Vừa đến làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là dọc hai bên đường phên bánh phơi trải dài tít tắp. Trước sân, nhà nào cũng tranh thủ phơi bánh lúc trời nắng tạo thành một màu trắng nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác.
Ở đây, bất kể người già, trẻ con, thanh niên trai tráng đều tham gia, mỗi người một công đoạn, thuần thục, lành nghề. Ông Huỳnh Văn Chót, Giám đốc HTX bánh tráng Mỹ Lồng cho biết: Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng có trên 100 năm, trước đây sản xuất nhỏ lẻ phục vụ các hộ gia đình trong những ngày Tết. Từ khi được công nhận làng nghề truyền thống, Hợp tác xã bánh tráng Mỹ Lồng càng được quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ (máy cắt bánh, cối xay bột).
Hiện, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng gần 200 lò tráng bánh hoạt động (bằng máy và thủ công), tập trung nhiều ở 2 ấp Chợ và Nghĩa Huấn. Thời gian qua, HTX cũng nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách và người tiêu dùng cho ra đời nhiều mẫu mã, chủng loại bánh như bánh tráng nem, bánh tráng ngọt, bánh tráng nướng, bánh tráng ớt, bánh tráng béo, bánh tráng mặn… để khách thuận tiện lựa chọn, mua về làm quà biếu tặng người thân, bạn bè khi có dịp đến làng bánh tráng Mỹ Lồng.
“Bánh tráng làng nghề được đóng bao bì cẩn thận nên bảo quản tốt, đáp ứng được quá trình vận chuyển với thời gian dài. Chính vì thế mà nhiều bạn hàng đến đặt mua bánh tráng của làng nghề để tiêu thụ, cung ứng các thị trường tại TP. Cần Thơ, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, xa hơn là TP. Hồ Chí Minh... mà không sợ hư hao”, ông Chót cho biết.
Nghề làm bánh tráng có thể sản xuất quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là thời điểm gần tết. Đi một vòng ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, chúng tôi bắt gặp nhiều gia đình đang hối hả, tất bật làm tráng bánh tết. Chị Huỳnh Kim Nhã ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh có trên 20 năm làm nghề bánh tráng cho biết: Muốn có chiếc bánh tráng Mỹ Lồng thật ngon thì khâu chọn và pha bột rất quan trọng và thứ bột đó mới thật sự là bí quyết làm nên tên tuổi bánh tráng Mỹ Lồng. Gạo được chọn phải là gạo thơm vừa, không được quá khô. Các nguyên liệu khác như đường, muối, mè cũng được cân định lượng cho đúng, nhưng với người thợ lành nghề, chỉ cần đong bằng mắt, bằng tay là không sai li nào, nhưng bí quyết chính có lẽ là nước cốt dừa béo ngậy của xứ sở Bến Tre.
“Đặc biệt, gia đình tôi vẫn giữ được cách làm thủ công, tỉ mỉ, nên đã giữ được hương vị truyền thống trọn vẹn. Qua bao thế hệ, gia đình tôi luôn gắn bó với nghề này. Làm bánh không chỉ có thêm thu nhập mà còn là một thú vui nên gia đình tôi quyết tâm giữ gìn nghề”, chị Nhã chia sẻ.
Tuy trên gương mặt của những người thợ còn vết thâm quầng quanh mắt vì nhiều đêm thức khuya dậy sớm, nhưng những tiếng nói cười rộn ràng đã giúp họ quên đi mệt mỏi. Bên lò bánh còn đang nghi ngút khói, chị Nguyễn Thu Cẩm ở ấp Chợ (xã Mỹ Thạnh) chia sẻ. “Mỗi năm vào dịp Tết là các lò hoạt động không ngơi tay, các lò tăng công suất lên gấp 3 - 5 lần mới đủ bánh bán. Công việc làm bánh giáp Tết hơi mệt vất vả nhưng ai cũng vui vì cho thu nhập cũng khá”.
Bánh tráng có một vị trí khá quan trọng trong ẩm thực “cuốn” của người Nam bộ. Nổi bật với món bánh tráng cuốn cá lóc nướng, cuốn thịt luộc, cuốn nem hay được dùng để cuốn chả giò ăn với rau thơm, cải xà lách chấm nước mắm chua cay hay nước xí muội; hoặc dùng bánh tráng để xúc hến xào ăn với cơm nóng thì ngon vô cùng...
Hiện nay, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng đã được nhiều du khách biết đến, các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh và ngoài tỉnh, trong chương trình tour du lịch Bến Tre cũng đưa du khách đến tham quan trải nghiệm nhằm giới thiệu những nét độc đáo của làng nghề.