Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Lợi ích từ sự liên kết “bốn nhà”

Quỳnh Chi - 11:48, 18/08/2020

Những năm gần đây, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã tăng cường triển khai cho các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia các mô hình sản xuất nông nghiệp có sự liên kết “bốn nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà máy, nhà khoa học) với mục tiêu Nhà nước hỗ trợ nhằm gia tăng lợi ích của doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ.

Mô hình trồng rau tham gia liên kết ở huyện Bố Trạch đang cho thu nhập cao
Mô hình trồng rau tham gia liên kết ở huyện Bố Trạch đang cho thu nhập cao

Theo chuỗi liên kết, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất một phần kinh phí theo quy định. Đồng thời, tập huấn cho doanh nghiệp và người dân xây dựng liên kết; giám sát, đôn đốc thực hiện dự án, hỗ trợ bao bì, nhãn mác và quản lý chất lượng. Trong mô hình liên kết, doanh nghiệp đứng ra kết nối, cung cấp phân bón, giống, cam kết thu mua sản phẩm nông nghiệp và tìm doanh nghiệp thu mua nông sản phẩm cho bà con. Người dân đầu tư vốn sản xuất theo quy trình, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chịu trách nhiệm tư vấn kỹ thuật.

Với cách thức này, năm 2019, huyện Bố Trạch đã phê duyệt 2 dự án, gồm: “Xây dựng chuỗi giá trị cà gai leo” do Hợp tác xã (HTX) sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm chủ trì, thực hiện tại các xã: Cự Nẫm, Hòa Trạch và Tây Trạch; “Chuỗi liên kết sản xuất ngô làm thức ăn gia súc, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm” do HTX sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp Bắc Dinh tại xã Nam Trạch chủ trì, thực hiện tại xã Nam Trạch. Đến nay, huyện đã tổ chức nghiệm thu và giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện 2 dự án, với số tiền 560 triệu đồng.

Năm 2020, huyện Bố Trạch tiếp tục triển khai thêm 6 chuỗi liên kết sản xuất, với số tiền hỗ trợ 3,1 tỷ đồng, gồm: Sản xuất dầu lạc Phong Nha; miến gạo Sông Son; măng tây Hòa Trạch; tinh dầu sả Nam Trạch; dê núi Xuân Trạch; trà túi lọc trà gai leo Sơn Lộc.

Điển hình như để xây dựng “Chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh và chế biến miến gạo Sông Son”, HTX sinh thái Sông Son, xã Mỹ Trạch được Nhà nước hỗ trợ 507 triệu đồng. Đến nay, HTX đã liên kết với 20 hộ trồng lúa nguyên liệu với diện tích 15ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Với chuỗi liên kết này, nông dân được hỗ trợ 50% giá giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật, ứng vật tư sản xuất… HTX ký cam kết mua toàn bộ lúa của bà con, với thời gian 3 năm, giá cao hơn 15% so với giá thị trường. Hiện, các sản phẩm của HTX đều được tiêu thụ, trong đó một số sản phẩm còn xuất khẩu sang Thái Lan, Lào.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bố Trạch cho biết: Với nhiều lợi ích, hiệu quả khi tham gia liên kết “bốn nhà” nên nông dân rất hăng hái sản xuất.

Tương tự, thị xã Ba Đồn đã thực hiện 4 chuỗi liên kết gồm: Tỏi Ba Đồn, ruốc Nhân Thọ, lúa, gạo Quảng Hòa và đũa gỗ Quảng Thủy. Theo đó, thị xã đã hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng cho dự án để mua giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; chuyển giao kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ kinh phí xây dựng hồ sơ, quản lý, nghiệm thu dự án…

Các sản phẩm của chuỗi gồm: Tỏi khô thành phẩm, tỏi đen và rượu tỏi đen, gạo nguyên liệu DV 108, ruốc, nước mắm, mắm nêm đang được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận.

Ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn cho biết, thị xã đang tiếp tục khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân mở rộng sản xuất, tiêu thụ; tiếp tục tái cơ cấu ngành trồng trọt, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa bền vững.