Lễ hội Khô Già Già được tổ chức trong vòng 5 ngày của tháng 6 (âm lịch) hàng năm, trong khu rừng “Gạ hen lạ gio” mà dân tộc Hà Nhì đen quen gọi là rừng công viên. Đây là khu rừng duy nhất mà tất cả đồng bào dân tộc Hà Nhì đen (kể cả phụ nữ) có thể đến vui chơi trong ngày hội.
Lễ hội mở đầu bằng nghi lễ mổ trâu cúng tế thần linh. Sau đó, thịt trâu sẽ được chia đều cho các gia đình mang về để cúng tổ tiên. Tiếp đó, mỗi gia đình lại tự chuẩn bị lễ vật rồi mang đến rừng cúng tế thần linh. Ngoài các nghi lễ long trọng, linh thiêng, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa hấp dẫn như đu dây, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, hát đối đáp giao duyên…
Đặc biệt, lễ hội còn mang ý nghĩa như lễ hội tình yêu bởi các chàng trai chưa vợ khi đi dự hội bao giờ cũng mang theo một cái chăn mới, đến gần tới khu rừng thì giấu chăn trong hốc đá hoặc bụi cây. Khi lễ hội diễn ra, chàng trai hào hứng tham gia các hoạt động nhằm thu hút sự chú ý của các cô gái. Qua ánh mắt, chàng trai biết cô gái nào có cảm tình với mình, sau đó lựa chọn thời điểm thích hợp để tiếp cận, kéo cô gái ra chỗ giấu chăn, lấy chăn trùm lên đầu cô rồi dẫn ra bìa rừng, bờ suối để cùng nhau tâm sự. Vì ý nghĩa này mà Lễ hội Khô Già Già còn được gọi là Lễ hội Trùm chăn.
Lễ hội đã có từ rất lâu đời và được lưu truyền từ đời này qua đời khác nhằm gắn kết các gia đình, thành viên trong cộng đồng dân tộc Hà Nhì đen ở vùng cao Bát Xát, Lào Cai. Lễ hội Khô Già Già đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay, Lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách mỗi khi du lịch Bát Xát.