Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

Làm giàu từ nghề truyền thống

PV - 16:01, 03/04/2018

Gắn bó với nghề làm miến từ nhỏ, nhưng La A Nồng (dân tộc Sán Chỉ) ở xã Húc Động, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) không nghĩ được, có một ngày mình trở thành chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất miến, được đem sản phẩm miến dong của quê hương giới thiệu với người tiêu dùng ở nhiều địa phương trong cả nước.

Làm giàu từ nghề làm miến dong

Anh La A Nồng kể, xã Húc Động, quê hương của anh vốn có nghề làm miến từ rất lâu đời: Trước kia, cả nhà anh cùng tham gia làm miến, nhưng là làm thủ công với số lượng nhỏ, lại bán loanh quanh trong xã nên đứt đoạn thường xuyên.

Anh La A Nồng kiểm tra chất lượng sợi miến được phơi trước khi đóng gói sản phẩm. Anh La A Nồng kiểm tra chất lượng sợi miến được phơi trước khi đóng gói sản phẩm.

 

Năm 2013, anh Nồng tốt nghiệp Khoa tiểu học, Trường Đại học sư phạm Hải Phòng nhưng không theo nghề dạy học mà chọn đi… làm miến. Hỏi về lý do khiến anh rẽ ngang như vậy, anh Nồng chia sẻ: Trong thời gian là sinh viên, những lúc rảnh rỗi, anh hay về mấy làng sản xuất miến ở ngoại thành Hà Nội để xem làm miến. Tôi muốn tìm hiểu xem làm sao họ có thể sản xuất được sản lượng miến lớn đến thế và nhờ đâu nghề làm miến lại giúp nhiều người làm giàu được? Tốt nghiệp xong, trong lúc chưa xin được việc, ngồi nhà nhìn những vườn dong riềng xanh tốt quanh thôn… anh La A Nồng quyết định đi vay tiền đầu tư vào nghề làm miến.

Để có hơn 1 tỷ đồng mua máy xay bột, máy tráng, máy thái là cả cố gắng lớn của anh Nồng. Ngoài thế chấp đất đai, nhà cửa để vay tiền; anh Nồng còn tỉ tê, thuyết phục anh em họ hàng để mọi người nhìn thấy tính khả thi trong kế hoạch anh vạch ra, từ đó đứng ra vay giúp. “Tôi là người Sán Chỉ, anh em cũng đều là người Sán Chỉ lại sống ở xã đặc biệt khó khăn, nên mỗi hộ được vay 50 triệu đồng theo chính sách của Nhà nước dành cho hộ nghèo, hộ DTTS. Nghe tôi bàn bạc, mỗi người một tay một chân đứng ra vay giúp…”, anh Nồng nói.

Năm 2014, Hợp tác xã phát triển Đình Trung do anh La A Nồng làm Giám đốc chính thức ra đời, với 7 thành viên ban đầu. Vụ miến năm 2014, trừ các khoản đi, HTX thu lãi gần 500 triệu đồng. Nhìn thấy hiệu quả, anh Nồng và các thành viên tự tin đầu tư thêm vào máy móc, nhà xưởng. Vụ miến năm 2015, 2016 sản phẩm miến dong của HTX phát triển Đình Trung làm ra đến đâu bán hết đến đó, HTX thu về hơn 600 triệu đồng tiền lãi/năm.

Không chỉ chia lãi đều đặn cho các hộ tham gia góp vốn, vào vụ sản xuất miến, HTX của anh Nồng còn tạo việc làm cho 25 lao động, với mức lương 4 triệu-4,5 triệu đồng/tháng.

Tuổi trẻ hăng hái đi đầu

Giới thiệu cho tôi xem những gói miến dong riềng được đóng gói cẩn thận, có in xuất xứ rõ ràng, anh Nồng chia sẻ: Từ khi thành lập HTX, tham gia vào chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP-HTX được hỗ trợ tiền in tem mác, hỗ trợ kinh phí tham gia giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ, triển lãm. “Có chương trình bán hàng nào, ở đâu tôi cũng đi. Tôi muốn càng nhiều người biết đến sản phẩm miến dong của chúng tôi càng tốt”, anh Nồng cười tự tin.

Theo anh Nồng: Miến do HTX sản xuất được làm hoàn toàn bằng dong riềng, không hề sử dụng chất bảo quản, nấu lên dai ngon và không bị nát, nên người nào đã từng ăn đều rất thích. Với giá bán từ 80.000-100.000 đồng/kg, năm 2015, HTX phát triển Đình Trung đã tiêu thụ được 25 tấn miến khô, năm 2016 hơn 30 tấn, năm 2017 khoảng 45 tấn…

Anh Nồng đang tính tới việc ký hợp đồng thu mua sản phẩm củ dong cho bà con ngay từ đầu vụ. “Để thuyết phục được bà con không phải việc đơn giản. Nhưng đây là việc cần làm để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, đồng thời bà con có thể yên tâm đầu tư sản xuất mà không lo sản phẩm làm ra phải chịu giá cả bấp bênh”… anh Nồng nói!

AN ĐỒNG

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.