Thiếu nước sạch sinh hoạt
Mặc dù, tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hàng loạt các công trình nước sạch ở nông thôn, nhưng trên thực tế chỉ một số ít các công trình này hoạt động hiệu quả, trong đó có nhiều công trình sau đầu tư gặp khó khăn trong quản lý, vận hành, khai thác...
Xã Đồng Lâm (Hạ Long) có 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Từ 2010 đến 2019 trên địa bàn xã được đầu tư 7 công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy để phục vụ cho trên 90% dân số xã, với tổng số vốn hơn 13 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đầu tư nhiều công trình bị xuống cấp, hoạt động không hiệu quả. Năm 2023 có 3 công trình đã được sửa chữa. Hiện tại, công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy tập trung ở xóm Bằng Danh, thôn Đồng Trà phần đập bị cát bồi lắng, diện tích dự trữ nước không lớn, nhưng vẫn chưa được duy tu, bảo dưỡng, bao năm qua người dân luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Vũ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm cho biết, các công trình cấp nước tự chảy có quy mô nhỏ, phần đập chỉ có tính chất chặn khe suối để dâng nước, nên khi mùa mưa cát đá trôi xuống, là lòng đập bị cát vùi; nhiều công trình nước sạch không còn nguồn nước sinh thủy dẫn đến mùa khô không còn nước; việc duy tu bảo dưỡng chưa được cấp kinh phí.
“Xã đang khảo sát đánh giá lại hiện trạng tổng thể các công trình nước. Xã mong muốn, sớm có giải pháp cho việc đổi đất khác cho các hộ dân tại khu vực đầu nguồn nước để trồng rừng gỗ lớn vào các vị trí đầu nguồn; nâng cấp bể chứa, hệ thống đường ống; về lâu dài cần nghiên cứu các công trình cấp nước sạch cho người dân có quy mô lớn và có hệ thống xử lý đảm bảo là nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Còn tại xã biên giới Quảng Đức (huyện Hải Hà), từ năm 2006 đến nay, đã có gần chục dự án cung cấp nước sinh hoạt như: công trình nước sinh hoạt tự chảy thôn Tân Đức; công trình nước sinh hoạt tự chảy bản Khe Lánh 2; dự án nước sinh hoạt tự chảy trung tâm xã Quảng Đức...; Tuy nhiên, nhiều công trình đường ống dẫn nước bị hư hỏng; công trình chưa hỏng thì nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo do ô nhiễm.
Chị Triệu Thị Vấn, một người dân thôn Tân Đức ngậm ngùi kể: “Nhiều năm rồi chúng tôi liên tục có kiến nghị về việc nguồn nước bị ô nhiễm do việc trồng và khai thác keo từ đầu nguồn; nhiều đoạn ống đã bị hư hỏng. Như thế này, chúng tôi khó khăn trong đời sống sinh hoạt lắm”.
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 278 công trình phục vụ cấp nước khu vực nông thôn, trong đó có 46 công trình có quy mô nhỏ do UBND cấp xã quản lý, được đầu tư xây dựng từ lâu đã bị hỏng; nguồn nước không còn hoặc không ổn định; đã có công trình khác cấp nước thay thế hoặc đã chuyển đổi mục đích sang phục vụ cấp nước sản xuất nông nghiệp.
Làm đường giao thông... hỏng đường nước
Cuối năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc giám sát về công tác quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn Quảng Ninh. Qua giám sát nổi lên một số vấn đề: Đa số, các công trình hiệu suất cung cấp tiêu thụ không đạt theo thiết kế, nhiều hộ gia đình được thụ hưởng nước sạch từ công trình, nhưng không sử dụng. Không ít công trình mặc dù tổng mức đầu tư và công suất thiết kế lớn, nhưng hiệu suất sử dụng thực tế rất nhỏ, trong khi nhiều hộ dân có nhu cầu sử dụng nước sạch, nhưng chưa thực hiện được do không có kinh phí để mở rộng đối tượng sử dụng.
Cũng theo kết luận của Đoàn giám sát, các công trình cấp nước tập trung nông thôn, hầu hết được xây dựng trước thời điểm các địa phương hoàn thành xây dựng chương trình nông thôn mới, do đó trong quá trình hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông khu vực nông thôn đã gây hư hại nhiều tuyến ống cấp nước sau đầu tư. Nhiều tuyến ống cung cấp nước không được bố trí kinh phí di chuyển dẫn đến nằm trong lòng đường, rất khó khăn trong việc quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa khi có sự cố.
Từ thực tế trên, Đoàn công tác đã kiến nghị, cần có giải pháp kịp thời tạo cơ chế quản lý, vận hành, khai thác nguồn nước đảm bảo chất lượng, hướng đến phục vụ người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS ngày một tốt hơn.