Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Lân Vai ngày ấy, bây giờ

Hiếu Anh - 19:08, 10/01/2021

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, hàng trăm người Mông từ Cao Bằng lặn lội tìm đến “hạ sơn” ở xóm Lân Vai, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên sinh cơ lập nghiệp. Hơn 30 năm sau, cùng với nỗ lực của người dân và sự quan tâm sát sao của chính quyền các cấp, Lân Vai đã khoác lên mình màu áo mới, tự tin về đích nông thôn mới (NTM).

Cùng trải bước trên con đường bê tông kiên cố, ông Lý Xồng Tu, Người có uy tín bản Lân Vai tự hào cho biết, cách đây hơn 30 năm trước, vì cái bụng đói quá nên cái chân của người Mông cứ đi miết. Khi tới thung lũng Lân Vai , lúc ấy vẫn là những khoảng đất mênh mông ít người đi lại, người dân quyết định dừng chân sinh cơ lập nghiệp.

Ngày ấy, chưa có đường vào Lân Vai nên muốn ra trung tâm, người dân chỉ có một cách duy nhất là leo bộ qua 2 ngọn núi. Chưa có đường nên bản cũng không có điện, không có trạm xá. Vì vậy, mỗi khi trong bản có người ốm đau, thanh niên trai tráng phải thay nhau cáng bệnh nhân băng qua những ngọn đồi với khoảng 1 ngày đường.

Từ năm 2003, được sự động viên của chính quyền địa phương, nhiều hộ đã hiến gần 10.000 m2 đất do chính gia đình khai hoang hàng chục năm mới có để mở đường vào bản. Những con đường đất khi xưa giờ đã phủ bê tông vững chãi. Đường từ trung tâm xã vào Lân Vai dài hơn 1,8 km, rộng 3m được hoàn thành năm 2004 trong niềm vui của dân bản.

Có đường, điện cũng theo về từng ngõ xóm, rồi vào từng nhà hộ dân. Có điện, người dân có điều kiện mua thiết bị sinh hoạt, từ bóng điện thắp sáng mỗi đêm cho trẻ con học bài đến ti vi cho người già xem lúc rảnh rỗi.

Chỉ tay lên ngọn đồi phía xa, ông Lý Xồng Tu bảo, trước kia, chưa có đường, điểm trường lại dột nát, các thầy cô vào cắm bản rất gian nan. Từ khi có điểm trường mới, thầy cô có thể đi thẳng xe máy vào điểm trường.

Giờ đây, nghe tiếng ê a học bài của trẻ, người già trong bản phấn khởi lắm. Bởi, họ hiểu được rằng, chỉ có cái chữ mới giúp con cháu họ thực sự thoát khỏi đói nghèo.


Đường vào Lân Vai đã được đổ bê tông kiên cố
Đường vào Lân Vai đã được đổ bê tông kiên cố

Gieo mầm sung túc

Ông Hầu A Thành, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Lân Vai thông tin, Không chỉ được đầu tư cơ sở vật chất, người dân Lân Vai còn được chính quyền quan tâm phát triển sinh kế. như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, cử cán bộ về tận xóm hướng dẫn bà con sản xuất, gieo trồng. Mới đây nhất là trong năm 2020, Lân Vai được Nhà nước hỗ trợ 5 máy phát cỏ, 3 máy cày, 3 máy làm đất. Nhờ máy móc mà năng suất lao động của người dân đã tăng gấp 3, 4 lần so với trước kia.

Điều phấn khởi là, trong phát triển kinh tế gia đình, người dân ở Lân Vai đã biết phát huy thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu để tìm cây trồng thích hợp. Trong đó, điển hình 3 năm nay, người dân đã đăng ký trồng na trên đất dốc. Do đó, chính quyền đã chú trọng hỗ trợ bà con gần 2000 giống na trên 12 mẫu đất. Ông Thành cho biết, mặc dù hướng đi mới này còn nhiều khó khăn, nhưng người dân hoàn toàn tin tưởng rằng, cây na sẽ là cây làm giàu cho người dân bản Mông nơi thung lũng này.

Ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai cũng cho biết, Lân Vai là một trong những bản khó khăn nhất của xã.  Từ chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau, bản Lân Vai đã được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền nên được đầu tư nhiều chương trình dự án như Chương trình 135, Quyết định 2085, 2086...

Đặc biệt, do đặc thù nên Lân Vai đã được hưởng lợi từ Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” (Đề án 2037). Nhờ vậy, đời sống của người dân nâng lên rõ rệt. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của người dân đạt hơn 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,58%. Bản Lân Vai cùng xã Dân Tiến đã được công nhận xã NTM vào ngày 8/12/2020 vừa qua.

Lân Vai là 1 trong 26 bản được hưởng lợi từ Đề án 2037. Theo đó, 6 năm qua, Đề án này đã hỗ trợ giống, phân bón trồng ngô lai cho 3130 ha , kinh phí hỗ trợ gần 15 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng để đồng bào trồng cây ăn quả trên diện tích 40 ha. Về xây dựng cơ sở hạ tầng: tỉnh đã đầu tư hơn 64,5 tỷ đồng làm 15 tuyến đường với chiều dài 42,7 km; xây 15 trường học, 3 nhà văn hóa, 11 công trình điện lưới quốc gia và 2 công trình nước sạch.

                             Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên