Số ca nhiễm bệnh tăng mạnh, dù không phải bệnh nguy hiểm nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng đáng tiếc.
Chủ quan trước dịch bệnhGiữa tháng 5/2018, ông A Thành, dân tộc Mông ở thôn 7 (xã Ea Lê) thấy cháu nội của mình là A Minh sau mấy ngày vui chơi với một số bạn cùng trang lứa ở thôn về thì bị sưng tấy hai bên mang tai; sau đó cháu bị sốt và đau họng. A Minh liên tục kêu mệt mỏi và không muốn đi học, không vui chơi như thường ngày. Nghĩ cháu chỉ bị cảm cúm thông thường nên ông Thành không đưa đi trạm y tế mà tự mua thuốc giảm đau và thuốc cúm về cho cháu uống. Tuy nhiên, thấy bệnh không thuyên giảm, ông Thành mới đưa cháu đến cơ sở y tế, mới biết A Minh bị mắc bệnh quai bị. Các nhân viên y tế vừa chữa trị vừa tích cực tuyên truyền ông Thành mới hiểu thêm về bệnh của cháu mình.
Cũng tương tự con anh A Chung (dân tộc Mông ở thôn 2, xã Ea R’vê) 9 tuổi bỗng nhiên kêu đau họng và mệt mỏi trong người. Nhìn con thì thấy sưng hai bên mang tai. Nghĩ con viêm họng do thay đổi thời tiết nên anh Chung tự mua thuốc Tây cho con uống. Uống hết 2 ngày vẫn không bớt bệnh. 2 đứa hàng xóm nhà anh Chung thường xuyên sang chơi cũng có triệu trứng tương tự. Lúc này các phụ huynh mới đưa con mình đi khám thì phát hiện đã lây bệnh quai bị của nhau, các cháu phải tránh tiếp xúc và điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Anh Chung cho biết, nếu không đưa đi khám kịp thời có lẽ bệnh còn lan nhanh sang nhiều đứa trẻ khác nữa.
Một số người dân, hầu hết là người bà con DTTS ở xã Cư M’Lan cũng cho biết, do thường xuyên phải đi làm nương rẫy nên đến lúc con em bị bệnh nặng mới đưa đến cơ sở y tế. Chị Sùng Thị Dúa (dân tộc Nùng ở thôn Bình Lợi (xã Cư M’Lan) có 2 đứa con, đứa mắc thủy đậu, đứa mắc bệnh quai bị. Tuy nhiên, ban đầu chị chỉ nghĩ chúng bị dị ứng thức ăn, khi bệnh tiến triển nặng, người thân giục đưa con đi khám mới biết con mình mắc bệnh.
Cần cẩn trọng để tránh bệnh lây lanTheo thống kê của Trung tâm y tế huyện Ea Súp thì: Do đây là huyện biên giới, có nhiều thay đổi thất thường về thời tiết nên 2 căn bệnh dễ bùng phát, đó là bệnh thủy đậu và quai bị. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có gần 70 ca mắc quai bị và 89 ca mắc thủy đậu. Số ca nhiễm bệnh này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết, người dân vùng sâu, vùng xa còn chủ quan với bệnh, đồng thời, khi con em mắc bệnh vẫn để trẻ vô tư đi học, đi tham gia các hoạt động cộng đồng trên địa bàn nên dễ lây lan cho người khác.
Trong thời gian tới, nhân viên y tế sẽ thường xuyên đến các thôn buôn mở các chiến dịch truyền thông đến từng hộ gia đình một. Cùng với đó là giám sát chặt chẽ các ổ dịch để xử lý kịp thời, không cho bùng phát.
Đây là 2 căn bệnh không nguy hiểm nhưng phải điều trị kịp thời. Bệnh thủy đậu thường lây qua đường hô hấp, lây từ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết các mụn nước và vết lở trên da người bệnh. Lây gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo hoặc các vật dụng khác đã nhiễm dịch tiết từ các vết mụn. Bệnh nhân có thể truyền bệnhcho người khác trong 5 ngày trước và sau khi phát ban. Thời gian cách ly người bệnh từ 5 đến 7 ngày.
Tương tự, bệnh quai bị cũng vậy, được lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, tuyến nước bọt khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bệnh. Do sự lây lan dễ dàng và nhanh chóng nên quai bị có thể bùng phát thành những trận dịch lớn ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Chính vậy các thôn buôn ở Ea Súp cũng cần tích cực tiếp nhận các thông tin từ nhân viên y tế, tránh để xảy ra những biến chứng nguy hiểm cho con em mình chỉ vì tính chủ quan.
ĐÔNG HƯNG