Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Làng gốm Lư Cấm đang trôi về quá vãng

PV - 10:14, 13/04/2018

Nghề gốm ở Lư Cấm (phường Suối Hiệp, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) là một làng nghề được hình thành từ đầu thế kỷ 19, từng đem lại cuộc sống ấm no cho cư dân địa phương và được 3 ông vua của Triều Nguyễn là; Thành Thái, Duy Tân, Khải Định sắc phong. Thế nhưng, đến bây giờ làng gốm đã có hằng trăm năm tuổi này đang đứng trước nguy cơ mai một, những người tâm huyết với làng, với nghề cũng đành ngậm ngùi nhìn làng nghề tàn lụi...

Thời vàng son nay còn đâu

Những năm đầu của Thế kỷ 19, nghề làm gốm đã bắt đầu xuất hiện ở làng Lư Cấm, ngôi làng chạy dọc ven sông Cái, sự giao thương khi đó chủ yếu bằng đường thủy. Để có được đất làm gốm, người dân trong làng phải dùng thuyền di chuyển ngược lên phía trên để mua đất. Sản phẩm gốm của làng là những vật liệu xây dựng và các sản phẩm trong sinh hoạt như: Ống ghè xây tường, gạch thẻ, ngói âm dương, ngói móc, gạch lược hình cong để xây giếng, các lu, hũ, bình, vại, nồi, nêu, tô… rồi đến các vật dụng trang trí như bình hoa.

Những lò nung gốm bây giờ đìu hiu, cô quạnh. Những lò nung gốm bây giờ đìu hiu, cô quạnh.

 

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại rằng: hồi đó làng nghề phát triển rực rỡ, những mặt hàng làm ra đa số đều được tiêu thụ hết trong một thời gian ngắn. Ngoài những nghệ nhân trong làng, còn có một số người dân từ các làng khác đến để làm công. “Khoảng giữa thế kỷ XX, thời làng nghề còn thịnh, cả làng có đến 30 lò gốm, người theo làm rất đông. Ngoài người trong làng, dân các làng lân cận cũng đến làm công. Làng lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh người nhồi đất, người nặn gốm, phơi gốm. Gốm hư hỏng, người dân đổ dọc hai bờ sông, theo năm tháng đã lấn ra cửa sông cả 30m...”, ông Lê Sương, người làm gốm nhớ lại.

Hiện tại, ở đình làng vẫn còn bảng ghi công ơn 18 chức sắc và bá hộ cùng 34 người dân đã có công lao xây dựng làng gốm. Một điều đặc biệt là đình làng còn lưu giữ được 3 sắc phong của vua Triều Nguyễn cho ông tổ nghề gốm làng Lư Cấm. Năm 1903, vua Thành Thái ban sắc phong Đào Nghệ Chi Thần, 6 năm sau (tức đến năm 1909)-vua Duy Tân lại ban sắc phong Đào Nghệ Chi Thần, năm 1924 vua Khải Định ban sắc phong Đào Nghệ Tôn Thần. Khi nói đến những sắc phong này, ông Chi lấy làm tự hào và luôn lưu giữ một cách cẩn thận.

Liệu có còn cho mai sau

Hiện tại, ở làng gốm Lư Cấm chỉ còn vài hộ gia đình theo đuổi nghề của cha ông. Hôm tôi ghé thăm nhà của bà Đào Thị Hoa, bà và chồng đang loay hoay nặn và tạo hình cho những chiếc lò. “Bây giờ, trong làng chỉ còn tôi với thêm một hộ gia đình làm nghề thôi chú à! Không sống được với nghề nên ai cũng bỏ, mai một dần. Hiện tại tôi cũng chỉ có làm một sản phẩm duy nhất là lò đất. Làm đến lúc nào không theo được với nghề thì bỏ thôi chứ giờ con cái có ai theo cái nghề này đâu.”, bà Hoa vừa nhào đất vừa bộc bạch.

Những lò gốm bây giờ đìu hiu, cô quạnh nó khác xa với sự nhộn nhịp của những ngày xưa. Ông Chi, người tâm huyết với nghề gốm tâm sự: “Nghề này thất truyền âu cũng là một quy luật của thị trường! Bây giờ, thử hỏi có được bao nhiêu người sử dụng đồ gốm, đồ đất để sinh hoạt đâu. Ai cũng mua các vật dụng bằng sứ, chất men, những sản phẩm giá rẻ dễ sử dụng. Bây giờ để làm ra một sản phẩm tốn nhiều thứ lắm, mà khi bán ra thì không cạnh tranh được với các sản phẩm khác. Như vậy thì ai mà tha thiết với nghề. Tuy nhiên làng nghề gắn với yếu tố lịch sử hình thành độc đáo nên nếu mất thì thật đáng tiếc”.

Những năm qua, nhiều công ty du lịch đã đưa khách đến thăm quan nghề gốm ở đây. Thế nhưng, các đơn vị du lịch chỉ ăn theo những cái đã có, không ai mặn mà tính đến việc phối hợp với những người làm gốm để tạo nên một điểm thăm quan hấp dẫn.

Theo nhiều nghệ nhân làm gốm, bây giờ làm ra một cái lò đất phải mất rất nhiều công đoạn, giá thành đất, củi đốt cũng cao. Thời gian đốt lò khoảng 20 giờ, tốn 2m3 củi, phải cẩn thận thăm lò liên tục để thêm củi, nhiệt độ trong lò tùy vào từng lúc, như; 1 giờ đến 7 giờ đầu tiên thì để lửa nhẹ, 16 giờ đến 20 giờ thì nhiệt độ trong lò phải đạt 900độ. Một người bình quân làm được 24 cái/ngày, bán ra thì chỉ lời được 2000 đồng một cái. Do lời ít với mất nhiều công sức nên hiện nay ở làng Lư Cấm không có ai mặn mà với cái nghề lâu đời của tổ tiên.

Dẫn chúng tôi lên ngôi đình cổ, nơi đang lưu giữ những vật dụng đồ gốm từ thời xa xưa của làng; Ông Chi vừa mở cửa vừa nói: “Bây giờ tôi cũng già cả rồi, sống chết không biết thế nào nên những lúc khỏe mạnh tôi thường đi tìm lại những vật dụng đồ gốm mà thời xưa đã có ở làng đem về trưng bày ở đình làng, để sau này con cháu chúng nó còn biết hồi trước ông bà mình đã làm ra những thứ này. Giờ nói tìm cách để phục hồi lại làng nghề chắc khó lắm, những người biết nghề thì đã ở tuổi gần đất xa trời, mà bọn trẻ thì có được đứa nào đam mê đâu”.

ĐÔNG HƯNG - ĐẮC THÀNH