Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Lang Chánh (Thanh Hóa): Mô hình "Dân vận khéo" góp phần đưa nhiều xã nghèo phát triển

Quỳnh Trâm - 16:36, 05/11/2022

Nhằm vận động Nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG, huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, đoàn thể triển khai hiệu quả nhiều mô hình “dân vận khéo”, qua đó tạo sự đồng thuận của người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Mô hình vườn mẫu ở bản nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Trí Nang
Mô hình vườn mẫu ở bản nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Trí Nang

Hiệu quả to lớn

Xác định phương châm “dân vận khéo”, là một trong những yếu tố mang lại sự thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương, xã Trí Nang, huyện miền núi Lang Chánh rất chú trọng đến các phương thức nâng cao chất lượng công tác dân vận.

Thông qua các đoàn thể chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh để người dân hiểu, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình để tham gia hưởng ứng các phong trào phát động tại địa phương. Nổi bật là các hoạt động vận động Nhân dân tham gia xây dựng NTM, như phong trào hiến đất, tài sản trên đất để làm đường giao thông; xây dựng nhà văn hóa, thiết chế văn hóa; xây dựng mô hình thôn bản sạch đẹp, giữ gìn an ninh trật tự...

Ông Hà Văn Tằm, Chủ tịch UBND xã Trí Nang cho biết, trong công cuộc xây dựng NTM, bằng các biện pháp tuyên truyền, dân vận khéo hiệu quả, thu hút được sự ủng hộ của đại đa số Nhân dân trong việc chung tay phát triển kinh tế - xã hội, hiến đất làm đường, góp tiền, góp ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản tại địa phương; xóa đói giảm nghèo, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất... Đồng thời, khuyến khích các hộ dân đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng và xem đây là hướng phát triển kinh tế chủ đạo trong thời gian tới.

Kể từ khi thực hiện các mô hình “dân vận khéo”, đến nay xã Trí Nang đã phát triển được gần 20 trang trại; 100 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; nhiều hộ gia đình có mức thu nhập 300 triệu đồng/năm. Đời sống Nhân dân trong xã cơ bản ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. 

Với sự đồng lòng chung sức của cán bộ và Nhân dân, xã Trí Nang đã huy động kinh phí xây dựng NTM đạt 92,8 tỷ đồng, trong đó, kinh phí do Nhân dân đóng góp đạt 48,8 tỷ đồng. Tháng 10/2020, xã Trí Nang đón nhận quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Tương tự, tại xã Tân Phúc, một vùng khó khăn của huyện Lang Chánh, với xuất phát điểm thấp nên khi bắt tay vào xây dựng NTM, Tân Phúc gặp không ít khó khăn như, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Chương trình xây dựng NTM chưa đầy đủ; sản xuất nông, lâm nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nguồn ngân sách của địa phương hạn hẹp, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ...

Nhà văn hóa thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc được xây dựng khang trang theo chương trình xây dựng NTM
Nhà văn hóa thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc được xây dựng từ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM

Để giải quyết những hạn chế này, xã đã xác định công tác dân vận phải đi trước một bước. Theo đó, Đảng ủy xã đã thành lập 9 tổ dân vận ở cơ sở, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng NTM”; Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị, các chi bộ vận dụng “cẩm nang” dân vận khéo “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để vận động, tập hợp và khuyến khích khơi dậy được sức dân trong thực hiện các tiêu chí NTM.

Chỉ vào những con đường bê tông sạch, đẹp tại thôn Tân Thành, Bí thư Chi bộ thôn Lê Văn Hạnh, phấn khởi chia sẻ: “Đây chính là thành quả của dân vận khéo trong việc khơi dậy lòng dân, sức dân đóng góp tiền của, ngày công để làm đường giao thông nông thôn”.

