Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Liên kết bao tiêu lúa gạo: Giải pháp căn cơ cho “vựa lúa”

PV - 09:58, 20/02/2019

Hiện đang là thời điểm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch vụ lúa đông - xuân. Nhưng do giá lúa giảm mạnh, còn doanh nghiệp thì lấy lý do thiếu vốn để thu mua nên khiến người nông dân ở vựa lúa miền Tây thêm một mùa vụ long đong vì hạt lúa.

Doanh nghiệp bỏ nông dân!

Hằng năm, trước và sau Tết, vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long lại nhộn nhịp bước vào thu hoạch vụ lúa đông-xuân, vụ lúa chính trong năm. Nhưng sau Tết Kỷ Hợi, trên những cánh đồng ở miền Tây gần như rất vắng vẻ. Nguyên nhân là do giá lúa xuống quá thấp.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá lúa tươi hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long trung bình giảm từ 500-600 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Nông dân miền Tây đứng ngồi không yên vì giá lúa rớt từng ngày. Nông dân miền Tây đứng ngồi không yên vì giá lúa rớt từng ngày.

Dù giá thấp nhưng nông dân miền Tây vẫn mong thương lái đến thu mua bởi lúa đã chín vàng đồng, nếu không thu hoạch thì thiệt hại sẽ còn nhiều hơn. Nhưng oái ăm là thương lái lại cứ đủng đỉnh; thậm chí có nhiều thương lái đã đặt cọc thu mua lúa của nông dân cũng bỏ cọc.

Đơn cử như ông Dương Văn Mỏng ở xã Tân Phú Trung (Châu Thành, Đồng Tháp), khi xuống giống vụ đông-xuân 2019, ông đã nhận tiền cọc của thương lái 700 nghìn đồng/công ruộng (1.000m2). Nay đã vào kỳ thu hoạch nhưng chưa thấy thương lái tới thu mua. Nếu như thương lái “xù” thì số tiền đặt cọc của thương lái chẳng thấm tháp vào đâu khi lúa chín rũ ngoài đồng; điều này có nghĩa gia đình ông Mỏng sẽ đối diện một vụ mùa thất bát nặng.

Lo lắng của ông Mỏng cũng như của hàng nghìn nông dân khác ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang dần thành hiện thực. Từ ngày 17/02/2019 đến nay, đại diện các cơ quan chuyên môn của các tỉnh miền Tây đã lên tiếng xác nhận về tình trạng nhiều doanh nghiệp nhận bao tiêu lúa cho nông dân đang lừng khừng trong việc thu mua cho bà con nông dân.

Theo ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng, nông dân trồng lúa đang điêu đứng vì giá thấp, không ai mua. Do thị trường tiêu thụ khó khăn, một số doanh nghiệp trước đó có đầu tư, bao tiêu lúa của nông dân cũng đành “bỏ của chạy lấy người”.

Còn tại TP. Cần Thơ, theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương, giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tại TP. Cần Thơ nói riêng đang giảm hằng ngày. Có tình trạng này là do doanh nghiệp và thương lái thiếu vốn để mua. Tổng số vốn mà doanh nghiệp cần cho việc mua lúa của nông dân khoảng 1.000 tỷ đồng.

Lại “giải cứu” lúa?

Trước tình hình trên, các địa phương đã kiến nghị cơ quan chức năng chỉ đạo thu mua lúa tạm trữ cho nông dân. Mặt khác, đề xuất trao đổi với các ngân hàng và vận động ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ gói tín dụng giúp doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ cho nông dân.

Như ở Sóc Trăng, Sở Công thương đã đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng sớm làm việc với các doanh nghiệp để mua tạm trữ hết sản lượng lúa trong dân. Tương tự, tại cuộc họp bàn giải pháp mua lúa đông-xuân do UBND TP. Cần Thơ tổ chức ngày 13/02, Sở Công thương TP. Cần Thơ cũng đề xuất trình Thủ tướng xin chỉ đạo về mua lúa tạm trữ bên cạnh các giải pháp khác như hỗ trợ về mặt tín dụng (tăng hạn mức, đẩy nhanh tiến độ giải ngân).

 Nếu không liên kết theo chuối giá trị thì người nông dân vẫn “còng lưng” vì lúa gạo. (Ảnh minh họa) Nếu không liên kết theo chuối giá trị thì người nông dân vẫn “còng lưng” vì lúa gạo. (Ảnh minh họa)

Vậy là, câu chuyện “giải cứu” nông sản lại tiếp tục được đặt ra ngay trong vụ mùa đầu tiên năm 2019.

Để “giải cứu” lúa gạo cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thì chắc chắn sẽ cần đến chính sách thu mua tạm trữ đã được Chính phủ triển khai từ nhiều năm nay. Nhưng chính sách này dù có hiệu quả thiết thực thì cũng chẳng thể thực thi mãi.

Bởi thực tế, không chỉ năm nay mà sau này, ngành hàng lúa gạo sẽ tiếp tục với câu chuyện “giải cứu” nếu không giải quyết được vấn đề sản xuất theo chuỗi giá trị. Vốn dĩ, việc sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất cho tới chế biến, xuất khẩu đã được Chính phủ cho thực hiện từ rất lâu và nếu làm được việc này thì không có doanh nghiệp nào bỏ nông dân. Tuy nhiên, áp vào quy trình sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, đây vẫn là một điểm yếu, nhất là trong khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Thiết nghĩ, việc sớm triển khai chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long lúc này là hết sức cần thiết để cứu lấy hàng triệu tấn lúa chưa được thương lái thu mua đang có nguy cơ chín rũ ngoài đồng. Nhưng về lâu dài, ngành Nông nghiệp, các địa phương cần đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp bao tiêu cho nông dân; hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị.

Có như vậy mới giải quyết căn cơ bài toán sản xuất-tiêu thụ, từ đó đưa ngành lúa gạo phát triển bền vững.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Truyền dạy nhạc cụ truyền thống Chăm tại huyện Hàm Thuận Bắc

Truyền dạy nhạc cụ truyền thống Chăm tại huyện Hàm Thuận Bắc

Bảo tàng tỉnh Bình Thuận vừa phối hợp với UBND xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận tổ chức mở lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống Chăm gồm trống Ginang và kèn Saranai cho 21 học viên là con em đồng bào Chăm thuộc xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc.