Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục dân tộc

Lớp ghép hai trình độ, giải pháp hiệu quả ở vùng cao

PV - 17:58, 01/03/2022

Ðể bảo đảm quyền học của trẻ em vùng cao, nhất là tại các thôn, bản biên giới, nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Ðiện Biên đã duy trì mô hình lớp ghép bậc tiểu học. Mô hình lớp ghép tại bản đã góp phần quan trọng giúp học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số tự tin hơn khi về trường trung tâm học tập hoặc theo học các bậc cao hơn.


Thầy Lò Văn Chinh hướng dẫn học sinh lớp ghép 1 + 2 tại điểm bản Ma Lù Thàng làm bài tập
Thầy Lò Văn Chinh hướng dẫn học sinh lớp ghép 1 + 2 tại điểm bản Ma Lù Thàng làm bài tập

Trao đổi về mô hình lớp ghép bậc tiểu học, ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðiện Biên cho biết: Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có bảy huyện tổ chức mô hình lớp ghép bậc tiểu học, gồm: Ðiện Biên, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé có 231 lớp học ghép với 3.767 học sinh. Ðịa bàn duy trì lớp ghép là các bản vùng cao, biên giới, giao thông đi lại khó khăn; dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống thưa thớt; số học sinh cùng tuổi theo tiêu chuẩn mỗi lớp thường ít cho nên tổ chức lớp ghép là giải pháp tốt nhất được các trường vùng cao lựa chọn.

Thầy Hoàng Thanh Nghị, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Huổi Lèng (huyện Mường Chà) cho biết: Năm học này, trường có 1 điểm trường trung tâm, 5 điểm bản gồm 20 lớp với 427 học sinh; trong đó có hai lớp học ghép tại bản Ma Lù Thàng 2 và bản Huổi Lèng. Ðể bảo đảm chất lượng học tập của học sinh lớp ghép, Ban Giám hiệu nhà trường chủ động phân công giáo viên nhiệt tình, có chuyên môn, kinh nghiệm, tâm huyết làm chủ nhiệm lớp để giảng dạy, chăm sóc học sinh. Dù công việc vất vả hơn song các giáo viên chủ nhiệm lớp ghép luôn chủ động khắc phục, dành thời gian giảng dạy, chăm sóc học trò.

Thầy giáo Lò Văn Chinh, chủ nhiệm lớp ghép hai trình độ (1 và 2) tại điểm trường Ma Lù Thàng, đã quen với công việc "3 vai": cùng lớp dạy hai trình độ và kiêm cả nấu ăn cho học trò. Trò chuyện với chúng tôi, thầy Chinh cho biết: Ðể một buổi học của lớp ghép đạt chất lượng, đòi hỏi giáo viên phải sắp xếp thời gian phù hợp, liên tục đi lại trong lớp giảng, giao bài và kiểm tra bài, bảo đảm không nhóm nào trống thời gian trong buổi học. Cuối buổi học sáng, thầy Chinh lại tranh thủ nấu bữa trưa cho thầy và trò thế nên cứ việc này cuốn việc kia, thời gian với thầy cứ trôi vèo theo năm tháng. "Lớp ghép hai trình độ học hai buổi mỗi ngày, trong khi nhà các em lại xa cho nên tôi kiêm thêm việc nấu bữa trưa cho các em và kiêm cả việc hướng dẫn các em chải đầu, rửa mặt…", thầy Chinh vui vẻ cho biết thêm.

Mường Nhé là huyện có nhiều lớp ghép bậc tiểu học với tổng số 46 lớp, 699 học sinh. Ðây đều là lớp ghép hai trình độ (1 và 2), được tổ chức tại 46 điểm bản trong toàn huyện. Thầy Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện cho biết: Khác về lứa tuổi, học sinh lớp ghép còn khác nhau cả trình độ nhận thức. Chính vì thế, giáo viên chủ nhiệm lớp ghép cùng lúc phải chuẩn bị hai giáo án và phải nắm rõ lực học từng học sinh. Tuy nhiên, nhờ tâm huyết với nghề và tấm lòng yêu trẻ, các thầy cô giáo được giao chủ nhiệm lớp ghép ở huyện Mường Nhé đã vượt qua khó khăn, đem kiến thức dạy cho học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Toong số 1, hiện nay đang chủ nhiệm lớp ghép 1 và 2 ở điểm bản Nậm Hà, tâm sự: Học sinh đều là con hộ nghèo; bản không sóng điện thoại, xa trung tâm xã cho nên dạy lớp ghép ở đây nhiều khó khăn hơn các địa bàn khác. Hiểu được những khó khăn và hiểu cả mong ước được học chữ của học trò nghèo, chúng tôi luôn động viên nhau vượt qua, đem con chữ với niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng cho học trò và nhân dân nơi đây.

Hiểu rõ những khó khăn của hàng trăm giáo viên đang làm chủ nhiệm lớp ghép, thời gian qua, Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðiện Biên đã thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên đề bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho giáo viên dạy lớp ghép; hướng dẫn các trường có lớp ghép tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp cụm tạo cơ hội để giáo viên lớp ghép trao đổi kinh nghiệm, thảo luận phương pháp dạy học.

Ngoài ra, nhờ tâm huyết của đội ngũ giáo viên không quản gian khó "bám trường, bám lớp" và chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán với nhiều giải pháp đồng bộ từ Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðiện Biên, chất lượng giáo dục lớp ghép tại các trường trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên đã từng bước được nâng lên với tỷ lệ học sinh lớp ghép được chuyển lớp đều đạt 100%. Mô hình lớp ghép tại bản còn góp phần quan trọng giúp học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số tự tin hơn khi về trường trung tâm học tập hoặc theo học các bậc cao hơn.

Tin cùng chuyên mục
Lớp xóa mù đặc biệt của đồng bào Xtiêng

Lớp xóa mù đặc biệt của đồng bào Xtiêng

Một lớp học đặc biệt dành cho đồng bào Xtiêng ở tỉnh Bình Phước được khai giảng vào cuối tháng 7/2023. Lớp học có 35 “học sinh”, người lớn tuổi nhất lớp là 65 tuổi, nhỏ nhất 12 tuổi. Ấn tượng trong lớp học này là có nhiều cặp “học sinh” là hai bà cháu, hai cha con, hai mẹ con, hai anh em. Đến với lớp học, những "học sinh" này chỉ mong ước một điều đơn giản là biết đọc, biết viết...