Ông Lê Quang Tùng, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định vai trò thiết thực của công tác dân vận tại địa phương. Thông qua dân vận khéo, xã Tân Phúc đã huy động được tổng nguồn vốn xây dựng NTM ở địa phương là 92,8 tỷ đồng. Trong đó, Nhân dân đóng góp 48,8 tỷ đồng (chiếm 52,5%) để xây dựng hạ tầng nông thôn, chỉnh trang xây dựng nhà ở dân cư. Kết quả này, là một trong những minh chứng vai trò quan trọng của công tác dân vận ở địa phương .

"Dân vận khéo" trong giai đoạn mới

Để mô hình “Dân vận khéo” ngày càng đi vào thực chất, hàng năm, huyện Lang Chánh đều xây dựng kế hoạch để các cơ quan, tổ chức, tập thể và cá nhân tự nguyện đăng ký thực hiện; đồng thời có hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, tìm ra được “cái khéo” trong vận động, tập hợp những điển hình nổi bật, có sức lan tỏa để nhân ra diện rộng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được trên 200 mô hình dân vận khéo, trong đó có gần 70 mô hình hoạt động hiệu quả ở các xã Trí Nang, Giao An, Quang Hiến...

Trong hơn 10 năm nay, Nhân dân huyện Lang Chánh đã đóng góp được hơn 30 tỷ đồng, hiến khoảng 5 ha đất cùng hoa màu và 70.500 ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi nông thôn. Nổi bật là toàn huyện đã làm hơn 40km đường giao thông nông thôn, gần 20km đường điện chiếu sáng tại các thôn, bản; xây mới 8 công sở xã, 10 trung tâm văn hóa - thể dục thể thao xã; sửa chữa, làm mới 25 nhà văn hóa thôn. Cũng nhờ làm tốt công tác dân vận, bà con tại thôn Năng Cát, xã Trí Nang và thôn Chiềng Ban 2, thị trấn Lang Chánh đã xây dựng được vùng rau an toàn tập trung với diện tích 4,5 ha để phục vụ nhu cầu rau xanh an toàn hàng ngày của Nhân dân.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Bí thư Huyện ủy Lang Chánh cho biết: Những mô hình “Dân vận khéo” không chỉ làm đổi thay diện mạo của các vùng nông thôn, mà còn đóng góp tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác giảm nghèo của địa phương. Nổi bật nhất là, hạ tầng cơ sở được tăng cường xây dựng, các công trình giao thông, điện, đường, trường, trạm được đầu tư nâng cấp, xây mới, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân sinh hoạt và phát triển kinh tế. Toàn huyện có 2/9 xã, 30/78 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thôn, bản đạt các tiêu chí thôn kiểu mẫu của tỉnh; có 132 doanh nghiệp và 24 HTX được thành lập; 25/31 trường học trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn quốc gia.

Theo Bí thư huyện ủy Nguyễn Xuân Hồng, những năm qua, huyện Lang Chánh luôn đảm bảo công tác an sinh xã hội, và đã triển khai đầy đủ các chính sách giảm nghèo cho Nhân dân trên địa bàn, trong đó một số chương trình như: Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chương trình vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo... đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, cải thiện rõ rệt điều kiện sống của người dân. 

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vẫn còn tới là 30,62%,  do đó, trong thời gian tới, Lang Chánh tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; huy động mọi nguồn lực, trong đó tranh thủ nguồn lực từ Chương trình MTQG phát triển kinh tê-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (theo Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ) để giải quyết các vấn đề xã hội, những nhu cầu bức thiết của Nhân dân; xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; chuyển dịch hợp lý cơ cấu kinh tế.

"Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, việc đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai các mô hình "Dân vận khéo" trong các tổ chức chính trị, đoàn thể có ý nghĩa quan trọng đối với việc vận động Nhân dân tham gia thực hiện các phong trào của địa phương; tham gia xây dựng chính quyền, góp phần thúc đẩy phát triển cho các xã khó khăn.", ông Nguyễn Xuân Hồng nhìn nhận.