Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Lào Cai: Tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh

Trọng Bảo-CĐ - 16:37, 10/11/2021

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội của cả nước. Các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng không nằm ngoài những tác động này, nhiều HTX đã phải dừng hoạt động.

Dù vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên các sản phẩm của HTX cộng đồng Dao đỏ vẫn rất khó khăn tìm đầu ra
Dù vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên các sản phẩm của HTX cộng đồng Dao đỏ vẫn rất khó khăn tìm đầu ra

Nhiều ảnh hưởng từ đại dịch 

HTX Cộng đồng Dao đỏ, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa (Lao Cai) chuyên sản xuất và kinh doanh một số loại dược liệu, chiết xuất tinh dầu, thuốc tắm Dao đỏ truyền thống. Khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát, du khách đến với Sa Pa đông, nên việc kinh doanh của HTX rất thuận lợi. Khi dịch bùng phát, lượng khách gần như không có, nên các sản phẩm, dịch vụ của HTX cũng giảm sâu về sản lượng tiêu thụ.

“Chúng tôi giảm đến 80% doanh thu. Riêng mảng kinh doanh tắm lá thuốc, trước đây là thế mạnh, thì nay phải dừng hẳn. Bên cạnh đó, do dịch bệnh, nên việc lưu thông hàng hóa cũng hạn chế, khiến cho việc gửi sản phẩm của HTX đi các tỉnh cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh, chủ yếu để bán tại các cửa hàng, điểm bán, giới thiệu sản phẩm truyền thống… nhưng lượng tiêu thụ vẫn rất khiêm tốn”, chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc HTX cho biết.

Tỉnh Lào Cai hiện có 431 HTX, trong đó 310 HTX đang hoạt động, 121 HTX ngừng hoạt động chờ giải thể. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, có 225 HTX, chiếm 52,2%. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, từ tháng 4/2021 đến nay, dịch bệnh bùng phát trở lại, khiến phần lớn đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, giá các mặt hàng nông sản đều giảm mạnh, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

 Các HTX thuộc lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng không khá hơn, khi các đơn vị phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, kết quả kinh doanh của các HTX cũng giảm…

Chuỗi các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm giúp cho các HTX có thêm một kênh mới để tìm kiếm đầu ra trong bối cảnh dịch bệnh
Chuỗi các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm giúp cho các HTX có thêm một kênh mới để tìm kiếm đầu ra trong bối cảnh dịch bệnh

Cần thích nghi, xây dựng phương án phục hồi

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, dịch bệnh khiến các sản phẩm của HTX rất khó tiêu thụ, đặc biệt là đối với nông sản. Sản phẩm hư hỏng nhiều, nên các HTX phải tạm ngưng hoạt động, vùng nguyên liệu cũng vì thế bị giảm diện tích hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.

Ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX Lào Cai thông tin thêm, thời gian gần đây, lĩnh vực chăn nuôi, chi phí tăng hơn 26%, trong khi doanh thu từ thịt lợn, thịt gà xuống rất thấp do cung lớn hơn cầu, làm ảnh hưởng đến sản xuất (giá thịt lợn hơi giảm 35% so với cùng kỳ năm 2020, hiện tại nhiều hộ chăn nuôi đang phải bù lỗ)… Không ít đơn vị khó khăn trong việc trả lãi ngân hàng và rơi vào tình trạng nợ xấu. Tình hình sản xuất đình trệ cũng khiến nhiều HTX phải giảm bớt lao động, các đơn vị thuộc lĩnh vực xây dựng, vận tải đã cho lao động nghỉ việc hơn 1 năm nay, chỉ duy trì sản xuất ở mức 20% kế hoạch hoặc ngừng hoạt động.

“Do điều kiện của các HTX, cụ thể là vốn, cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý còn yếu, tính liên kết, hợp tác trong các HTX chưa cao, nên khi dịch bệnh bùng phát, các HTX chịu nhiều thiệt hại. Sự tác động tiêu cực của dịch bệnh là thách thức chung, đòi hỏi các thành phần kinh tế phải thích nghi, xây dựng phương án phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Hùng nhấn mạnh.

Hiện nay, một số HTX đã nhanh chóng chuyển hướng sang kinh doanh trực tuyến, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tiếp cận thêm các thị trường tiêu thụ mới. Trong tháng 9, Liên minh HTX tỉnh Lào Cai đã khai trương chuỗi cửa hàng bán, trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các HTX, với mong muốn xây dựng điểm bán hàng uy tín, giới thiệu nhiều sản phẩm để người tiêu dùng biết đến. Cũng với đó, tăng cường khảo sát, nắm tình hình hoạt động và những khó khăn, vướng mắc của các HTX trên địa bàn tỉnh để có phương án hỗ trợ, tư vấn và cung ứng dịch vụ theo nhu cầu của các HTX.

Ngày 3/11/2021 vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 382/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX. Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Hết năm 2021 phấn đấu 70 - 80% các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh. Cơ bản đưa các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động…

Tin cùng chuyên mục
Việc làm và "lỗ hổng" về an toàn lao động đối với đồng bào DTTS !?

Việc làm và "lỗ hổng" về an toàn lao động đối với đồng bào DTTS !?

Hiện lao động người DTTS có xu hướng dịch chuyển đến các vùng trọng điểm kinh tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất và các làng nghề ven đô thị lớn để làm việc. Tuy nhiên, việc làm của lao động (LĐ) người DTTS vẫn chủ yếu là công việc giản đơn; phần lớn LĐ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Vì vậy, rủi ro luôn thường trực đối với LĐ người DTTS.