Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Làng nuôi cá tầm trên đỉnh núi

TS. Đậu Thế Tụng - 05:55, 12/01/2025

Thôn Nậm An, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang nằm áp rừng nguyên sinh, ở độ cao gần 800m so với mặt biển. Nơi đây không chỉ có đặc sản Chè cổ thụ Shan tuyết mà còn có nghề nuôi cá tầm, một nghề mới, hiệu quả kinh tế cao.

Anh Triệu Chằn Loàng (người thứ 2 từ phải qua trái) và tác giả (người thứ nhất bên trái).
Anh Triệu Chằn Loàng (người thứ 2 từ phải qua trái) và tác giả (người thứ nhất bên trái)

Người đưa nghề nuôi cá tầm về thôn Nậm An đầu tiên là anh Triệu Chằn Loàng, là đảng viên người dân tộc Dao. Anh Loàng kể: Năm 2010, khi đó tôi đang làm Bí thư Chi bộ, kiêm Phó Trưởng thôn Nậm An, được xã quan tâm cho đi học tập mô hình làm kinh tế giỏi của một số địa phương. Trong số các mô hình làm kinh tế đó tôi thích và ấn tượng nhất là mô hình nuôi cá tầm ở Sa Pa. Tôi nghĩ, quê hương mình có lợi thế có thể nuôi cá tầm là sử dụng nguồn nước đầu nguồn sạch, dồi dào, nhiệt độ tự nhiên mùa Đông lạnh nhất cũng chỉ từ 80C, mùa Hè nóng nhất cũng chỉ 250C, tại sao không làm?

Nhưng muốn làm phải có tiền. Nghĩ vậy, anh Loàng đã làm đủ các nghề: xây dựng, mua máy ủi san lấp mặt đường… để có tiền. Đến đầu năm 2021 (tức hơn 10 năm sau) khi đã góp được số tiền khoảng 5 tỷ đồng, vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng nữa, anh bắt tay vào mua đất, xây bể, làm hệ thống dẫn nước, tạo ô xi… nuôi cá tầm. Đồng thời tiến hành thành lập Hợp tác xã cá tầm Mận An.

Trong quá trình xây dựng Hợp tác xã cá tầm Mận An đến nay, anh Loàng chia sẻ, cũng gặp không ít thất bại. Lúc đầu anh mua trứng cá về ấp (1 bát trứng có giá 100 triệu đồng), ấp xong cá chết hết, không rõ vì sao. Rút kinh nghiệm anh mua cá giống mới nở, loại như hạt gạo. Cứ 2 vạn con là 20 triệu đồng.

Mô hình chăn nuôi cá Tầm của gia đình anh Triệu Chằn Loàng.
Mô hình nuôi cá tầm của gia đình anh Triệu Chằn Loàng

Khó khăn vẫn chưa hết, năm 2023, núi sạt lở làm 5.000 con cá (loại 1 kg/con) tràn từ 2 bể ra ngoài, chết sạch, thiệt hại cả tỷ đồng. Anh Loàng nói, có làm thì có thất bại, có thất bại thì mới có thành công thôi, nó như bài học kinh nghiệm cho mình, phải gắng lên thôi, không còn cách nào khác.

Đến nay, Hợp tác xã cá tầm Mận An hiện có 1.200m2 bể nuôi (12 bể). Bể bé 10-20m2 để nuôi cá giống; bể vừa 100m2 để nuôi cá thịt. Độ sâu trung bình mỗi bể là 1,2m2. Mỗi năm thu hoạch được 20 - 25 tấn cá thịt, với giá bán ra thị trường từ 200.000 đồng/kg, doanh thu 4 tỷ đồng/năm, trừ chi phí khoảng 2 tỷ đồng, lãi khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Anh Loàng cho biết, cá tầm càng to thì có giá càng cao. Để cá tầm đẻ trứng phải có tuổi đời ngoài 20 năm mới sinh sản được. Ngoài công sức của gia đình, Hợp tác xã cá tầm Mận An cũng đã tạo được công ăn việc làm cho 3 nhân công (2 nhân công chính và 1 nhân công phụ). Nhân công chính được trả lương 12 triệu đồng/tháng; Nhân công phụ được trả 6 triệu đồng/tháng.

Đàn cá tầm phát triển tốt.
Đàn cá tầm phát triển tốt

Khi đã làm chủ được kỹ thuật nuôi cá và có thu nhập ổn định, vợ chồng anh Loàng đã tích lũy xây được ngôi nhà sàn bằng bê tông kiên cố trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Không chỉ vậy, anh còn hướng dẫn kỹ thuật cho 38/40 hộ gia đình, thôn Nậm An xây bể, nuôi cá tầm. Giờ đây, thôn Nậm An trở thành thôn nuôi cá tầm. Năm 2024 dự kiến cả thôn xuất bán ra thị trường 150 tấn cá cho các thương lái ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.

Hướng nuôi cá tầm phát triển kinh tế đã rộng mở, tiềm năng du lịch của thôn Nậm An cũng rất lớn với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thôn có đặc sản chè cổ thụ Shan tuyết, ruộng bậc thang uốn lượn… tuy nhiên, điều anh Loàng trăn trở chính là đường vào thôn Nậm An nhiều dốc cao, đèo sâu mà đường lại nhỏ nên đi rất nguy hiểm. Vậy nên du lịch chưa phát triển.

“Nếu được Nhà nước quan tâm đầu tư đường lớn hơn, cũng như đầu tư trạm thu phát sóng điện thoại thì chắc chắn thôn Nậm An của đồng bào dân tộc Dao chúng tôi sẽ trở thành một điểm đến lý tưởng, Hà Giang có thêm một địa chỉ du lịch thu hút du khách”, anh Loàng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẳng định quyết tâm triển khai thành công Dự án khai thác muối mỏ kali tại Lào

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẳng định quyết tâm triển khai thành công Dự án khai thác muối mỏ kali tại Lào

Ngày 09/01/2025, tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào đã diễn ra Hội nghị Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Lào. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Sonexay Siphandone đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào 2025 được tổ chức với chủ đề: “Thúc đẩy phát triển bền vững và thịnh vượng”.