Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Làng Mơ Hra với Dự án “Di sản kết nối”

Hồng Minh - 10:50, 20/09/2019

Di sản âm nhạc cồng chiêng, nghề đan lát và dệt thổ cẩm được duy trì trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của dân làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai từ bao đời nay. Thế nhưng, chỉ khi được Dự án “Di sản kết nối” hỗ trợ, người dân làng Mơ Hra mới thực sự có những hướng đi rõ ràng cho việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.

Làng Mơ Hra với Dự án “Di sản kết nối”

Đội cồng chiêng làng Mơ Hra biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội.

Với người dân làng Mơ Hra, dòng chảy văn hóa truyền thống luôn chảy mãnh liệt trong đời sống thường ngày.
Già làng Đinh Hmưnh cho biết: “Những già làng như tôi luôn mong muốn truyền dạy cho con cháu cách đánh cồng chiêng, múa xoang, đan lát và dệt thổ cẩm để nó không bị mai một. Nay được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ để phát triển du lịch, dân làng phấn khởi lắm”.

Cứ đều đặn, các buổi tối từ 7 giờ đến 9 giờ tối tại sân nhà rông, già Hmưnh lại tập trung 3 đội cồng chiêng của làng luân phiên tập luyện các bài chiêng như: Lễ đâm trâu, mừng lúa mới, đóng cửa kho, bỏ mả…
Cùng với việc truyền dạy cách đánh cồng chiêng, dân làng Mơ Hra còn vận động nhau bảo tồn nghề dệt. Những khung dệt thổ cẩm nhỏ gọn đã thay thế hoàn toàn cho bộ khung lớn, cũ nên thu hút được nhiều người đến với nghề dệt thổ cẩm. Từ đó, sản phẩm truyền thống của làng cũng đã mang hơi hướng hiện đại và có tính ứng dụng cao hơn.

Các sản phẩm lưu niệm được cắt may từ tấm vải dệt.
Các sản phẩm lưu niệm được cắt may từ tấm vải dệt.

Chăm chú, tỷ mỷ bên khung dệt để hoàn thành tấm vải, chị Đinh Thị Vân cho biết: Phụ nữ ở làng ai cũng biết dệt. Trẻ em học theo người lớn cũng biết dệt. Để các sản phẩm của chị em dễ sử dụng hơn, chúng tôi đã học cắt, may theo mẫu hướng dẫn để tạo ra các sản phẩm lưu niệm như: Ví cầm tay, hộp bút, túi xách, bao đựng điện thoại, móc khóa hình thú bằng thổ cẩm.

Ngoài duy trì nghề dệt, cắt may các sản phẩm dệt, dân làng Mơ Hra còn được hướng dẫn phát huy các món ăn truyền thống với nguyên liệu sẵn có tại địa phương, như: Cơm lam, gà nướng, cá nướng, đọt mây nướng, dương xỉ nấu ốc đá…

Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng, nhận định: Dự án đã mở ra cơ hội cho người dân làng Mơ Hra phát triển các sản phẩm đặc trưng thành sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách đến thăm quan, tạo sinh kế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Mô hình này còn khuyến khích người dân bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương.

Tháng 3/2019, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định phê duyệt tiếp nhận Dự án “Di sản kết nối” (giai đoạn 1) do Hội đồng Anh tài trợ. Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam làm chủ dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản nhằm bảo tồn, quảng bá giá trị di sản cũng như tạo cơ hội phát triển kinh tế tại làng Mơ Hra; nâng cao năng lực tạo điều kiện phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương để quảng bá, phát triển du lịch.

Đến thời điểm này, dự án đã sưu tầm được hơn 60 hiện vật về đời sống âm nhạc và vật dụng sinh hoạt của đồng bào Ba Na, trưng bày tại Bảo tàng cộng đồng (nhà rông làng Mơ Hra); giúp giới trẻ nhận thức được giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên và biến nó thành sinh kế, góp phần vào sự phát triển của đời sống cộng đồng Ba Na.

Tin cùng chuyên mục
Giữ nghề đan lát truyền thống của đồng bào Tày ở Ba Chẽ

Giữ nghề đan lát truyền thống của đồng bào Tày ở Ba Chẽ

Từ bao đời nay, việc đan lát từ cây tre, cây cọ tạo ra những vật dụng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, lao động hằng ngày đã trở thành nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh). Những chiếc quạt cọ, nón mê, đôi lồng... được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của bà con người Tày nơi đây.