Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Làng Chăm đón Tết

PV - 10:53, 18/01/2019

Những ngày giáp Tết Nguyên đán cùng với đồng bào Kinh, đồng bào Chăm ở An Giang lại tất bật dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc ruộng đồng; những ai đi làm ăn xa “khăn gói” chuẩn bị về quê đón Tết. Không khí ở các làng Chăm nhộn nhịp hẳn lên, mọi người sống chan hòa, đầm ấm bên gia đình và tình làng nghĩa xóm giữa Kinh-Chăm ngày thêm thắt chặt.

Thiếu nữ Chăm (An Giang) du Xuân trẩy hội. Thiếu nữ Chăm (An Giang) du Xuân trẩy hội.

Tết của sự đầm ấm

Ông Muhammad Thost, Trưởng xóm La Ma kiêm Thư ký Thánh đường Masjid Roh Mah, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú cho biết: Những ngày này xóm La Ma đông vui, nhộn nhịp lắm, bởi con cháu đi làm ăn xa ở các tỉnh Bình Dương, Long An, Cà Mau…đã kịp về nhà để đón giao thừa cùng gia đình, để có cơ hội tề tựu bên nhau trong những bữa cơm đầm ấm chiều cuối năm. “Gia đình tôi có 6 người, vợ, chồng tôi lớn tuổi nên ở nhà làm ruộng và chăm sóc con cháu để chúng đi học, còn cha, mẹ các cháu đi làm ăn xa”.

Ông Muhammad Thost khoe, người Chăm, ngoài nghề làm ruộng, nuôi bò, bà con còn rất giỏi mua bán. Những ngành hàng được bà con người Chăm quan tâm mua bán là vải, quần áo may sẵn, hàng điện máy, hàng gia dụng; người Chăm sống ở TP. Hồ Chí Minh thì kinh doanh nhà hàng, khách sạn; bán quần áo người Chăm để phục vụ khách du lịch đến từ các quốc gia Hồi giáo. Trong những ngày Tết, chúng tôi thường tổ chức đi thăm hỏi chính quyền, bà con hàng xóm (là người Kinh) để thắt chặt tình làng nghĩa xóm…”, chia sẻ.

Đón Tết Nguyên đán năm nay, gia đình ông Ka Rim ở xóm Chăm La Ma rất phấn khởi, bởi ruộng lúa nhà ông vừa thu hoạch và cho năng suất cao. Lúa trúng mùa, được giá nên có thu nhập cao. Bình quân mỗi công đất, ông lời 2 triệu đồng. Ngoài 1ha lúa đông xuân, mới đây vợ, chồng ông bán được cặp bò với giá 78 triệu đồng. Tiền bán bò và bán lúa, ông đã dành một ít để mua gạo tặng những người nghèo trong xóm. Đây là việc làm thường xuyên của gia đình ông mỗi khi Tết đến xuân về.

“Tôi làm như vậy là để giáo dục con cháu. Tôi thường nói với chúng rằng, sống trong đời sống cần nhau một tấm lòng. Sống trong xã hội phải biết nhìn xung quanh, xem ai khổ thì giúp đỡ. Có như vậy cuộc sống mới có ý nghĩa”, ông Ka Rim kể lại.

Với chị Ya Sa, ở ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước, huyện An Phú, Tết ở nhà chị không cúng lễ mà chỉ vui chơi, con cháu sum họp, cùng nhau nấu ăn, có nhà thì đi chơi. “Tết này nhà tôi nấu các món truyền thống của người Chăm như: Món cari, làm tung lò mò (lạp xưởng Chăm) hay làm bánh rế (một loại bánh ngọt) để con cháu ở xa về ăn cho vui…”.

Ông Haji Zacky Trưởng ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Chăm Islam An Giang chia sẻ: Người Chăm có Tết riêng, nhưng hòa chung nhịp sống dân tộc, cộng đồng người Chăm ở An Giang cũng tổ chức đón Tết, đi thăm hỏi, tặng quà cho những người Kinh trong xóm; cùng nhau ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương; chuyện làng, chuyện xã, chuyện sản xuất trên đồng ruộng. Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, sống những ngày đầm ấm, vui tươi”.

Tết quân dân ở xóm Chăm La Ma, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú. Tết quân dân ở xóm Chăm La Ma, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú.

Tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt

Không chỉ có làng Chăm ở xã Vĩnh Trường, mà các làng Chăm khác vào những ngày này nhộn nhịp hẳn lên. Các bến sông, ghe xuồng đậu chật bến. Đây là những người đi làm ăn xa, tề tựu về để đón Tết Việt.

Ông Muhammad Sa Lếs, ấp Phủm Xoài, xã Châu Phong, Thị xã Tân Châu chia sẻ: Cuộc sống hiện nay của đồng bào Chăm đã ấm no, hạnh phúc hơn xưa. Con cháu trong nhà được cắp sách đến trường. Những hộ sản xuất lúa hay làm ăn mua bán đều được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn, từ đó đời sống ngày càng phát triển.

“Người Chăm An Giang luôn biết ơn Đảng và Nhà nước đã không ngừng chăm lo cho cuộc sống của bà con. Việc này đã làm tình đoàn kết các dân tộc ngày càng thêm gắn bó. Mỗi dịp Tết cổ truyền hoặc những ngày lễ quan trọng của người Chăm, chúng tôi luôn đón nhận tình cảm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể đến thăm, chúc Tết và tặng quà”.

Anh Sô Lây Mal, ở ấp Khánh Mỹ, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú cho biết: “Chúng tôi thường nhắc nhở nhau, những ngày Xuân bên cạnh việc thăm hỏi, vui chơi giải trí…cũng phải lưu ý thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh trên lúa, trên rau để có cách phòng trị. Bà con người Chăm, người Kinh trong ấp thường xuyên duy trì việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất để năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi ngày một nâng lên, có như vậy mới góp phần đẩy nhanh được thoát nghèo bền vững và đóng góp được vào xây dựng nông thôn mới…”.

Qua bao thăng trầm của lịch sử và những khó khăn trong cuộc sống, cộng đồng người Chăm luôn gắn bó với người Kinh cùng vượt qua gian lao để gìn giữ, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đời sống của người Chăm cũng ngày càng được cải thiện, nâng cao. Thế nên, Tết Nguyên đán tuy không phải là Tết chính thức của người Chăm. Nhưng mỗi bận Xuân về, khi mai vàng thi nhau khoe sắc thì ở các làng Chăm của An Giang cũng rộn ràng không khí đón Xuân sang với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ vui tươi, ý nghĩa, thắm tình đoàn kết.

Cuộc sống hiện nay của đồng bào Chăm đã ấm no, hạnh phúc hơn xưa. Con cháu trong nhà được cắp sách đến trường. Những hộ sản xuất lúa hay làm ăn mua bán đều được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn, từ đó đời sống ngày càng phát triển.” (Ông Muhammad Sa Lếs, ấp Phủm Xoài, xã Châu Phong, Thị xã Tân Châu)

PHƯƠNG NGHI

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.