Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ hội của những người nông dân Bắc Hà: Làm gì để phát huy giá trị di sản (Bài 2)

Thuỳ Anh - Trọng Bảo - 16:51, 19/08/2022

Lễ hội đua ngựa truyền thống của Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã trở thành thương hiệu gắn liền với địa danh Cao nguyên trắng, được tổ chức thường niên vào tháng 6 hàng năm lồng ghép với các hoạt động văn hoá, du lịch của địa phương. Đặc biệt là từ khi lễ hội trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đang ngày càng thu hút du khách đến với Bắc Hà trong mùa lễ hội.

Thực hành nghi lễ cúng trước khi tổ chức giải đua ngựa theo hồ sơ di sản
Thực hành nghi lễ cúng trước khi tổ chức giải đua ngựa


Biến di sản thành tài sản

Lễ hội đua ngựa Bắc Hà đã tổ chức thành công nhiều mùa giải, thu hút các nài ngựa trên địa bàn và các huyện lân cận tham gia. Du khách đến với Bắc Hà vào mỗi dịp tháng 6 hàng năm, sẽ được hoà mình vào không gian, không khí lễ hội, tại các hoạt động như Festival cao nguyên trắng Bắc Hà, tuần du lịch Bắc Hà, Lễ hội mận tam hoa,… được thưởng thức nhiều đặc sản địa phương và cả 1 nền văn hoá mang đậm bản sắc vùng cao Tây Bắc vẫn đang được gìn giữ.

Ông Đinh Văn Đăng, Chủ tịch Huyện Bắc Hà chia sẻ: Tháng 6 là thời điểm mận tam hoa và nhiều sản vật đặc sản của Bắc Hà đến vụ thu hoạch. Dịp này, Lễ hội đua ngựa tổ chức sẽ tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với Bắc Hà; đây là dịp để quảng bá và xúc tiến nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của địa phương, giúp tăng doanh thu các dịch vụ du lịch. Hiện nay, số lượng nhà hàng, khách sạn trong 10 năm qua đã tăng gấp 4 lần; số lượng homestay trên địa bàn cũng tăng đáng kể, đặc biệt có một số homestay trên địa bàn đã đạt chuẩn Asean. 

"Riêng trong 2 ngày lễ hội đua ngựa năm 2022, huyện Bắc Hà lần đầu tiên đón hơn 2 vạn lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng”, Chủ tịch Đăng cho hay.

Những nữ “kỵ sĩ” chạy vòng mở màn Giải đua ngựa Bắc Hà năm 2022
Những nữ “kỵ sĩ” chạy vòng mở màn Giải đua ngựa Bắc Hà năm 2022

Đua ngựa Bắc Hà đến nay đã dần khẳng định thương hiệu trong lòng du khách. Một số “kỵ sĩ” tận dụng lợi thế nghề chơi ngựa đua, để tham gia các giải được tổ chức ở các địa bàn khác; đặc biệt là ở một số khu du lịch, phục vụ thị hiếu của du khách, tạo thêm thu nhập cho gia đình.

Anh Vàng Văn Giang, người Tày, thôn Na Hối Tày, xã Na Hối là một trong hàng chục “kỵ sĩ” của huyện Bắc Hà tham gia Lễ hội đua ngựa thường niên tại huyện. Anh Giang cho biết, anh vừa ký hợp đồng với Công ty TNHH dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa về việc tham gia giải Vó ngựa trên mây tổ chức ở Sa Pa.

Anh Giang chia sẻ: “Từ đầu năm nay, ngoài lễ hội ở huyện, tôi được Công ty Cáp treo Fansipan thuê 2 lần, mỗi lần khoảng 1 tháng, để đua phục vụ khách du lịch ở Sa Pa. Có nhiều nài ngựa ở Bắc Hà cũng cùng tôi tham gia chương trình Vó ngựa trên mây và các giải đua ngựa ở một số địa phương khác. Từ những chương trình này, tôi cũng có thêm một nguồn thu nhập, đủ để chi phí cho gia đình trong những ngày nông nhàn”.

Khó khăn trong công tác bảo tồn di sản 

Cuộc sống hiện đại, các con đường giao thông liên thôn, bản được bê tông hoá, nối dài tới từng hộ dân. Các phương tiện hiện đại cũng thay dần sức kéo của ngựa, cho nên sự có mặt của những chú ngựa trong mỗi gia đình cũng ít dần đi.

Ông Chảo Văn Dèn, người Nùng ở thôn Na Quang 1, thị trấn Bắc Hà cho biết, hơn 40 năm qua, mỗi năm nhà ông nuôi từ 2-5 con ngựa. Chỉ khoảng 20 năm về trước, không có đường tốt thế này đâu, nhà nào cũng phải có ít nhất 1 con ngựa, cứ ra đường là lên ngựa. Ngựa vừa dùng làm sức kéo, vừa dùng phân để bón cây, ngày nay thì có máy móc và xe thay thế gần hết cả, giờ xe máy còn có thể lên tận nương rẫy. Một phần do tuổi cao, không còn sức để thuần dưỡng ngựa đua nữa, con cái ông cũng công tác cơ quan, không có người chăm ngựa, nên tết năm 2021, nhà ông đã bán nốt con ngựa cuối cùng.

