Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Loay hoay giải bài toán thiếu nước sinh hoạt ở Đăk Lăk: Hàng loạt công trình cấp nước tiền tỉ ...“đắp chiếu” (Bài 1)

Lê Hường - 09:28, 24/05/2024

Mùa khô năm 2023-2024, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn ra khắc nghiệt, người dân ở nhiều địa phương không chỉ gặp khó về nước sản xuất, mà còn khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt. Trong khi người dân sống khổ vì thiếu nước ăn, uống, thì hàng loạt công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư xây dựng nhưng lại “đắp chiếu”. HIện nay, các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh thì vẫn loay hoay tìm giải pháp phát huy hiệu quả các công trình.

Công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar ngưng hoạt động nhiều năm
Công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung tại xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar nhiều năm nay đã ngưng hoạt động

Năm 2017, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung phục vụ người dân 3 buôn đồng bào DTTS tại chỗ gồm buôn B'ling, Trắp và Dhung. 

Theo thiết kế, công trình có công suất cung cấp nước sinh hoạt cho 474 hộ/1.960 nhân khẩu, với tổng kinh phí hơn 11,5 tỷ đồng do UBND huyện Cư M’gar làm chủ đầu tư. Tháng 10/2018, công trình hoàn thành bàn giao cho UBND xã Cư M’gar vận hành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, mới chỉ hoạt động được thời gian ngắn, thì công trình hư hỏng, “đắp chiếu” cho đến nay.

Bà H’Bích Mlô ở buôn Trắp chia sẻ: Trước đây, người dân trong buôn sử dụng nước mưa, nước suối để ăn uống, khi có công trình nước sạch sinh hoạt tập trung, bà con ai cũng mừng. Thế nhưng, công trình hoạt động rất thất thường, nước lúc có lúc không, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con. Để đảm bảo nước sinh hoạt hàng ngày, người dân đành phải đào, khoan giếng để sử dụng, lâu dần ai cũng quên luôn công trình nước. Sau đó, công trình nước này cũng ngưng hoạt động cho đến nay. Công trình xuống cấp, nhiều hộ dân vùi đường ống, khóa nước, đồng hồ nước bị hư hỏng xuống dưới đất.

Theo báo cáo, huyện Cư M’gar có 18 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Trong đó, 11 công trình do cộng đồng quản lý, 1 công trình do UBND xã quản lý, 1 công trình do doanh nghiệp quản lý và 5 công trình do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk quản lý.

 Đến nay, công trình cấp nước do UBND xã Cư M’gar quản lý đã tạm ngưng hoạt động. Đối với 11 công trình do cộng đồng quản lý, có 2 công trình ngưng hoạt động do hư hỏng, xuống cấp, số hộ sử dụng thấp, các công trình còn lại hoạt động cầm chừng.

Xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột có nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung bị khai tử
Xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột có nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung bị khai tử

Không chỉ huyện Cư M’gar, nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đã bị khai tử vì hư hỏng. Các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung ngưng hoạt động tập trung ở các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Pắk, Krông Năng, Lắk, thị xã Buôn hồ và thành phố Buôn Ma Thuột.

Xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột được đầu tư 7 công trình cấp nước phục vụ cho hơn 1.000 hộ dân ở 8 thôn, buôn có đông đồng bào DTTS sinh sống. Các công trình cấp nước được xây dựng theo nhiều chương trình, dự án từ nhiều ngồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động chưa lâu 3 công trình đã ngưng hoạt động rồi bỏ hoang cho đến nay, các công trình còn lại hoạt động cầm chừng, đang chờ khai tử.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 215 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, tổng mức đầu tư trên 758 tỉ đồng, cung cấp cho hơn 77.300 hộ dân ở các huyện, thị xã, thành phố. 

Hiện nay, 87 công trình đầu tư chưa hoàn chỉnh chỉ phục vụ cấp nước tạm thời, 128 công trình đã được đầu tư hoàn chỉnh. Trong đó, UBND cấp huyện quản lý, khai thác 175 công trình, thiết kế cấp nước cho hơn 42 nghìn hộ dân, tổng kinh phí đầu tư gần 326 tỷ đồng. Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường quản lý, khai thác 40 công trình, thiết kế cấp nước cho hơn 34 nghìn hộ, tổng kinh phí đầu tư hơn 432 tỷ đồng.

Một công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bỏ hoang
Một trong những công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bỏ hoang

Trong tổng số 128 công trình đã đầu tư hoàn chỉnh, thì có 52 công trình đã ngưng hoạt động. Tất cả các công trình cấp nước ngưng hoạt động đều do UBND cấp huyện, cấp xã hoặc các ban chuyên môn của huyện làm chủ đầu tư, cấp xã hoặc cộng đồng quản lý, vận hành.

Ông Nguyễn Minh Chí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đa số là công trình đầu tư có quy mô nhỏ, dưới 100 hộ, để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt khẩn cấp. Các công trình ngưng hoạt động, hoạt động cầm chừng do nhiều nguyên nhân, trong đó hạn chế về chuyên môn, quản lý là một trong những nguyên nhân then chốt. 

"Công trình ngưng hoạt động hầu hết là những công trình do UBND cấp huyện, cấp xã hoặc các ban chuyên môn của huyện làm chủ đầu tư, chưa nắm vững về chuyên môn ngành nước, nên ngay từ khâu khảo sát, thiết kế, lập dự án đã xảy ra những bất cập, tồn tại. Bên cạnh đó, đơn vị quản lý, vận hành là UBND xã hoặc các ban tự quản thôn, buôn cũng không có chuyên môn, nghiệp vụ gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành", ông Chí nói.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.