Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

"Lộc rừng" ở lưng trời Tây Bắc: Phát triển cây dược liệu quý tạo sinh kế bền vững (Bài 2)

Thuỳ Anh - 06:30, 20/12/2022

Cùng với sâm Ngọc Linh và một số loài sâm quý khác ở Việt Nam, tỉnh Lai Châu đã chủ trương đưa sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu quý, chủ lực trong phát triển kinh tế, nhằm tạo sinh kế bền vững cho Nhân dân. Theo đó, tỉnh Lai Châu cũng đã triển khai đề tài, hình thành đề án phát triển nhóm cây dược liệu giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Cây Sâm Lai Châu được trồng trong vườn ươm đang phát triển khá ổn định
Những cây Sâm Lai Châu giống ở vườn ươm đang phát triển khá ổn định

Cuộc sống du cư đã lùi vào quá vãng

Những ngôi nhà vách nứa siêu vẹo gắn liền đời sống du cư cách đây chưa tới 10 năm, nay chỉ còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người dân ở bản Sín Chải B. “Trước đây, khi Nhà nước đưa dân về bản ở, mỗi hộ được cấp 15kg gạo một tháng, nhưng không đủ ăn. Dân bản mình không biết làm gì nên mọi người trong bản chỉ ở nhà vào mùa mưa, đợi sang mùa khô thì lại vào rừng sống, trẻ con cũng theo vào rừng và không được đi học”, ông Pờ A Sò nhớ lại.

Những năm gần đây, nhờ bán được nhiều thảo quả và các cây dược liệu mà người dân trong bản có điều kiện thay đổi cuộc sống. “Bây giờ nhà nào cũng có xe máy, mọi người chở được hàng đi bán nhiều hơn, bà con không còn bỏ nhà lên rừng ở nữa, nhà được sửa chữa, xây dựng mới,  trẻ con cũng được đến trường”, anh Vàng Lò Cho chia sẻ.

Nhận thức được tiềm năng thế mạnh của địa phương, cấp uỷ và chính quyền xã Pa Vệ Sủ đã thực hiện “dân vận khéo” trong cuộc vận động xoá bỏ hủ tục, dần ổn định sinh kế cho người dân bằng cách, phát triển cây dược liệu quý trên địa bàn. Riêng bản Sín Chải B có đến 46/53 hộ dân có vườn trồng sâm.

Bà Lý Mỹ Ly, Bí thư xã Pa Vệ Sủ chia sẻ: Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Những củ sâm đang ngủ đông
Củ sâm Lai Châu

Do vậy, để phát triển và khai thác nguồn lợi "lộc rừng" này, những năm gần đây, chúng tôi kết hợp cùng các trưởng bản và Người có uy tín, hướng dẫn bà con từ việc tạo mặt bằng để làm vườn cây; cách dựng vườn ươm; chọn đất phù hợp cho trồng dược liệu. Xã cũng đã đề xuất các cấp hỗ trợ cho một số hộ tiêu biểu đi học phát triển cây dược liệu ở những tỉnh miền trong, rồi về hướng dẫn cho toàn thể dân bản. Xã kêu gọi một số doanh nghiệp về đầu tư vườn sâm trên địa bàn, vận động họ thuê người địa phương làm lao động chính chăm sóc cho các vườn sâm và hỗ trợ cấp cây giống và hạt sâm cho bà con. Đến nay, riêng địa bàn xã có 5 doanh nghiệp đang đầu tư trồng sâm, với diện tích và quy mô lớn.”, bà Lý Mỹ Ly chia sẻ thêm.

Mặc dù Pa Vệ Sủ vẫn còn là xã nghèo của huyện Mường Tè, nhưng nhiều hộ gia đình đã được xem là khá giả, thu nhập bình quân của các hộ dân nơi này khoảng 20 triệu đồng mỗi năm.

Toàn bản Sín Chải B có đến 46/53 hộ dân có vườn trồng sâm. Những căn nhà gỗ của người La Hủ đã ấm cúng hơn, họ tích trữ củi và lương thực cho mùa khô, nhà nào nhà nấy cũng chăn nuôi thêm gia súc gia cầm.

