Nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con là một nghi lễ đặc biệt của người Chăm Islam, mỗi đứa trẻ sinh ra đều phải thực hiện nghi lễ này. Người Chăm Islam lấy tên của 25 vị thánh để đặt tên cho đứa trẻ và tên này sẽ theo đứa trẻ đến suốt đời, không được thay đổi, nếu có thay đổi phải sửa soạn lễ vật tương đương như lúc đặt tên ban đầu để đãi khách thì mới được đổi tên.
Vì người Chăm Islam tin rằng, sau khi tận thế đến ngày phán xét cuối cùng, họ sẽ được gọi dậy bằng tên thánh đó. Nếu tín đồ Hồi giáo mang một tên khác, họ sẽ vĩnh viễn không được thánh Ala gọi tới. Chính vì thế đây là một nghi lễ không thể thiếu đối với một đứa trẻ của đồng bào dân tộc Chăm Islam được sinh ra
Trước khi đặt tên cho con, người Chăm Islam luôn có sự lựa chọn tên, theo giới tính của trẻ, hoàn cảnh gia đình, cũng như dòng họ và ước vọng của cha mẹ. Bởi vì nghi lễ đặt tên cho một đứa trẻ vừa chào đời, không chỉ là một nghi thức đánh dấu bước chuyển tiếp của đứa trẻ đó, mà còn là sự gia nhập tôn giáo của một thành viên mới trong cộng đồng người Chăm Islam, với tên mới được đặt theo tiếng Arab và được xác nhận như một tín đồ Hồi giáo.
Thông thường khi đứa trẻ được sinh ra 7 ngày cho đến 40 ngày, gia đình người Chăm Islam sẽ làm Lễ cắt tóc và đặt tên cho con. Tùy vào hoàn cảnh gia đình mà nghi lễ này được tiến hành sớm hay muộn. Nhưng đứa trẻ thực hiện nghi lễ này tính từ khi sinh ra đến khi thực hiện nghi lễ thì không quá 3 tuổi.
Khi đứa trẻ được sinh ra, cha mẹ sẽ chọn ngày để tiến hành nghi Lễ cắt tóc và đặt tên cho con mình. Thời gian thường được diễn ra từ 9 giờ hoặc 13 giờ trưa tùy theo gia chủ lựa chọn. Gia chủ sẽ mời những vị Giáo cả (Hakim), chức sắc, chức việc trong làng và dòng họ, xóm làng đến tham dự và chứng kiến Lễ cắt tóc và đặt tên cho con của mình.
Trước khi tiến hành nghi Lễ cắt tóc và đặt tên cho con, gia chủ dọn dẹp và sửa soạn mọi thứ trong nhà. Đứa trẻ bên trong được thay quần áo mới và bà của đứa trẻ sẽ chuẩn bị khăn, dầu thơm và cây kéo để trên một chiếc mâm nhỏ để thực hiện nghi lễ.