Theo thống kê của phòng nông nghiệp huyện Bắc Hà, tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn huyện chủ yếu là ngựa cái, ngựa đua (ngựa đực) chỉ còn khoảng 180 con, trong đó ngựa có thể đua biến động từ 40-60 con, nằm rải rác ở nhiều thôn, là ngựa của dân nên việc quy hoạch vùng và quản lý không đơn giản. Bởi các hộ hôm nay thích thì nuôi, nhưng mai được giá thì lại bán. 

Những năm gần đây, nhiều gia đình đã chuyển sang nuôi ngựa cái sinh sản, ngựa thịt bán cho các nhà hàng miền xuôi làm đặc sản thắng cố, rồi có gia đình chuyển sang mô hình nuôi ngựa bạch để nấu cao. Việc thuần dưỡng ngựa đua không còn được chú trọng.

Những chú ngựa trên đường đua trong giải Vó ngựa trên mây tổ chức tại nhà ga cáp treo Fansipan Sa Pa (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai)
Những chú ngựa trên đường đua trong giải Vó ngựa trên mây tổ chức tại nhà ga cáp treo Fansipan Sa Pa (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai)

Theo anh Vàng Văn Huỳnh, nhà vô địch nhiều năm liền trong các giải đua ngựa Bắc Hà, thì nghề chơi ngựa đua cũng cần nhiều công phu, cho nên gia đình anh cũng chuyển dần sang nuôi ngựa sinh sản và ngựa thịt. Anh Huỳnh chia sẻ: “Ngựa đua cần nhiều không gian sống hơn, nhất là cho việc luyện tập và thuần hoá; cần nhiều thời gian để chăm sóc hơn, ngựa phải từ 5-6 tuổi mới có thể đua được. Chi phí cho một con ngựa đua mỗi năm cũng cần đến hơn 30 triệu, mà hiệu quả kinh tế từ loại ngựa này không cao, nên hiện gia đình tôi chỉ nuôi 1 con ngựa đực để đua và cho phối giống”.

Anh Vàng Văn Giang, xã Na Hối kể,  gia đình anh có 4 con ngựa, trong đó có 1 con ngựa bạch lấy cao và 2 con ngựa cái để sinh sản. Còn con ngựa đua đã đi cùng anh 10 năm nay, hằng ngày anh dùng nó để kéo xe chở gia súc thuê cho bà con và lấy giống. "Hiện anh em chơi ngựa đua thì chỉ có khoảng 3 hộ dùng ngựa đực vào việc này. Còn ngựa thịt thì chỉ cần chăm sóc tốt, đến khi nó 1 tuổi là có thể xuất chuồng được, cho hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Những chú ngựa đua ít dần, khiến cho việc bảo tồn di sản gặp không ít khó khăn, ngành văn hoá tỉnh Lào Cai cũng bắt đầu vào cuộc, cùng huyện Bắc Hà tìm giải pháp duy trì lễ hội và bảo tồn di sản mới được công nhận này.

Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Di sản Văn hoá, Sở văn hoá và Thể thao tỉnh Lào Cai thông tin: “Sở đã đề nghị huyện Bắc Hà cần chú trọng giữ gìn nguồn gen của giống ngựa đua này, cần có những giải pháp để khuyến khích, hỗ trợ bà con Nhân dân, xây dựng mô hình nuôi ngựa đua, phát triển đàn ngựa của địa phương, tập trung vào bảo tồn di sản”.

Lễ hội đua ngựa Bắc Hà 2022
Lễ hội đua ngựa Bắc Hà 2022

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo huyện Bắc Hà cho biết, địa phương cũng đang từng bước lên kế hoạch chi tiết để bảo toàn nguồn gen giống ngựa địa phương; đồng thời sẽ có các cơ chế hợp lý cho những hộ thuần dưỡng ngựa đua.

Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Bắc Hà nhấn mạnh: Huyện Bắc Hà đã tuyên truyền đến bà con những ưu điểm của giống ngựa địa phương; Qua đó, khuyến khích bà con để phát triển đàn ngựa địa phương, bằng cách chỉ phối giống ngựa bản địa, không thể cho lai với ngựa ở các vùng khác. Huyện Bắc Hà còn nghèo nên giải pháp để khoanh vùng và nuôi ngựa đua độc quyền chưa thể thực hiện triệt để. 

"Ngành Văn hoá huyện đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu cho chính quyền các cấp để có những chính sách thiết thực hơn, hỗ trợ bà con trong việc giữ gìn và phát triển đàn ngựa thuần chủng của địa phương. Trong đó, hỗ trợ thêm cho những hộ huấn luyện thuần dưỡng ngựa đua, tập trung bảo tồn di sản”, ông Bùi Văn Vinh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Những người trẻ giữ gìn văn hóa dân tộc theo cách của mình

Những người trẻ giữ gìn văn hóa dân tộc theo cách của mình

Dù mới ở tuổi đôi mươi, nhưng những người trẻ này đã có tình yêu đặc biệt với văn hóa dân tộc mình. Họ tận dụng mạng xã hội để quảng bá văn hóa dân tộc, giữ gìn nét đẹp của dân tộc và từ đó giúp nhiều người khác hiểu và trân quý văn hóa của đồng bào DTTS trong “vườn hoa 54 dân tộc anh em”.