Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Lây lan Covid-19 trong quá trình cách ly: Kẽ hở nhỏ - Nguy cơ lớn

PV - 09:33, 04/12/2020

Chỉ từ một lỗ hổng nhỏ trong khu cách ly đến nay dịch Covid-19 đã quay trở lại khiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn để ngăn chặn sự lây lan.

Lây lan Covid-19 trong quá trình cách ly: Kẽ hở nhỏ - Nguy cơ lớn

Sau gần 90 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, dịch Covid-19 đã quay trở lại. Điều đáng nói là ca bệnh xuất phát nguồn lây từ khu cách ly, là do việc cách ly không an toàn, sự thiếu ý thức của một vài cá nhân. Từ một lỗ hổng nhỏ, để giờ đây, lực lượng chức năng đang rốt ráo chạy đua từng phút, từng giờ, tập trung truy vết để ngăn chặn sự lây lan này trước khi Covid-19 có nguy cơ xâm nhập vào những điểm trọng yếu như bệnh viện, trường học.

Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, mỗi ngày Việt Nam đều ghi nhận số ca nhiễm mới từ những chuyến bay đưa người Việt trở về nước. Dịch bệnh Covid-19 luôn đe dọa nguy cơ lây lan đòi hỏi phải có những biện pháp phòng ngừa, nhất là những trường hợp nhập cảnh chính thức hay từ các phi đoàn bay. Khu cách ly của Vietnam Airlines tại quận Tân Bình, TPHCM đã được ngành y tế thẩm định và UBND TPHCM phê duyệt trở thành khu cách ly tập trung cho những chuyến bay thương mại, chuyến bay cứu trợ về. Sở Y tế cũng giao cho trung tâm y tế quận quản lý trên địa bàn.

Theo quy định trong khu này, tổ bay trong mỗi chuyến bay khác nhau đều được cách ly theo một khu vực riêng. Người được cách ly phải tuân thủ quy định cách ly và cũng phải ký bản cam kết thực hiện đúng các quy định này. Thế nhưng BN1342 đã tự ý di chuyển từ khu cách ly này qua khu vực khác, đến gặp BN1325 (chuyến bay từ Rumani) và đã bị lây nhiễm.

Hành vi vi phạm này không có ai kiểm tra, giám sát, nhắc nhở cho đến khi kết quả xét nghiệm của 8 tiếp viên ở từ Rumani trở về dương tính với SARS-CoV-2. Sau 4 ngày cách ly với 2 lần cho kết quả âm tính, BN1342 được cách ly tại nhà tiếp tục không tuân thủ quy định, để người thân vào ở cùng trong thời gian cách ly, ngoài ra còn đi nhiều nơi, mang nguồn lây ra cộng đồng cho giáo viên dạy tiếng Anh (BN1347) và là mối đe dọa với nhiều người khác. Thế nhưng, không có giám sát, theo dõi sức khỏe của người được cách ly tại nhà, quá trình quản lý lỏng lẻo này khiến cho dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng là hệ quả tất yếu.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật nhận định, sự việc này là một bài học lớn: "Qua việc này sẽ phải tăng cường hơn nữa việc giám sát và vai trò chủ động của các ban quản lý các khu cách ly, mà hiện nay tập trung chủ yếu ở khách sạn, tiếp tục việc giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế, để làm sao phát hiện sớm, hạn chế được nguy cơ lớn".

Theo chị Nguyễn Thị Bích Huyền, ngụ quận Bình Thạnh, người từng được cách ly vì tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19 hơn 3 tháng trước, hành vi thiếu ý thức trong quá trình cách ly đáng bị lên án và xử lý thích đáng. Chị Huyền cho biết, trong quyết định cách ly tại nhà của chính quyền địa phương yêu cầu buộc người cách ly phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch, phải ở nhà, không tiếp xúc với người khác trong thời hạn quy định. Cán bộ y tế luôn có trách nhiệm theo dõi sức khỏe, nhắc nhở người dân. Còn bản thân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định cách ly tại nhà.

"Yếu tố tự giác hay ý thức vì cộng đồng theo tôi đóng vai trò rất quan trọng trong mỗi chiến dịch chống dịch của chúng ta. Bây giờ những thông tin liên quan đến cách phòng bệnh rất rõ ràng, được phát đi hằng ngày cho nên không thể nói mình không thể biết được, chỉ có điều mình có tuân thủ hay không, ý thức của chúng ta tới đâu", chị Huyền chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, dịch bệnh Covid-19 luôn đe dọa nguy cơ lây lan, đặc biệt đối với các chuyến bay từ nước ngoài về và cả nguồn lây từ các đường biên giới trái phép. Vì vậy cần phải phòng ngừa quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là tại những nơi đông người, nơi dễ bị tổn thương như bệnh viện. Các bệnh viện phải có sự phòng ngừa riêng biệt, nhất là đối với các khoa có bệnh nhân nặng như Tim mạch, Thận…, đây cũng là bài học từ đợt dịch ở Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, Bộ Y tế cũng tăng cường sự khuyến cáo đến với người dân: “Luôn sẵn sàng, không chủ quan, đặc biệt là chúng ta có những sự kiện sắp tới, từ Noel, Tết Dương lịch, đến Tết Âm lịch và cả những sự kiện Chính trị của toàn Đảng ta. Chúng ta cần phải không chủ quan lơ là, hết sức phòng ngừa, áp dụng những biện pháp của Bộ Y tế, Sở Y tế khuyến cáo phòng ngừa, phải tuân thủ.

Liên quan các ca bệnh lây nhiễm ngoài cộng đồng, nhiều trường phải cho học sinh tạm nghỉ học để phòng dịch, các lực lượng chức năng ngày đêm truy vết, cách ly, phong tỏa cho thấy hệ quả của một kẽ hở tưởng như nhỏ nhặt. Tuy nhiên, may mắn là xác định được ca bệnh số 0 nên tình hình sẽ sớm được kiểm soát. Chính phủ, Bộ Y tế và TP.HCM đang nỗ lực để khống chế số ca mắc mới, không để dịch bùng phát. Vì vậy, người dân cần tuân thủ khuyến cáo 5K: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế" để giữ an toàn trước đại dịch Covid-19./. 

Tin cùng chuyên mục
Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Ghi nhận những nỗ lực của tuổi trẻ ngành điện trong thời gian qua, tại chương trình Tổng kết chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè gắn với lễ kỷ niệm 10 năm “Thanh niên tình nguyện” và kỷ niệm 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tỉnh đoàn Kon Tum đã khen thưởng 01 tập thể và 01 cá nhân thuộc Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum về thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024.