Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Linh hoạt các hình thức kiểm tra, đánh giá online để đảm bảo năm học cho học sinh, sinh viên

PV - 10:47, 10/05/2021

Hôm nay (10/5), học sinh, sinh viên của hơn 30 tỉnh thành trên cả nước bước sang tuần học trực tuyến thứ hai. Một số nhà trường đã chủ động với việc học trực tuyến cũng như linh hoạt với việc kiểm tra, đánh giá để đảm bảo năm học cho học sinh, sinh viên.

Học sinh thi biểu diễn kết thúc cấp độ piano tại nhà. Ảnh: Lê Vân.
Học sinh thi biểu diễn kết thúc cấp độ piano tại nhà. Ảnh: Lê Vân.

Chia ca để kiểm tra học kỳ

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến hết ngày 9/5, cả nước có gần 30 tỉnh, thành đã thông báo cho học sinh tạm dừng đến trường để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Công tác kiểm tra học kỳ cũng được đẩy nhanh ở nhiều địa phương khác. Một số trường học chuyển sang phương án kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến.

Ngay khi Hà Nội có thông báo tạm dừng đến trường, nhiều trường học đã kích hoạt phương án dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh. Theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT Tây Hồ, Hà Nội, khi học trực tuyến, học sinh các khối lớp bé như lớp 1, 2, 3 luôn nhận được sự quan tâm nhiều nhất, bởi việc học trực tuyến đòi hỏi nhiều yêu cầu về kỹ năng và cần sự hỗ trợ, giám sát thường xuyên hơn của cha mẹ, thầy cô.

Đợt tạm dừng đến trường diễn ra đúng dịp học sinh, sinh viên đang hoặc chuẩn bị kiểm tra, đánh giá cuối kỳ. Thay vì đợi dịch đi qua, một số trường học đã có phương án kiểm tra cuối học kỳ II cho học sinh.

Trường Tiểu học Archimedes Academy vừa có thông báo cho học sinh kiểm tra cuối học kỳ II theo hình thức trực tuyến trên nền tảng ứng dụng Microsoft teams. Ở khối lớp 2, đầu các tiết học online môn Tiếng Việt, cô sẽ kiểm tra 5 - 6 học sinh/mỗi ngày. Kiểm ra nghe - viết chính tả: Bố mẹ chuẩn bị giấy kiểm tra ô ly để các con trình bày bài viết chính tả. Bài kiểm tra các môn Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm online diễn ra trong các ngày 12, 13, 14/5.

Cô Nguyễn Thị Minh Thuý, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Siêu (Phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Trong tuần này, với các bộ môn của chương trình Việt Nam chưa được kiểm tra, đánh giá, nhà trường điều chỉnh thời khóa biểu ôn tập và kế hoạch kiểm tra đánh giá cuối kỳ II. Cụ thể, tuần từ 10-16/5: Học sinh thực hiện bài thi thực hành với kết cấu đề mở và bài tập dự án, nộp sản phẩm trên nền tảng Microsoft Teams ở bộ môn Ngữ Văn, Khoa học tự nhiên đối với cấp THCS; Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lí đối với cấp THPT. Tuần từ 17-21/5: Tổ chức thi trực tuyến trên nền tảng Microsoft Teams ở bộ môn: Toán, Khoa học xã hội đối với cấp THCS; Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học đối với cấp THPT".

Chị Nguyễn Hồng Ngát (Phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Thời gian của năm học không còn nhiều, do đó nhà trường linh hoạt cho kiểm tra trực tuyến cũng là hình thức phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu học online kéo dài cũng khiến học sinh bậc tiểu học, đặc biệt lớp nhỏ khó hiệu quả. Tôi ủng hộ hình thức kiểm tra này. Tất nhiên, có sự phối hợp của gia đình và giáo viên”.

Hình thức kiểm tra trực tuyến cũng diễn ra ở các bậc học như THPT, đại học. Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng thông báo tới học sinh sẽ kiểm tra cuối học kỳ II theo hình thức online trong tuần này.

