Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước thời gian qua phát triển tích cực kể từ khi hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2018), thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương
Nằm ở khu vực Trung - Đông Âu, Hungary có vị trí chiến lược. Mặc dù cách xa về mặt địa lý, Hungary và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 3/2/1950. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã có bề dày lịch sử hơn 72 năm.
Quan hệ hai nước thời gian qua phát triển tích cực kể từ khi hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2018), thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Phát biểu tại họp báo cùng Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong chuyến thăm Hungary vào tháng 9/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Hungary, coi Hungary là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung - Đông Âu.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hai nước vẫn duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Tháng 7/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér; tháng 9/2021, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tham dự trực tuyến Diễn đàn An ninh-Tình báo Nghị viện lần thứ 18 do Chủ tịch Quốc hội Hungary chủ trì; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Hungary Márta Mátrai thăm Việt Nam tháng 1/2022.
Hai bên đã hợp tác chặt chẽ, hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn Nghị viện đa phương, cùng nhau đóng góp nhiều sáng kiến cho các tổ chức Nghị viện khu vực và thế giới.
Về hợp tác kinh tế, Hungary đã tích cực thúc đẩy việc thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA) và là quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 duy trì mức 1,1 tỷ USD dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cán cân thương mại giữa hai nước đang dần cân bằng hơn (trước đây Việt Nam xuất siêu), tuy nhiên đầu tư của các doanh nghiệp Hungary vào Việt Nam còn thấp.
Chính phủ Hungary đã hỗ trợ Việt Nam 256.000 liều vaccine và 100.000 bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên, nhượng lại phi lợi nhuận 400.000 liều vaccine để giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19.
Hợp tác giáo dục - đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước. Hungary đã giúp đào tạo hàng nghìn cán bộ, kỹ sư và nhiều người trong số đó đang giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước cũng như trong đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Hiện nay, Hungary là nước trong Liên minh châu Âu (EU) cấp nhiều học bổng nhất cho Việt Nam với 200 suất/năm. Về văn hóa, nhiều hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam được tổ chức tại 2 nước. Phía Hungary cũng đang tích cực triển khai thành lập Trung tâm Văn hóa Hungary tại Hà Nội.
Về hợp tác phát triển, Hungary coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chính sách hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với việc cam kết 440 triệu Euro vốn vay ưu đãi để thực hiện những dự án trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác của hai nước. Dự án Xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ thực hiện bằng nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Hungary là một trong những nội dung mà Chính phủ và Quốc hội Hungary đặc biệt quan tâm.
Cộng đồng người Việt Nam tại Hungary có khoảng 5.000 người, hội nhập tốt và có uy tín với sở tại, có nhiều hoạt động tích cực hướng về quê hương đất nước.
Đưa quan hệ giữa hai Quốc hội thực chất và hiệu quả hơn
Tự hào có những đóng góp quan trọng vào tổng thể quan hệ giữa hai nước; phát triển trên nền mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, trong những năm qua, quan hệ giữa Quốc hội hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp và ngày càng thực chất.
Trong suốt nhiều năm qua, Đoàn Quốc hội hai nước thường xuyên có các chuyến thăm và làm việc với nhau. Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam nhiều lần tới thăm và làm việc tại Hungary: Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (2008); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (2017); Đoàn Hội đồng Dân tộc (2011); Đoàn Ủy ban Quốc phòng và An ninh (2012); Đoàn ban Công tác Đại biểu (2012); Đoàn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng kết hợp với Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt – Hungary (2013)…
Đặc biệt, tháng 7/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Hungary László Köver để trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, hai Quốc hội trong thời gian tới. Trong đó có nội dung thúc đẩy trao đổi Đoàn, trao đổi kinh nghiệm hoạt động nghị viện.
Năm 2008, hai bên đã ký Thỏa thuận Hợp tác giữa hai Quốc hội. Hai bên duy trì tiếp xúc, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị Đối tác nghị viện Á - Âu (ASEP); trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động nghị viện, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước hợp tác làm ăn ổn định, lâu dài, đem lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Hai bên đã 3 lần phối hợp tổ chức Tọa đàm chung giữa hai Quốc hội. Trong chuyến thăm chính thức Hungary của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (9-11/4/2017), Quốc hội hai nước đã phối hợp tổ chức Tọa đàm chuyên đề lần thứ nhất về “Hoàn thiện pháp luật trong quá trình Hội nhập quốc tế”. Trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch Quốc hội Yakab István (1/2019), Quốc hội hai nước đã tổ chức Tọa đàm lần thứ 2 về chủ đề “Phát triển nông nghiệp bền vững và An toàn thực phẩm”. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch Quốc hội thứ nhất Hungary Márta Mátrai (1/2022), Quốc hội hai nước đã tổ chức Tọa đàm lần thứ 3 về chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với đại dịch COVID-19”.
Hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi kinh nghiệm công tác, giao lưu cấp Ủy ban, giữa các Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hai nước; hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực, quốc tế như AIPA, IPU, APPF, ASEP, APF…
Tiếp nối thành công của các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nước thời gian qua, chuyến thăm chính thức Hungary sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, duy trì và làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương; tăng cường đan xen lợi ích và tin cậy với các nước đối tác.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trước thềm chuyến thăm, bà Márta Mátrai - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Hungary cho biết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhận lời mời thăm chính thức Hungary lần đầu tiên sau đợt dịch COVID-19. Một biên bản ghi nhớ dự kiến sẽ được ký kết. Điều này rất quan trọng vì luật pháp giữa các quốc gia sẽ là một yếu tố quan trọng của luật pháp liên nghị viện và sẽ tăng cường hơn nữa các mối quan hệ. “Chúng tôi cũng sẽ chú ý đến cuộc họp liên nghị viện về biến đổi khí hậu. Cả hai quốc gia sẽ trình bày về môi trường pháp lý mà các bên đã tạo ra; thảo luận về các biện pháp đã thực hiện cho đến nay cũng như có những trao đổi kinh nghiệm về các nội dung này…”, bà Márta Mátrai nói.
Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary; duy trì trao đổi đoàn Lãnh đạo cấp cao giữa hai nước, hai Quốc hội.
Chuyến thăm khẳng định quyết tâm chính trị của cả hai bên trong việc duy trì và thúc đẩy hợp tác nghị viện. Nhân dịp này, dự kiến, hai bên sẽ ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội cho giai đoạn tiếp theo (Thỏa thuận hợp tác cũ được ký vào tháng 6/2008), phù hợp với nội hàm và mức độ quan hệ hợp tác nghị viện trong giai đoạn mới, làm cơ sở thúc đẩy quan hệ giữa hai Quốc hội thực chất và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, qua chuyến thăm, hai nước sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại - đầu tư, y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo; thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước và thực thi hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); thúc đẩy khai thông một số dự án hợp tác, tích cực khai thác những ưu tiên mà Hungary dành cho Việt Nam như ODA, đào tạo sinh viên…/.