“Mấy năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng thảo quả của bà con vẫn được bao tiêu để đảm bảo thu nhập cho đời sống tối thiểu. Ngoài ra, chúng tôi tập trung phát triển mô hình trồng sâm theo các nhóm hộ, thực hiện những hướng dẫn của tỉnh để hiện thực hoá Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, bà Ly cho biết thêm.

Cây sâm nhỏ được bày bán trong Hội chợ sâm Lai Châu
Giống cây sâm được bày bán trong Hội chợ sâm Lai Châu

Bảo tồn và phát triển sâm Lai Châu

Sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn đã chỉ ra, cây Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var, fuscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai) có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới, mới chỉ phát hiện thấy duy nhất ở tỉnh Lai Châu. Hàm lượng saponin trong các mẫu sâm Lai Châu thu ngoài tự nhiên trung bình khoảng 23 - 27%, hàm lượng Saponin toàn phần tăng dần theo số năm tuổi. Đặc biệt, hàm lượng Majonosid - R2(MR2) chiếm 4 - 6%, đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cấp Bằng bảo hộ Giống cây trồng. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc.

Ông Dương Đình Đức, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu cho biết: Để sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực trong phát triển kinh tế, đồng thời là tạo sinh kế bền vững cho Nhân dân, tỉnh Lai Châu đã triển khai đề tài, hình thành đề án phát triển nhóm cây dược liệu giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030, từ năm 2014 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh Lai Châu triển khai đề tài nghiên cứu cấp Bộ về sâm Lai Châu với nội dung: “Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và trồng cây sâm Lai Châu” và đề tài cấp tỉnh: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển loài sâm Lai Châu, tam thất hoang ở các xã vùng cao huyện Mường Tè”.

Trong chương trình Hội chợ sâm Lai Châu đầu tháng 11 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, “Chúng ta phải nỗ lực làm mọi cách để phát huy mạnh mẽ vai trò "Quốc bảo" trong quốc kế dân sinh. Điều đó có nghĩa, là giải quyết được việc làm cho nhiều người lao động, đặc biệt là người đồng bào DTTS ở vùng này có thu nhập cao, chứ không phải là làm thu nhập tốt cho một vài người”.

Nhận thức được những giá trị mà cây sâm Lai Châu mang lại, một mặt ứng dụng những tiến bộ của khoa học và công nghệ, mặt khác tạo việc làm cho bà con vùng sâu vùng xa phát triển kinh tế, góp phần hoàn thành các chương trình mục tiêu dài hạn của địa phương.

Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết: “Hiện tỉnh đang khuyến khích bà con kết hợp cùng các doanh nghiệp đầu tư phát triển và nhân rộng các nhóm cây dược liệu. Đồng thời, chúng tôi đang hoạch định để tham mưu các chính sách và vốn hỗ trợ dài hạn hơn, nhằm xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế, ổn định biên giới”.

Vườn ươm trồng sâm của hộ gia đình anh Pờ Và Hừ bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu)
Vườn ươm trồng sâm của hộ gia đình anh Pờ Và Hừ bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè

Với những tiềm năng sẵn có và những cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương, hi vọng rằng, thời gian tới sẽ có nhiều các dự án Sâm trên địa bàn tỉnh góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả để phát triển dược liệu tập trung có giá trị kinh tế cao; qua đó phát triển kinh tế - xã hội bền vững, và là cơ sở để thực hiện đạt các mục tiêu của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đề ra.

Toàn tỉnh Lai Châu hiện đang bảo tồn khoảng 1.200 cây sâm mẹ ngoài tự nhiên, gây trồng trên 1.600 cây mô hình và phát triển trồng khoảng gần 50 héc ta. Ngoài diện tích hơn 200 hộ dân tự thuần hoá sâm tự nhiên và nhân rộng, hiện nay tỉnh này đã thu hút được gần 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.