Ảnh minh họa.Trong ngày ăn cốm mới, người dân trong làng cúng ở nhà mình trước, sau đó mới mang lễ vật đến cúng ở nhà rông. Lễ vật bắt buộc phải có con gà, rượu, cơm mới và cốm, nhà nào khá thì mổ heo. Ông chủ nhà khấn khứa xong, lấy móc (cốm) bỏ vào mâm, sau đó cả nhà cùng thụ lộc. Xong bữa cơm gia đình, sáng hôm sau, cả nhà sẽ ra nhà rông để dự hội của làng.
Trên nhà rông, già làng đánh một hồi trống pơnưng giục các gia đình mang rượu ra tập hợp tại nhà rông. Nhà nào cũng chọn ghè rượu ngon nhất, mang ra buộc ngay ngắn tại cột rượu của gia đình tại nhà rông. Già làng đánh hồi trống thứ 2, khách được mời lên nhà rông. Già cúng Giàng, cầu xin cho dân làng một năm mới bình an, khỏe mạnh, thóc lúa đầy chòi, nhiều gà, nhiều heo. Chủ và khách cùng vít cong cần rượu trong tiếng trống chiêng rộn ràng, qua nửa đêm đến gà gáy, tới khi cả chủ và khách đã ngà ngà say. Chuỗi ngày vui tưng bừng khắp làng trên, xóm dưới bắt đầu.
Sáng hôm sau, đoàn người gồm già làng dẫn đầu, theo sau là những thiếu nữ xinh đẹp cõng gùi đến từng nhà chúc mừng. Đoàn có đội cồng chiêng cùng đi, trẻ con nô nức theo sau. Đến mỗi nhà, gia chủ sẽ bỏ vào gùi của các cô gái những đồ ăn đã chuẩn bị trước, để góp cùng tổ chức ăn mừng chung tại nhà rông. Đến các nhà, mọi người mang rượu ra rót mời và vốc những nắm cốm bỏ vào miệng nhau trong tiếng reo hò của mọi người xung quanh. Cốm càng rơi vãi, tiếng reo hò càng lớn. Người Ba Na cho rằng, cốm vung vãi ra đầy nhà mới có lộc cho những vụ mùa sau.
Đi hết một vòng trong làng, đoàn người mang đồ ăn về tập trung tại nhà rông, làm cơm cúng Giàng. Sau đó mọi người cùng quây quần ngồi uống rượu, say sưa nói chuyện, hát hò thâu đêm đến sáng hôm sau thì kết thúc.
Lễ hội ăn cốm lúa mới thể hiện tính cố kết cộng đồng của người Ba Na. Lễ hội hiện vẫn được đồng bào Ba Na bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa cùa dân tộc mình.
Sông Lam