sống chạy dọc sống lưng và không có xương dăm.

Đặc biệt, loài cá này có bộ lòng to, dày như dạ dày lợn, giòn sần sật. Thế nên đây cũng là loại cá mà những ngư dân như anh Hòa dồn tâm sức săn lùng. Dân chài lưới Vân Tập hầu như ai cũng thường xuyên bắt được cá chiên nhưng để bắt được những con to với số lượng nhiều thì chẳng mấy người. Bởi lẽ loài “thủy quái” này quen sống ở vùng nước sâu, chảy xiết, trong các hang, hốc đá, lại hung dữ, răng sắc như dao lam nên không phải tay chài lưới nào cũng có thể khuất phục. Khỏe mạnh, thông thạo sông nước, nổi tiếng “sát cá”, đã nhiều lần anh Hòa bắt được những con cá chiên nặng 30 - 40kg trước sự thán phục của anh em làng chài…

Nhưng cá ngày càng ít, quanh quẩn mãi trên dòng Lô cũng dần nhàm chán, năm 2006, nghe theo lời bè bạn, anh Hòa mang đồ chài lưới bắt xe ngược Tuyên Quang tới hồ Na Hang gia nhập Hợp tác xã (HTX) đánh bắt thủy sản. Mỗi ngày, anh em trong HTX đánh bắt được cả tạ cá chiên, nhiều con nặng cả yến. Có lần, anh Hòa quăng lưới và đã may mắn bắt được con cá chiên nặng 44 kg, to nhất mà dân chài lưới Na Hang từng bắt được. Mấy anh em vật vã cả buổi mới đưa được con cá quẫy khỏe như thuồng luồng lên bờ. Dân làng nghe tin, kéo nhau đến xem rồi lắc đầu, lè lưỡi trước con cá dài thượt, đầu to kỳ dị, râu dài cong vút, thân mốc thếch loang lổ rêu xanh…

Lồng nuôi cá chiên.
Lồng nuôi cá chiên.

“Ngũ quý hà thủy”

Sau gần 14 năm chài lưới trên hồ Na Hang, anh Hòa đã tiết kiệm được số vốn kha khá và học hỏi được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm về việc khai thác giống, tập tính, đặc điểm sinh học của cá chiên nên quyết định sẽ đầu tư, lập nghiệp, làm giàu từ loại cá đặc sản này. Về quê, anh dồn vốn đóng lồng sắt, đưa ra khúc sông Lô sát nhà, dựng chòi ở và bắt đầu rong thuyền thả câu bắt cá giống. Loài cá được dân gian liệt vào hàng “Ngũ quý hà thủy” (gồm cá anh vũ, dầm xanh, lăng, chiên và cá bỗng), bởi trước nay chưa có ai cung cấp nguồn cá chiên giống…

Rong thuyền xuôi ngược khắp các khúc sông, mỗi ngày, anh Hòa bắt được khoảng 3 - 5 kg cá chiên có kích cỡ bằng đầu ngón tay mang về làm cá giống. Các loại cá tôm khác đánh bắt được phần mang ra chợ bán lấy tiền thêm chi phí sinh hoạt, loại kém hơn dùng làm thức ăn cho đàn “thủy quái” đủ các kích cỡ. Cứ lấy ngắn nuôi dài, chẳng mấy chốc anh đã có đàn cá chiên mấy trăm con từ 2 - 4 kg có thể xuất bán dần.

Búng tay trên cửa lồng gọi đàn cá quen tín hiệu cho ăn quẫy nước đen đặc, anh Hòa chia sẻ: “Giống cá này khỏe, sức đề kháng tốt, rất hiếm khi nhiễm bệnh nhưng lại khảnh ăn, kén môi trường sống. Không thể dùng cám công nghiệp như các loài cá thông thường, số lượng tôm cá đánh bắt hằng ngày không đủ, tôi phải đặt mua tép dầu từ hồ Na Hang (Tuyên Quang), hồ Thác Bà (Yên Bái) với số lượng vài tạ mỗi lần mới đủ thức ăn cho hai chục lồng cá.

Được thị trường ưa chuộng, cá chiên có giá bán cao hơn hẳn các giống cá thông thường, hiện giờ khoảng 600.000 - 700.000 đồng/kg. Thế nên rất hiếm người dân mua về ăn mà chủ yếu là nhà hàng, khách sạn đến đặt. Người nọ mách bảo người kia, cá chiên nhà anh Hòa giờ đã có tiếng khắp các vùng miền, cá lớn đến đâu là có khách về đặt mua hết đến đấy, chưa khi nào tồn ứ. Hiện tại, gia đình anh có 20 lồng cá đủ các kích cỡ, trong đó có 10 lồng có tổng số lượng khoảng 1.000 con, trọng lượng 3 - 4 kg mỗi con đã có thể xuất bán. Trừ chi phí, mỗi năm loài “thủy quái” này mang về cho gia đình anh nguồn thu ổn định khoảng 600 triệu đồng.

Nhận thấy nguồn lợi lớn từ giống cá đặc sản, nhiều gia đình quen nghề chài lưới ở Vân Tập cũng đầu tư đóng lồng, kiếm cá chiên giống về nuôi. Cả khu hiện có hơn 30 lồng cá trải dọc theo bờ sông Lô. Tuy nhiên, do không có thị trường cung cấp ổn định, nguồn cá giống chỉ có được từ câu bắt ngoài tự nhiên, quá trình thuần giống rất khó khăn, người có kinh nghiệm, kỹ năng thuần thục mà mỗi yến cá chiên kích cỡ nhỏ câu được cũng chỉ có thể thuần giống được 3 - 4 kg quen với điều kiện nuôi nhốt. Thế nên giá cá chiên giống giờ còn cao hơn cả cá thương phẩm.

Nghề nuôi “thủy quái” giờ đã và đang trở thành hướng mở triển vọng giúp ngư dân Vân Tập trở thành tỷ phú trên dòng sông Lô thân thuộc.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.