Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Làm sâu sắc thêm các hệ giá trị Việt Nam: Vun đắp hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới (Bài 3)

Sỹ Hào - 16:33, 29/11/2022

Gia đình là một thiết chế văn hóa - xã hội đặc biệt, nơi sản sinh, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người. Gìn giữ, vun đắp hệ giá trị gia đình Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hình thành những con người mới để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị gia đình đã và đang biến đổi, làm phong phú hơn đời sống của gia đình, lan tỏa hơn các giá trị sống trong thời kỳ hiện đại. (Ảnh minh họa)
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị gia đình đã và đang biến đổi, làm phong phú hơn đời sống của gia đình, lan tỏa hơn các giá trị sống trong thời kỳ hiện đại. (Ảnh minh họa)

Củng cố hệ giá trị gia đình Việt

Nhấn mạnh về vai trò của gia đình cũng như việc gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình trong việc hình thành nhân cách con người và sự phát triển của xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình, xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng ở từng thời kỳ đều nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vậy những thành tố nào làm nên hệ giá trị gia đình Việt Nam?

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú trọng đã gợi ý xây dựng hệ giá trị gia đình gồm một số thành tố: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Gần đây nhất, trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Thực tế, việc gìn giữ, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt chú trọng triển khai qua hệ thống chính sách, pháp luật để hướng tới các mục tiêu: Ấm no – Hạnh phúc – Tiến bộ - Văn minh. Mục tiêu này gắn chặt với việc phát triển hệ giá trị quốc gia, với khát vọng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống của hệ giá trị gia đình Việt Nam.
Gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống của hệ giá trị gia đình Việt Nam.

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5 dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều.

Đặc biệt là sự phát triển nhanh và bền vững ở vùng đồng bào DTTS và miền núi – vùng “lõi nghèo” của cả nước. Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, hiện 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm, 80% số thôn có điện, trên 50% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% đồng bào DTTS và người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí… Sự phát triển kinh tế - xã hội là điều kiện quan trọng đảm bảo sự phát triển của mỗi gia đình, mang lại nhiều cơ hội trong tiếp cận các dịch vụ xã hội của mỗi cá nhân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 629/QĐ-TTg, ngày 29/5/2012 có đặt mục tiêu: “Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam”, với 4 chỉ tiêu cụ thể. Báo cáo số 293/BC-BVHTTDL về tổng kết Chiến lược của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, sau 8 năm thực hiện (2012 – 2020), có 44/63 tỉnh đạt Chỉ tiêu 1 (70%), 38/63 tỉnh đạt Chỉ tiêu 2 (60%), 43/63 tỉnh đạt Chỉ tiêu 3 (68%) và 36/63 tỉnh đạt Chỉ tiêu 4 (57%)”(7). Những con số trên cho thấy nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể, của mỗi người dân trong gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, góp phần vào sự ổn định, phát triển của quốc gia, dân tộc.

Hệ thống pháp luật hướng tới xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam tiến bộ, văn minh cũng đã được ban hành khá toàn diện. Đó là: Luật Hôn nhân và gia đình (2000), Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em (2016),… cùng các thông tư, nghị định, pháp lệnh hướng dẫn thi hành, đảm bảo những điều kiện tốt nhất để mọi gia đình đều được tôn trọng, bình đẳng, đều có cơ hội phát triển. Với việc thực thi hiệu quả pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhiều hủ tục lạc hậu trong đời sống xã hội đã được đẩy lùi.

Tiếp tục “gạn đục, khơi trong”

Trong thời kỳ mới, bên cạnh những nét đẹp truyền thống (hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu lễ với cha mẹ, anh em...), thì hệ giá trị gia đình Việt Nam đang có cơ hội tiếp nhận các thành tố từ bên ngoài theo quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Do vậy, việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ hiện nay cũng không ít thách thức.

Tại Phiên thảo luận thứ nhất (sáng 29/11/2022) trong khuôn khổ Hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, PGS.TS Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị gia đình đã và đang biến đổi. Trước hết, là các biến đổi giá trị trong hôn nhân, giá trị trong các mối quan hệ của gia đình, giá trị nội tâm và tâm linh, tín ngưỡng...

“Đồng thời, gia đình Việt Nam cũng đang tiếp nhận những giá trị mới. Trong các giá trị mới, giá trị vay mượn, có những yếu tố sáng tạo để tạo ra các giá trị mới như việc mở rộng không gian giao tiếp của gia đình dựa vào các công nghệ, thiết bị hiện đại. 

Việc mở rộng các ngôn ngữ giao tiếp cũng làm mới hơn các mối quan hệ trong gia đình. Bên cạnh duy trì các nghi lễ mang tính lễ giáo truyền thống, các thể thức nghi lễ mới cũng xuất hiện làm phong phú hơn đời sống của gia đình, lan tỏa hơn các giá trị sống trong thời kỳ hiện đại”, bà Hoa cho hay.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, trong xu thế hội nhập sâu rộng, hiện đã và đang xuất hiện của kiểu gia đình mới: cha, mẹ đơn thân, ly thân, gia đình đồng tính. Tuy nhiên, do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sống dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, xung đột trong các gia đình trẻ có chiều hướng gia tăng.

Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh từ việc tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. (Ảnh minh họa
Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh từ việc tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. (Ảnh minh họa)

“Bên cạnh đó, việc tiếp thu dễ dãi các tư tưởng, trào lưu, lối sống khác lạ đến từ bên ngoài, khiến nhiều bạn trẻ không kiểm soát được hành vi, suy nghĩ, có lối sống buông thả, dễ dãi trong quan hệ tình dục, hôn nhân, gây suy giảm sức khỏe, nòi giống, để lại những hệ lụy lớn cho bản thân, gia đình và xã hội”, bà Hương cho biết.

Cũng theo bà Hương, trong điều kiện internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những lợi ích mang lại, thì mặt trái của nó cũng đặt ra nhiều thách thức với các gia đình. Trên không gian mạng, những thế lực xấu sử dụng mọi chiêu trò, sức mạnh của truyền thông, tâm lý nhẹ dạ cả tin, hám lời của người dùng, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia vào những hội thánh mang màu sắc tôn giáo, mê tín, khuyên con người từ bỏ trách nhiệm với gia đình, không thờ cúng tổ tiên, cắt đứt tình thân. Một số người còn bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp, để lại nỗi đau và bi kịch cho nhiều gia đình.

Để đạt được mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn tới, GS.TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, cho rằng, cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình, đối với sự phát triển xã hội nói chung, từ đó chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong các chính sách kinh tế - xã hội. Các chính sách kinh tế - xã hội cần phải tính tới những tác động đối với đời sống gia đình nói chung.

“Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo thuận lợi cho người vợ và người chồng có cơ hội ngang nhau tham gia vào các hoạt động kinh tế và có vai trò bình đẳng trong các quyết định gia đình. Quan tâm hơn đến các mối quan hệ tâm lý - tình cảm của vợ chồng, đặc biệt trong bối cảnh của tình trạng phân ly gia đình hiện nay”, ông Minh khuyến nghị.

Theo các chuyên gia, việc gìn giữ, phát huy hệ giá trị gia đình cần phải được bắt đầu từ việc xây dựng và phát huy chuẩn mục con người Việt Nam. Bởi hệ giá trị con người còn thể hiện là hệ giá trị cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dungnày trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.