Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19 qua lăng kính nhân quyền: Chống dịch như chống giặc (Bài 2)

Sỹ Hào - 06:46, 22/11/2022

Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam - một quốc gia ở mức phát triển trung bình thấp, đã phòng chống dịch hiệu quả. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới còn đang lúng túng trong việc lựa chọn chiến lược nào để đối phó với Covid-19 thì với quan điểm “vì dân”, bằng tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện, trước mắt có thể chịu thiệt hại về kinh tế, song bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng Nhân dân.

(Thông tin đối ngoại) Nhìn lại cuộc chiến chống Covid – 19 qua lăng kính nhân quyền: Chống dịch như chống giặc (Bài 2)
Với quan điểm “vì dân”, bằng tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện, trước mắt có thể chịu thiệt hại về kinh tế, song bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng Nhân dân

Hiệu triệu non sông

Ngày 23/1/2020 (29 Tết), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) xác nhận 2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, đánh dấu cuộc chiến chống Covid-19 chính thức bắt đầu.

Xác định được mức độ nguy hiểm của đại dịch, ngay sau khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Công văn số 79-CV/TW ngày 29/1/2020, của Ban Bí thư về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra; Bộ Chính trị đã ra Thông báo số 172-TB/TW ngày 21/3/2020 về kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch Covid-19 để định hướng chỉ đạo cuộc chiến chống Covid-19 vì quyền sống, quyền chăm sóc sức khỏe của mọi người.

Ngày 11/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07-KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Kết luận nêu rõ: Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; yêu cầu lãnh đạo các cấp quan tâm bảo đảm các quyền về kinh tế, quyền giáo dục cho mọi người, quan tâm bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương bao gồm cả công nhân, người lao động, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Những đoàn công tác chi viện miền Nam chống dịch Covid-19 minh chứng cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những đoàn công tác chi viện miền Nam chống dịch Covid-19 minh chứng cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc

Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hai lần ra Lời kêu gọi toàn thể Nhân dân Việt Nam đoàn kết để chiến thắng đại dịch Covid-19. Lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng trong thời khắc đất nước đứng trước tình hình khẩn cấp của đại dịch Covid-19, thể hiện sự kế thừa, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của cha ông về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực, tự cường kết hợp với sức mạnh thời đại để chiến thắng “giặc Covid-19”.

“Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh… Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong đã đưa ra lời kêu gọi trong ngày 30/3/2020.

Đến chiều ngày 29/7/2021, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thêm một lần nữa hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc chống dịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong Lời kêu gọi, người đứng đầu Đảng Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

Tình quân dân bền chặt với những hình ảnh không thể nào quên trong những ngày “chống dịch như chống giặc”.
Tình quân dân bền chặt với những hình ảnh không thể nào quên trong những ngày “chống dịch như chống giặc”

Lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng đã chạm trái tim mọi người, khơi dậy tình thần yêu nước, tạo nên sức mạnh phi thường của một dân tộc anh hùng để Việt Nam chiến thắng “giặc Covid-19”. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhận được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của người dân cả nước. Các cán bộ y tế cùng các cán bộ, chiến sĩ công an ở địa phương đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, nhằm phát hiện sớm các nguy cơ lây lan dịch bệnh; những người thầy thuốc sẵn sàng quên mình, gác lại chuyện riêng tư chăm sóc người bệnh tại các khu vực điều trị, cách ly... Những hình ảnh ấy đã để lại nhiều xúc động trong lòng người dân.

Bảo vệ Nhân dân trong tình trạng khẩn cấp

Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, thể chế quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đã quyết liệt ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19. Ngay trước thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố sự bùng phát chủng corona mới từ Vũ Hán, Trung Quốc là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (ngày 31/1/2020), Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 30/1/2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Nhiều nhân viên y tế kiệt sức sau buổi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, chỗ nào cũng có thể thành giường để ngả lưng.
Nhiều nhân viên y tế kiệt sức sau buổi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, chỗ nào cũng có thể thành giường để ngả lưng

Kế đó là hàng loạt biên pháp cấp bách được triển khai nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch; nhất là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg về giãn cách xã hội và phong tỏa để chống dịch. Thực tế cho thấy, tình trạng hạn chế các quyền con người trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch Covid-19 đã diễn ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Quy định của pháp luật quốc tế cho phép các quốc gia có thể áp dụng các biện pháp hạn chế quyền trong trường hợp khẩn cấp do dịch bệnh vì quyền sống, quyền chăm sóc sức khỏe của mọi người trong cộng đồng.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn không từ một thủ đoạn nào lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để vu khống, xuyên tạc, kích động, chia rẽ nội bộ, âm mưu thực hiện cuộc cách mạng sắc màu. Chúng rêu rao rằng, Chính phủ Việt Nam ban hành quy định thực hiện giãn cách xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là vi phạm quyền con người, quyền công dân.

Ngay cả trong nước, cũng có quan điểm cho rằng, khi áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta quá mạnh tay và thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, lệnh giãn cách và phong tỏa được áp dụng trên phạm vi toàn quốc thay vì chỉ cách ly từng vùng/địa phương có dịch, đã gây ra những hậu quả về kinh tế nặng nề.

Bữa ăn vội vàng của cán bộ y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid - 19.
Bữa ăn vội vàng của cán bộ y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Đánh giá về vấn đề này, PGs.Ts. Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, lập luận như vậy là không thỏa đáng. Vì thời điểm đại dịch xuất hiện rồi bùng phát thì không thể nói là có kinh nghiệm hay thiếu kinh nghiệm, mà phải nhìn nhận rằng hầu như tất cả đều hoàn toàn không có kinh nghiệm, cả Việt Nam và các nước trên thế giới. Bởi cái mà chúng ta đối phó là một cú sốc bất định, dai dẳng và nặng nề nhất trong lịch sử nhân loại cho đến lúc này, từ y tế sang kinh tế và bao trùm lên tất cả các vấn đề xã hội của loài người.

Trên thực tế, khi thực hiện mệnh lệnh giãn cách xã hội, chúng ta đã chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; và vì đã hy sinh kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội thì phải đạt mục tiêu kiềm chế dịch bệnh. Bằng các giải pháp đồng bộ, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, Việt Nam đã chống chọi với đại dịch toàn cầu, với quan điểm bảo đảm quyền được sống là tối thượng; từ đó một loạt chính sách an sinh nhằm chăm sóc sức khỏe, ổn định đời sống của Nhân dân đã được ban hành, triển khai.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Hiến định về hạn chế quyền trong tình trạng khẩn cấp

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi nhận: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng” (Khoản 2, Điều 14).

Nguyên tắc hiến định về hạn chế quyền trong tình trạng khẩn cấp đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật sau:

- Các quyền con người, quyền công dân có thể bị hạn chế trong tình trạng khẩn cấp: Điều 6, Điều 7, Điều 8 Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 quy định những biện pháp hạn chế một số quyền con người, quyền công dân: Cấm đi lại trong khu vực nhất định và trong thời gian nhất định; đóng cửa các khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt công cộng, giao tiếp đông người; đình chỉ hoạt động giao thông; tạm dừng việc xuất cảnh, nhập cảnh để ngăn chặn lây lan dịch bệnh.

- Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 quy định một số hạn chế quyền con người, quyền công dân: Tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi cần thiết (Điểm đ Khoản 1 Điều 14).

- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiềm năm 2007 quy định một số biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân khác trong tình trạng khẩn cấp: Cách ly y tế (Điều 43); tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch (Điểm a Khoản 1 Điều 52);...

Tin cùng chuyên mục