Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Làng nghề hối hả vào vụ Tết

PV - 18:42, 09/01/2018

Năm nay, thời tiết không thuận lợi, giá nguyên liệu tăng cao nên người sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy những ngày này, các làng nghề ở Phú Yên đang tập trung nhân lực, vật lực làm ra sản phẩm phục vụ nhu cầu người dân đón Xuân. Dạo một vòng quanh các làng nghề, chúng tôi nhận thấy một không khí làm việc hết sức khẩn trương.

Tranh thủ những lúc trời hanh nắng, người dân làng nghề bánh tráng Đông Bình mang bánh ra phơi. Tranh thủ những lúc trời hanh nắng, người dân làng nghề bánh tráng Đông Bình mang bánh ra phơi.

 

Làng Đông Bình, xã Hòa An, huyện Phú Hòa từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh tráng. Cũng như mọi năm, từ đầu tháng 11 âm lịch, các hộ tráng bánh ở làng nghề bánh tráng Đông Bình bắt đầu vào vụ bánh Tết. Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết nhưng không khí làm việc ở làng nghề rất khẩn trương. Có mặt tại làng nghề bánh tráng Đông Bình từ sáng sớm, chúng tôi ghé vào cơ sở sản xuất bánh tráng của ông Hai Nghiễm đã thấy hàng chục vỉ bánh ra lò.

Ông Hai Nghiễm chia sẻ: Trời không nắng, có gió lớn nên việc phơi bánh gặp khó khăn, vừa mất nhiều thời gian mà sản lượng lại thấp. Nếu như có nắng thì mỗi mẻ bánh sau khi tráng chỉ cần đem phơi tầm 30 phút là khô. Còn giờ, bánh sau khi tráng chúng tôi phải cho “sương” qua lửa để bánh có độ kết dính sơ rồi mới mang ra phơi gió, khi thấy bánh khô gần bóc khỏi vỉ thì thu vào sấy lửa lần nữa mới thu hoạch được; để có một mẻ bánh hoàn chỉnh mất khoảng 4 tiếng đồng hồ. Chính vì thời gian phơi sấy bánh kéo dài nên sản lượng bánh làm ra giảm. Thông thường nếu thời tiết thuận lợi thì vào thời điểm này, mỗi ngày gia đình tôi tráng được 100kg gạo, nhưng nay mỗi ngày chỉ tráng được tầm 50kg mà thời gian làm việc lại kéo dài đến hơn 9 giờ đêm.

Ngoài những khó khăn về thời tiết, hiện giá các loại nguyên liệu làm bánh tráng như gạo, than, trấu... đều tăng, nhưng bù lại giá bán và sức mua đều tăng khá mạnh. Theo ông Phạm Thành Trắc, Chủ tịch Hiệp hội bánh tráng Đông Bình: “Hiện bánh tráng có giá từ 7.000-15.000 đồng/ràng (10 bánh) tùy vào bánh mỏng dày, so với những tháng trước, giá bánh đã tăng khoảng 40%. Ngoài ra, hằng ngày bánh làm ra đến đâu thương lái đến mua trả tiền liền nên hầu như không có hàng tồn dư, nhiều khả năng đến Tết giá bánh sẽ tăng hơn nữa”.

Tại làng sản xuất chổi Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, do đã tích trữ hàng từ mấy tháng trước nên các hộ làm nghề ở đây vẫn rất thong thả làm hàng. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Tấn Lực ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng cho biết: Trong năm, có 2 thời điểm tiêu thụ chổi mạnh nhất là mùa Tết và mùa khai giảng, lượng hàng tiêu thụ chiếm hơn nửa của cả năm. Vì vậy, các hộ làm chổi ở làng nghề chuẩn bị cho mùa Tết từ rất sớm. Năm nay, ngay khi vừa hết tháng Giêng, cơ sở tôi bắt đầu hoạt động trở lại. Bình quân, 10 công nhân ở cơ sở mỗi ngày làm được 500 cây chổi. Nhờ vậy hiện cơ sở đã có vài chục ngàn chổi dự trữ sẵn. Từ giờ đến tết, tôi vẫn cho công nhân làm việc bình thường. Nếu cận Tết mà chổi hút hàng thì mới tăng ca.

Theo UBND xã Hòa Thắng, hiện làng nghề chổi Mỹ Thành có hơn 200 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương. Tết là vụ làm ăn lớn nhất trong năm của làng nghề nên bà con chuẩn bị rất sớm và chu đáo. Nhờ có kỹ thuật, lại xây dựng được thương hiệu nên sản phẩm chổi Mỹ Thành không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được ưa chuộng tại thị trường các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên.

Ngày Tết, trên các mâm cỗ của người dân miền Trung đều không thể thiếu vị mặn mòi của biển nên để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các làng nghề nước mắm truyền thống ở Phú Yên vào vụ sớm. Cùng với đó, hàng nghìn lít nước mắm các loại đã được tích trữ sẵn để giao cho khách hàng.

Với đặc thù của nghề muối mắm truyền thống, ngay sau vụ Tết năm trước, các nhà mắm ở Gành Đỏ (TX Sông Cầu), Mỹ Quang (huyện Tuy An), Long Thủy (TP. Tuy Hòa) đã bắt tay vào chuẩn bị cho vụ Tết năm sau. Đến giờ, hầu như các cơ sở đã hoàn tất khâu sản xuất, chỉ còn việc tiếp thị và tiêu thụ.

Ông Nguyễn Thành Đông, chủ cơ sở mắm truyền thống Bà Mười ở Gành Đỏ cho biết: Để có hàng phục vụ mùa Tết này, từ tháng 7 năm ngoái gia đình đã muối 60 phuy mắm với khoảng 12.000 lít. Năm nay, giá mắm không tăng với mức từ 15.000-100.000 đồng/lít. Đồng thời, cơ sở cũng đưa ra thị trường nhiều mặt hàng như mắm ăn trực tiếp, mắm nêm, mắm chế biến thực phẩm...

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu làm quà biếu dịp Tết, cơ sở còn đưa ra nhiều mẫu mã như thùng quà tặng 3 lít, 6 lít, 12 lít hay giỏ quà 1 lít, 2 lít... đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Cũng theo ông Đông, từ đầu tháng 11 Âm lịch đến nay, lượng hàng tiêu thụ tại cơ sở đã bắt đầu tăng mạnh, phần lớn là cung cấp cho người dân phục vụ chế biến thực phẩm, biếu tặng và cung cấp cho khách du lịch, khả năng đợt Tết này lượng hàng bán ra có thể tăng gấp 2, 3 lần so với ngày thường.

Có thể nói, cùng với không khí vui vẻ của ngày Xuân, những sản phẩm của làng nghề truyền thống với chất lượng và hương vị đặc trưng đã góp phần tăng thêm dư vị cho bữa ăn của mọi gia đình mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Đạt Thành Nhân

 

Tin cùng chuyên mục
Sinh lời an toàn, hiệu quả cùng trái phiếu BAC A BANK phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1

Sinh lời an toàn, hiệu quả cùng trái phiếu BAC A BANK phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1

Đón đầu cơ hội khởi sắc trên thị trường trái phiếu ngân hàng đầy tiềm năng, từ ngày 27/05/2024, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) chính thức chào bán 20 triệu trái phiếu phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1, với tổng giá trị chào bán 2.000 tỷ đồng.