Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Làm sâu sắc thêm các hệ giá trị Việt Nam: Kiên định hệ giá trị xã hội chủ nghĩa (Bài 1)

Sỹ Hào - 16:31, 25/11/2022

Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người là những vấn đề rất hệ trọng mà quốc gia nào cũng quan tâm xây dựng. Kế thừa, phát triển các văn kiện trước đây, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới, là vấn đề tất yếu để bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận của dân tộc, của đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững. Nhưng làm thế nào để đưa 4 hệ giá trị này thấm sâu và trở thành những điều tự nhiên trong đời sống hàng ngày của người dân không phải là việc dễ, và không thể một sớm một chiều.

Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức cuộc họp lần 2 Ban Chỉ đạo Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức cuộc họp lần 2 Ban Chỉ đạo Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.


Hệ giá trị quốc gia là hệ giá trị tổng quát, bao trùm, chi phối mọi lĩnh vực, mọi hoạt động khác nhau của đời sống xã hội, của quốc gia. Với Việt Nam, đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng ta, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Vì vậy, có thể xác định hệ giá trị quốc gia là Hòa bình - Thống nhất - Dân giàu - Nước mạnh - Dân chủ - Công bằng - Văn minh - Hạnh phúc.

Dân có giàu, nước mới mạnh

“Dân giàu, nước mạnh” là giá trị và mục tiêu của phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu này phù hợp với nguyện vọng và mong muốn của mọi tầng lớp Nhân dân. Đây là mục tiêu tốt đẹp, tập hợp trí tuệ và sức mạnh của Nhân dân, động viên Nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy tính tích cực và tự giác của Nhân dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngày 29/11/2022 đã diễn ra Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức. Hội thảo được tổ chức nhằm tập trung làm rõ các nội dung, nội hàm và thành tố cơ bản của hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị văn hóa; hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trước hết, nước muốn mạnh thì dân phải giàu. Vì thế, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là khuyến khích và hỗ trợ Nhân dân làm giàu chính đáng, theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”.

Thực hiện chỉ dẫn của Người, Đảng và Nhà nước ta đã có những cơ chế để tạo điều kiện cho một bộ phận người dân giàu thêm một cách hợp pháp. Đối với một bộ phận người dân có điểm xuất phát thấp và do nhiều nguyên nhân khác dẫn đến nghèo khó, Đảng và Nhà nước có sự quan tâm đặc biệt, đề ra nhiều chủ trương và thực hiện không ít giải pháp để xóa đói, giảm nghèo, tập trung ở các vùng “lõi nghèo” của cả nước.

Bởi thế, giảm nghèo bền vững là chương trình mục tiêu quốc gia xuyên suốt, được triển khai liên tục từ nhiều năm nay; mục tiêu giảm nghèo cũng được lồng ghép thực hiện ở hầu hết các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ triển khai ở các huyện nghèo, xã nghèo. Nguyên tắc được xác định trong công cuộc xóa nghèo, tăng giàu là, đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà trước hết thuộc về từng cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng và trách nhiệm của toàn xã hội. Cùng với đó, là sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong việc tiếp cận và giải quyết vấn đề nghèo đói ở Việt Nam.

Nhờ đó, những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, là một trong những câu chuyện thành công nhất trong phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, bình quân 2%/năm, các huyện miền núi khó khăn khoảng 4 - 5%/năm. Việt Nam đã sớm hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ cam kết với cộng đồng quốc tế trước thời hạn 10 năm…

Sau hơn 35 thực hiện Đổi mới, đời sống của người dân Việt Nam được nâng lên rõ rệt. So với năm 1986, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008, trở thành nước có thu nhập trung bình; vị thế vủa Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh”, Đảng và Nhà nước có sự quan tâm đặc biệt, đề ra nhiều chủ trương và thực hiện các giải pháp để xóa đói, giảm nghèo, tập trung ở các vùng “lõi nghèo” của cả nước.
Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh”, Đảng và Nhà nước có sự quan tâm đặc biệt, đề ra nhiều chủ trương và thực hiện các giải pháp để xóa đói, giảm nghèo, tập trung ở các vùng “lõi nghèo” của cả nước.

Tại sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam” được tổ chức ngày 22/11/2022, trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới được tổ chức tại Hà Nội, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam khẳng định, sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; trong đó thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia, quan hệ đối tác toàn diện với 13 quốc gia. Việt Nam có quan hệ với 247 chính đảng trên phạm vi 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam đã xây dựng, vun đắp quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước trên thế giới.

Khát vọng cốt lõi

Song hành cùng mục tiêu “Dân giàu - Nước mạnh”, Đảng, Nhà nước ta thực hiện mục tiêu “Dân chủ - Công bằng - Văn minh - Hạnh phúc”. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, rằng: “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao, rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Để thực hiện mục tiêu này, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành và hiện thực hóa nhiều chủ trương, chính sách bảo đảm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân trên nhiều phương diện của đời sống. Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản pháp luật đã xác định đầy đủ hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường thực hiện thành nền nếp.

Tăng cường tiếp cận thông tin để phát huy dân chủ ở cơ sở
Tăng cường tiếp cận thông tin để phát huy dân chủ ở cơ sở

Theo PGs.Ts. Nguyễn Minh Hoan, Trưởng Khoa Triết học - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khi đất nước giành được độc lập, trên tinh thần của bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Chính phủ cố gắng làm theo đúng ba chính sách: Dân sinh, Dân quyền và Dân tộc”. Đó là xã hội mà Nhân dân ngày càng sung sướng, hạnh phúc, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục, tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ; là xã hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt. Một xã hội như vậy chỉ có thể là xã hội xã hội chủ nghĩa.

Cùng với sự tổng kết quá trình phát triển đất nước qua hơn 35 năm đổi mới cả về lý luận và thực tiễn, văn kiện Đại hội XIII của Đảng khái quát: “Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển”.

Nhằm thực hiện công bằng về cơ hội phát triển, Đảng ta luôn nhấn mạnh về mục tiêu “kép” của công bằng xã hội, cả về phương diện hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, đều tập trung cho mục tiêu phát triển con người. Trong đó, thực hiện công bằng xã hội là một tiêu chuẩn căn bản để đánh giá hiệu quả xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Về xã hội, từng bước hoàn thiện chính sách xã hội, làm tốt chính sách bảo trợ xã hội, xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo.

Hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ miền núi được triển khai hiệu quả nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. (Ảnh minh họa)
Hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ miền núi được triển khai hiệu quả nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. (Ảnh minh họa)

Đây chính là nội hàm của hệ giá trị quốc gia, xây đắp từ hàng nghìn năm lịch sử, được định hình và phát triển trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Như chia sẻ của Gs.Ts. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản là, nói một cách nôm na, hệ giá trị quốc gia là phản ánh khát vọng cốt lõi của một dân tộc và cũng là cái đích để phấn đấu của mỗi một quốc gia. Có thể xác định hệ giá trị quốc gia là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Theo Gs.Ts. Phùng Hữu Phú, hệ giá trị quốc gia, là sự tích hợp các giá trị văn hóa, gia đình, con người tạo thành một hệ giá trị mang tính chất nền tảng cơ sở. Còn hệ giá trị văn hóa là tổng hòa các giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc, nó là bộ phận nòng cốt trong giá trị quốc gia, làm nên sức mạnh nội sinh để dân tộc phát triển.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.