Ban Giám hiệu trường ĐH Thương mại quyết định tổ chức thi trực tuyến học kỳ II. Đối với hình thức thi vấn đáp, được áp dụng đối với các học phần thi vấn đáp do các bộ môn thuộc khoa tiếng Anh và Viện hợp tác quốc tế quản lý. Sử dụng ngân hàng đề thi của Trường, việc tổ chức thi trực tuyến qua phần mềm Trans theo lịch thi của trường.

Đại diện trường ĐH Thương mại cho biết: "Trước giờ thi, giáo viên chấm thi phải kiểm tra chất lượng âm thanh. Điểm thi vấn đáp phải được công bố cho người học ngay sau khi buổi thi kết thúc. Bộ môn nộp danh sách thi đã ghi điểm về phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng theo quy định. Với hình thức thi tự luận, các học phần thi trắc nghiệm khách quan trên máy chuyển sang hình thức tự luận. Trưởng bộ môn tổ chức xây dựng bộ đề thi học phần trực tuyến theo yêu cầu: Mỗi đề thi gồm hai câu, mỗi câu 5 điểm đảm bảo đánh giá được kiến thức của người học, phù hợp với thời gian làm bài 90 phút. Mỗi phòng thi sử dụng một mã đề thi, đảm bảo nguyên tắc cùng một học phần trong cùng 1 ca thi sử dụng chung một mã đề".

Không chỉ trường học, một số trung tâm đào tạo nghệ thuật cũng tổ chức bài thi online. Tại Trung tâm nghệ thuật Magic Mussic, một số lớp học có bài kiểm tra kết thúc cấp độ online. Cô Ánh Huyền (Giáo viên dạy Piano) cho biết: “Bố mẹ sẽ quay chương trình biểu diễn trong một clip và gửi lại cho cô giáo. Ở clip này, học sinh thực hiện các trình tự của bài đàn như khi đi biểu diễn kết thúc cấp độ. Nghĩa là có màn chào hỏi, ngồi đúng tư thế, kế thúc bài có chào kết thúc. Clip được chấm, đánh giá như bình thường”.

Ngành giáo dục chỉ đạo khẩn

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT có chỉ đạo khẩn, yêu cầu các Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Thủ trưởng các cơ sở giáo dục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm một số nội dung. Ngoài việc thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, các đơn vị tuyệt đối không hoang mang nhưng cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong trường học.

Cần kích hoạt hệ thống phòng dịch, trang thiết bị phòng dịch trong nhà trường; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, phạm vi quản lý; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các yêu cầu phòng, chống dịch.

Các đơn vị có thể điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học, tổ chức kiểm tra, đánh giá phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Theo PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, việc kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến đã có quy định, hiệu trưởng nhà trường được quyết định việc này. Đến nay, một số địa phương, nhà trường đã triển khai hình thức này. Thời gian kết thúc năm học vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhân viên, nhà giáo, người học và cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế. Thực hiện theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt, khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp học, nhà vệ sinh theo quy định.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT: Về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, trong điều kiện có dịch, kỳ thi có thể được tổ chức thành nhiều đợt. Bộ sẽ tổ chức đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội), trong đó có các biện pháp khử khuẩn, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tại các điểm thi.

Tại các điểm thi, khu vực thi sẽ bố trí các phương án bố trí phòng thi cho các thí sinh diện F1, F2, F3 với các phương án phòng chống dịch phù hợp với các nhóm thí sinh diện này. Trong trường hợp cần thiết, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức thêm đợt thi. Để thực hiện phương án này, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi đáp ứng số lượng, chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nhiều đợt.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương chủ động thực hiện các công việc theo kế hoạch tổ chức kỳ thi đã công bố. Trong đó, chú trọng việc lựa chọn, bố trí các điểm thi; lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi (nhất là với các khâu trọng yếu như in sao đề thi, coi thi, chấm thi); rà soát, bổ sung trang thiết bị, vật tư đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.