Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ hội đón tiếng sấm của dân tộc Ơ Đu

Nguyệt Anh (T/h) - 19:37, 30/07/2021

Các dân tộc ở Việt Nam chủ yếu là cư dân nông nghiệp, trong quá trình mưu sinh đã hình thành nhiều lễ hội dân gian liên quan đến nông nghiệp như lễ hội cầu mưa, lễ cúng thổ địa, lễ cúng cơm mới, lễ cầu nước, tục cầu máng nước, cầu thần nước, cầu thần đập nước… Dưới đây là Lễ hội đón tiếng sấm của đồng bào Ơ Đu ở huyện Tương Dương (Nghệ An) được tái hiện tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam..

Đồng bào Ơ Đu sắp xếp lễ vật để chuẩn bị cho nghi thức cúng
Đồng bào Ơ Đu sắp xếp lễ vật để chuẩn bị cho nghi thức cúng

Theo tiếng Ơ Đu, Lễ đón tiếng sấm có nghĩa là “Chăm phtrong” gắn với tục thờ thần sấm. Người Ở Đu quan niệm, sấm như là một vị thần tối cao, biểu tượng cho sự linh thiêng. Vì vậy hàng năm, khi xuất hiện tiếng sấm đầu tiên thì đồng bào Ơ Đu lại tổ chức lễ hội để bắt đầu cho một năm mới. Đây là ngày tết lớn nhất trong năm của người Ơ Đu, được đồng bào tổ chức rất quy mô. Thời gian tổ chức lễ hội đón tiếng sấm thường diễn ra khoảng tháng 3 dương lịch, với nhiều hoạt động lễ và hội.

Nghi lễ đón tiếng sấm được đồng bào Ơ Đu tổ chức với ba phần chính, đó Lễ đón tiếng sấm tại nhà ông mo, lễ đón tiếng sấm tại các gia đình và là lễ đón tiếng sấm chung cho cả cộng đồng.

Đồng bào Ơ Đu chuẩn bị các lễ vật trong Lễ hội đón tiếng sấm
Đồng bào Ơ Đu chuẩn bị các lễ vật trong Lễ hội đón tiếng sấm

Để chuẩn bị cho buổi lễ, thầy mo thức dậy từ sáng sớm chuẩn trang phục và các vật dụng cần thiết. Thầy mo mặc bộ trang phục bằng vải thô màu đen, chuẩn bị dụng cụ hành lễ là một chiếc chiêng đồng và hai chiếc bàn mây để làm vía.

Nghi lễ tại nhà thầy mo thường diễn ra vào buổi chập tối với tập tục cúng tổ tiên trong nhà, cúng thần linh ngoài trời, làm vía, buộc chỉ cổ tay cho con cháu trong gia đình. Ngoài các nghi lễ trên, thầy mo còn thực hiện một số nghi lễ khác như: lễ phong sắc truyền nghề cho thầy mo; lễ đặt tên cho những người mới được sinh ra, lễ đổi tên cho người trưởng thành,…

Tại các gia đình, nghi lễ đón tiếng sấm cũng được thực hiện tương tự như tại gia đình của thầy mo. Tuy nhiên không tổ chức lễ truyền sắc mà chỉ có lễ cúng tổ tiên trong nhà,lễ đón thần sấm và các thần linh ngoài trời. Kết thúc là nghi lễ làm vía buộc chỉ cổ tay với mong muốn các vị thần linh, tổ tiên phù hộ cho con cháu trong gia đình có một năm mới khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật, có sức khỏe để làm ruộng, đánh cá, săn bắn,…

Nghi lễ đón tiếng sấm đầu năm của cộng đồng là nghi lễ quan trọng và quy mô nhất, thể hiện sự cố kết cộng đồng chặt chẽ của đồng bào dân tộc Ơ Đu. Ngày xưa, người Ơ Đu thường chọn một bãi đất trống đủ lớn ở trong bản hoặc bên bờ suối để tổ chức buổi lễ. Hiện nay, đồng bào Ơ Đu tổ chức nghi lễ của bản tại nhà văn hóa cộng đồng.

Lễ hội đón tiếng sấm của dân tộc Ơ Đu 2

Sáng sớm, trước khi nghi lễ cộng đồng diễn ra, thầy mo và các chức sắc, đại diện các gia đình trong bản lên núi nơi có ngôi đền thiêng thờ các vị tổ tiên của người Ơ Đu trú ngụ để làm lễ mời tổ tiên. Các lễ vật cúng tổ tiên khá đơn giản, chủ yếu là do gia đình góp lại, thành một mâm lễ đặt tại đền cho thầy mo làm lễ.

Lễ vật dâng cúng thần sấm và tổ tiên
Lễ vật dâng cúng thần sấm và tổ tiên

Sau khi làm lễ tại đền, đồng bào trở về sân cộng đồng tiến hành các nghi lễ tâm linh để tạ ơn thần sấm. Thông thường trong lễ hội sẽ có 5 mâm mây lớn, gọi là bàn vía để bày lễ vật. 2 mâm chính dành cho thần sấm và tổ tiên đặt ở giữa, các mâm lễ khác đặt xung quanh.

Chuẩn bị lễ cúng, các thầy mo và già làng, trưởng bản ngồi quanh hai bàn làm vía chính, những người đến tham dự ngồi thành 3 vòng xung quanh các bàn vía. Khi đồng bào và du khách đã ổn định, nghi lễ cũng bắt đầu.

Đầu tiên, thầy mo chủ trong trang phục áo dài đen, khăn quấn đầu kiểm tra lại lễ vật lần cuối sau đó tiến lại mâm lễ cúng thần sấm thực hiện các nghi thức cúng. Thầy mo báo cáo với thần linh lý do làm lễ dâng lên tạ ơn thần sấm, các vị thần linh, tổ tiên đã ban cho bà con dân bản có một năm ấm no, mùa màng tươi tốt… Bài cúng được đọc đi đọc lại hai lần để các vị thần và tổ tiên được nghe rõ. Kết thúc bài cúng, mỗi người một tay theo mệnh lệnh của thầy mo giơ các mâm vía lên cao với ý nghĩa dâng cúng mâm lễ để mời các thần linh và tổ tiên của đồng bào Ơ Đu hưởng thụ lễ vật.

Thầy mo đọc lời khấn cầu thần sấm
Thầy mo đọc lời khấn cầu thần sấm

Sau lễ cúng thần linh là nghi lễ buộc chỉ cổ tay làm vía cầu sức khỏe cho các thành viên trong bản. Trong nghi lễ này, ngoài các thầy mo thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay thì các gia đình cũng tự buộc cho con cháu mình....Theo quan niệm của người Ơ Đu sợi chỉ đó là sợi chỉ thiên để buộc hồn buộc vía ở lại với bản thân không được tháo ra cho đến lễ hội năm sau.

Diễn tấu nhạc cụ nứa trong phần hội
Diễn tấu nhạc cụ nứa trong phần hội

Kết thúc phần lễ bản làng và du khách tổ chức ăn uống xen kẽ đó là hoạt động múa hát vui vẻ. Đồng bào Ơ Đu và du khách hòa mình vào trong tiếng nhạc, tiếng trống và đi quanh theo mâm lễ và dùng ống tre gõ vào đất để tạo ra âm thanh như tiếng sấm. Bà con còn sử dụng các gậy nhọn để gõ vào đất, tượng trưng cho hoạt động chọc lỗ tra hạt với mong muốn một năm mới mùa màng bội thu. Bên cạnh các điệu múa truyền thống của dân tộc Ơ trò chơi của các dân tộc như: đi cà kheo, tọ mạc lẹ, bắn nỏ,….góp phần làm cho lễ hội đón tiếng sấm càng vui tươi rộn ràng và giàu bản sắc.

Phần hội với sự giao lưu văn nghệ của đồng bào Ơ Đu và du khách
Phần hội với sự giao lưu văn nghệ của đồng bào Ơ Đu và du khách

Lễ hội đón tiếng sấm đầu năm của đồng bào dân tộc Ơ Đu, huyện Tương Dương là một trong số ít các lễ hội của đồng bào DTTS ở Nghệ An còn lưu giữ được nhiều yếu tố bản sắc văn hóa, được lưu truyền qua hàng ngàn năm nay. Lễ hội này đã được tỉnh Nghệ An xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Cao Bằng: Quan tâm phát triển toàn diện các dân tộc có khó khăn đặc thù

Cao Bằng: Quan tâm phát triển toàn diện các dân tộc có khó khăn đặc thù

Lô Lô là một trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ các chương trình, chính sách dân tộc, tỉnh cao Bằng đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho dân tộc Lô Lô.