Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ Then xò lụ của người Thái, Điện Biên

Nguyệt Anh (T/h) - 18:10, 11/09/2021

Lễ Then xò lụ (Then cầu con) là một trong những tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Thái ở bản Tâu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đang được gìn giữ và phát huy. Qua nghi lễ, nhiều điệu múa cùng lời hát Then được bảo tồn.

    

Điệu múa nhảy sạp của thiếu nữ Thái Điện Biên (Ảnh minh họa)
Điệu múa nhảy sạp của thiếu nữ Thái Điện Biên (Ảnh minh họa)

 Trước ngày làm Lễ Then xò lụ, đôi vợ chồng trẻ cùng bố mẹ chồng đến thưa chuyện nhờ bà Then giúp đỡ. Lễ vật mang đến nhà bà Then là một gói muối và một gói gạo được gói trong lá dong hoặc lá chuối, thủ tục này diễn ra tại gầm sàn. Sau khi nghe bà Then chọn ngày lành tháng tốt cho cả hai bên thì hẹn gia chủ chuẩn bị các lễ vật để làm lễ Then.

Trước khi làm lễ cúng Then tại gia đình cầu con, bà Then nhờ gia chủ rót rượu kính báo với tổ tiên cho phép được làm lễ cúng và cầu mong sự phù hộ của tổ tiên để lễ cúng diễn ra thuận lợi. Sau khi gia chủ hoàn thành việc trình báo tổ tiên cũng là lúc bà Then hát mở màn chào hỏi, xin phép các quan chức ở trần gian, bà Then bắt đầu hát giai điệu mở đường, bà vừa hát vừa té gạo cho ngựa ăn, mời gọi và tập trung quân lính của mình cùng lên trời để xin con cho con nuôi của mình.

Nghi lễ Then xò lụ của một gia đình người Thái ở Điện Biên (Ảnh TL)
Nghi lễ Then xò lụ của một gia đình người Thái ở Điện Biên (Ảnh TL)

Khi bà Then bắt đầu cất tiếng hát, đồng thời khi đó có 8 cô gái bước ra múa khăn để phụ họa cho làn điệu Then. Bà Then hát thỉnh thoảng ngậm rượu phun ra để cho ngựa uống nước. Hòa quyện cùng lời hát của bà Then là tiếng tính tẩu réo rắt của báo khỏa và điệu múa của các cô gái (xao Then hoặc xao xe). Nếu đoạn mở đầu các cô gái múa khăn đến đoạn bà Then hát xin con thì các cô gái múa quạt. Múa khăn và múa quạt cũng là hai điệu múa duy nhất trong lễ cầu con. Bà Then tay cầm quạt không dừng, thỉnh thoảng người lắc lư theo lời hát Then (tái hiện hình ảnh Bà Then cưỡi ngựa lên trời).

Sau khi múa xong các cô gái ở lại để bê mâm lễ cúng giúp bà then và gia chủ. Bà Then mời các xao then bê bàn Bẩu đến gần đôi vợ chồng trẻ. Trên mâm gồm cuộn vải trắng, cuộn vải đỏ, cuộn vải đen, đĩa gà luộc, 02 bát gạo. Bà Then cúng bằng lời hát Then rồi bảo các cô gái nâng chén rượu chúc đôi vợ chồng trẻ sớm sinh con trai, con gái.

Tiếp đến bà Then bói trầu, bà nhấc hai chén rượu vòng quanh ngọn nến rồi uống cạn, sau đó cầm lá trầu lên bói. Bà Then mời đôi vợ chồng đến ngồi gần mình; bà ngậm ngọn nến đang cháy rồi thổi ra phía vợ chồng trẻ và khấn. Bà Then nói với các cô gái múa bê mâm cúng (pan khuôn) để làm lễ tụ hồn cho con nuôi, trên mâm có đầu lợn, thịt lợn, để sẵn 8 sợi chỉ đen, bát canh, gói xôi, bà Then yêu cầu đặt vào 8 chén rượu và 8 đôi đũa.

Bà Then trong Lễ Then xò lụ
Bà Then trong Lễ Then xò lụ

 Khi bà Then cúng bằng lời hát Then xong thì các xao Then bê mâm cúng ra gần đôi vợ chồng trẻ. Họ rót rượu, nâng chén mời đôi vợ chồng rồi cùng buộc chỉ vào cổ tay cho đôi vợ chồng, cùng chúc cho vợ chồng luôn mạnh khỏe và sớm có con. Bà Then cũng bước đến gần đôi vợ chồng mời họ ăn xôi, canh, thịt lợn, mỗi thứ một ít chúc họ sớm có con và nâng chén rượu rồi uống cạn. Bà Then mời các xao Then uống rượu, họ cùng nhau chúc cho đôi vợ chồng mạnh khỏe, có em bé nhanh, sau đó dọn mâm cúng ra.

Sau khi kết thúc lễ tụ hồn cho hai vợ chồng cầu con, bà Then tiến hành dặn dò con nuôi sống mạnh khỏe, hạnh phúc. Sau những lời dặn dò ân cần của bà Then, hai vợ chồng cầu con đến lạy và cảm tạ bà Then đã nguyện cầu và dành những lời chúc tốt đẹp cho gia đình. Kết thúc lễ, gia chủ mời tất cả mọi người đến ngồi bên mâm cơm cùng ăn cơm, uống rượu vui vẻ và chúc cho vợ chồng chủ nhà cầu con sớm có tin vui...

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.