Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Dạy chữ trên đỉnh Phơ Rơ Lang

Trần Cao Anh - 16:24, 27/10/2021

Chúng tôi có dịp đến điểm Trường Tiểu học Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, Gia Lai), vào một ngày trung tuần tháng 10/2021. Chứng kiến, các giáo viên phải thức dậy từ 5h sáng, vượt nhiều dốc cao để mang con chữ đến với các em học trò ở vùng cao càng cảm phục tinh thần "tất cả vì học sinh thân yêu" của những thầy cô cắm bản.

Đường đến các điểm trường lẻ trên địa bàn xã Lơ Pang
Đường đến các điểm trường lẻ trên địa bàn xã Lơ Pang (Ảnh minh họa)

Để lên thăm điểm Trường thôn Lơ Pang, chúng tôi xuất phát từ Trường Tiểu học xã Lơ Pang từ lúc 6h30 sáng, qua hai con suối thì đến một dốc núi cao dựng đứng, phải ngước mắt lên cao mới nhìn hết con đường mòn dài hun hút dẫn lên đỉnh núi.

Con đường lên thôn Lơ Pang chỉ rộng 1m, một bên là vực thẳm rất nguy hiểm. Con đường này bất kể mùa nắng hay mưa đều sình lầy, trơn trượt do mạch nước ngầm từ trong núi chảy ra. Dọc đường lên điểm trường, thầy Lê Văn Hiệp (giáo viên chủ nhiệm lớp 3 - quê Bình Định) thỉnh thoảng lại phải dựng xe máy vào lề đường để giúp hai cô giáo đi cùng là Thái Thị Hòa và Nguyễn Thị Hân đẩy xe vượt núi. Thầy Hiệp cho biết: “Trước kia, khi mới đi trên con đường này, mình bị ngã liên tục, giờ thì đã có kinh nghiệm hơn, khi lên dốc hay xuống dốc mình đều gài xe số 1 để xe chạy từ từ, không được thắng gấp, không nhìn xuống vách núi khi đi xe”.

Sau hơn 2 giờ vật lộn với cung đường đất, chúng tôi vượt qua một con dốc, làng Lơ Pang đã hiện ra trước mắt. Ngôi làng nằm chơi vơi trên một dãy núi hình thang, được gọi là núi Phơ rơ Lang

Tiếp chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Đắc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lơ Pang cho biết, điểm trường bản Lơ Pang có hơn 100 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5, là con em đồng bào dân tộc Ba Na. Ở đây có 4 giáo viên, được điều động từ Trường mầm non Lơ Pang và điểm chính Trường tiểu học xã Lơ Pang về. Đồng cảm với các giáo viên khi phải vất vả lên làng Lơ Pang dạy chữ, sau mỗi năm học, trường lại luân chuyển các giáo viên khác lên thay. Học sinh ở đây còn nhiều vất vả, học lực yếu nhưng các em đều ngoan, lễ phép và rất quý thầy cô.

Lễ khai giảng trực tuyến năm học 2021 - 2022 tại Trường Tiểu học Lơ Pang
Lễ khai giảng trực tuyến năm học 2021 - 2022 tại Trường Tiểu học Lơ Pang

Cô Thái Thị Hòa (SN 1987, giáo viên mầm non, quê Nghệ An) thông tin thêm, đây là lần thứ 2 cô lên dạy ở bản Lơ Pang, lần đầu cách đây 5 năm. Điểm trường ở trên núi nên vào thứ hai hằng tuần, các giáo viên phải chuẩn bị mang thức ăn, lương thực dự trữ cho cả tuần, đến chiều thứ sáu mới xuống núi về nhà. Nhiều khi hết gạo, giáo viên phải vào làng nhờ người dân trợ giúp. Ở đây không có sóng điện thoại nên nhớ chồng, nhớ con cũng chỉ biết để trong lòng.

Giáo viên lên dạy tại điểm trường Lơ Pang cũng phải “đa năng”, từ dạy nhạc, mỹ thuật đến làm đồ dùng dạy học cho các em học sinh mầm non. Nhưng điều cô Hòa lo nhất là tình trạng tảo hôn ở đây vẫn phổ biến, dẫn tới hệ lụy làm giấy khai sinh cho con trẻ rất khó khăn. Cũng từ đó mà nhiều em không được hưởng các chế độ, chính sách ưu tiên của Nhà nước.

Cô giáo Nguyễn Thị Hân (37 tuổi, giáo viên dạy hai lớp ghép 1- 4) cho biết: Ở thôn Lơ Pang, cha mẹ thường mang con đi theo để làm rẫy, giáo viên đi vận động phụ huynh cho con em đến lớp phải tìm lên rẫy lúc tờ mờ sáng hoặc đến nhà vào buổi tối. Nhờ biết được tiếng Ba Na nên khi cô Hân vận động, phân tích các phụ huynh đã rất đồng tình. “Nên cho con đi học cái chữ để hiểu biết nhiều hơn, biết cách trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả hơn”, cô Hân giải thích.

Dẫu rằng trên con đường học tập đối với các em học sinh dân tộc Ba Na ở điểm Trường thôn Lơ Pang vẫn còn gian nan, thế nhưng với tình yêu và trách nhiệm của những giáo viên cắm bản như cô Hòa, cô Hân, thầy Hiệp đang từng bước giúp các em vượt qua khó khăn, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.