Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Lào Cai: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi để thực hiện mục tiêu kép

Trọng Bảo - 17:16, 09/08/2021

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới hầu hết các lĩnh vực kinh tế như, kinh doanh dịch vụ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông lâm nghiệp… Để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi cũng như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thời gian qua, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tập trung thực hiện có hiệu quả Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất…

Với khoản vay ưu đãi 28 tỷ đồng giúp Nhà máy chế biến rau quả xuất nhập khẩu Mường Khương ổn định sản xuất trong những ngày đầu đi vào hoạt động.
Với khoản vay ưu đãi 28 tỷ đồng giúp Nhà máy chế biến rau quả xuất nhập khẩu Mường Khương ổn định sản xuất trong những ngày đầu đi vào hoạt động.

Doanh nghiệp thuận lợi khi tiếp cận vốn ưu đãi

Nhà máy chế biến rau quả xuất nhập khẩu Mường Khương khánh thành, và đi vào hoạt động chỉ ít ngày trước khi đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại nên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, rất may mắn khi nhà máy tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai - Chi nhánh số 2. 

Bà Mai Thị Trâm Anh, Giám đốc Nhà máy cho biết: Nhà máy đi vào hoạt động từ ngày 15/3/2021, thì đến cuối tháng 4, dịch bệnh bùng phát trở lại. Rất nhiều đơn hàng đã ký đòi hỏi doanh nghiệp phải hoàn thành đúng tiến độ. Dịch bệnh bùng phát kéo theo nhiều hệ lụy như, việc sản xuất phải bảo đảm giãn cách, việc thu mua nguyên liệu cũng gặp những khó khăn nhất định; đặc biệt là nguồn vốn phục vụ sản xuất cũng gặp khó khăn.

“Rất may là chúng tôi được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai - Chi nhánh số 2 tạo điều kiện cho vay 28 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi; trong đó, 10 tỷ vốn vay lưu động và 18 tỷ vốn vay xây dựng cơ bản. Có thể nói đây là nguồn lực quan trọng để nhà máy tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất trong những ngày đầu đi vào hoạt động”, bà Trâm Anh cho biết.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh, là một trong những khách hàng truyền thống của Ngân hàng BIDV Lào Cai từ nhiều năm nay. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lượng người đến khám chữa bệnh tại bệnh viện sụt giảm đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của đơn vị. 

Ông Ngô Mạnh Thắng, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Nếu như năm 2019, trung bình mỗi ngày có 220 lượt người đến khám chữa bệnh, thì đến năm 2020 còn số này giảm xuống còn 120 lượt/ngày. Trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ còn 110 lượt mỗi ngày. 

Theo ông Thắng, để duy trì hoạt động và đáp ứng vốn lưu động, đơn vị đã được Ngân hàng BIDV tạo điều kiện cho vay gần 100 tỷ đồng từ gói tín dụng ưu đãi ngắn hạn và dài hạn để khôi phục hoạt động. 

“Đối với các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện dân lập như chúng tôi, nếu lượng bệnh nhân đến khám bị sụt giảm, thì ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của đơn vị. Bởi vì chúng tôi vẫn phải duy trì các khoa phòng, đội ngũ y, bác sỹ vẫn phải bảo đảm  lương cũng như các chế độ chúng tôi vẫn phải chi trả… Chính vì vậy, nguồn vốn vay ưu đãi là cứu cánh đối với chúng tôi trong tình hình dịch bệnh như hiện nay”, ông Thắng khẳng định.

Việc được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất cũng như việc làm cho công nhân
Việc được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất cũng như việc làm cho công nhân

Ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp, người dân

Ông Trương Thanh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết: Căn cứ vào điều kiện cụ thể và chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng quyết liệt đẩy mạnh triển khai tới các chi nhánh ngân hàng huyện, thành phố, thị xã... cơ cấu lại thời hạn nợ đối với những khoản vay của doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đủ điều kiện theo Thông tư 01/TT-NHNN năm 2020, thì được điều chỉnh thời hạn nợ hoặc miễn giảm lãi, phí… Cùng với đó sẽ nghiên cứu, đề xuất cho vay mới đối với các dự án, phương án khả thi, với lãi suất phù hợp mà thông thường sẽ thấp hơn trước khi có dịch.

“Chúng tôi chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay; đặc biệt, trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh này,  thì càng cần phải hỗ trợ tối đa cho khách hàng. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, các ngân hàng đã giải ngân cho vay gần 24 nghìn tỷ đồng; về cơ bản các doanh nghiệp đã thực hiện tốt các cam kết vay vốn…”, ông Trương Thanh Xuân thông tin.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên DTTS ở Lai Châu

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên DTTS ở Lai Châu

Thời gian qua, với nỗ lực của bản thân và được hỗ trợ về nguồn vốn chính sách, nhiều thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xây dựng được những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tạo sự lan lỏa tinh thần khởi nghiệp tuổi trẻ. Qua đó, góp phần cải thiện thu nhập tiến tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.