Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Lớp học đặc biệt nơi biên viễn

PV - 11:11, 16/05/2018

Mặt trời vừa khuất núi, bà con đồng bào DTTS vùng biên viễn Thuận An, huyện Đăk Mil (Đăk Nông), tạm gác công việc nương rẫy về chuẩn bị đến lớp học xóa mù.

Hơn 7h tối, điểm trường bon Sa Pa sáng rực ánh đèn, tiếng đọc bài của những học viên lớn tuổi vang xa trong không gian tĩnh lặng của màn đêm biên giới. Thầy giáo trong quân phục màu xanh nhẹ nhàng xưng hô với học sinh bằng hai chữ “bà con” khiến lớp học càng ấm áp hơn.

Đại úy Lang Văn Năm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Thuận An, cho biết: Thuận An là xã biên giới có đông đồng bào DTTS sinh sống, chủ yếu dân tộc M’nông cuộc sống còn nhiều khó khăn, đặc biệt nhiều bà con không biết chữ. Đầu năm 2017, Đồn biên Phòng Thuận An phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Mil mở lớp học xóa mù, vận động bà con đi học để bà con hiểu được giá trị của việc biết chữ.

Thầy và trò trong lớp học đặc biệt. Thầy và trò trong lớp học đặc biệt.

 

Nhà chị H’ri ở bon Sa Pa, cách trường hơn chục cây số nên hôm nào chị và con trai út tròn 5 tuổi cũng đi sớm và đến lớp học đầu tiên. Đôi tay chai sần, khô cứng qua bao tháng ngày lao động nay miệt mài luyện chữ còn ngượng ngùng đưa từng nét. Chị H’ri chia sẻ: Trước đây, lên xã làm giấy tờ gì mình cũng lăn tay điểm chỉ, hoặc phải nhờ người viết hộ, bón phân nhưng không biết tên là gì, nông sản thu được bao nhiêu, bán được bao nhiêu tiền cũng không rõ… nên hay bị “bắt nạt”.

Biết bộ đội mở lớp xóa mù chữ, mấy đứa con mình nhất quyết bắt mẹ đi học, mỗi ngày một đứa thay phiên nhau đưa mẹ đến lớp, rồi ngồi ngoài chờ mẹ đến hết buổi học. Mới hơn 1 tuần, H’ri đã tự viết được tên mình. “Viết được tên mình cảm giác thích thú lắm, thấy mình trẻ lại như hồi lên 9 lên 10 được đến trường học chữ. Nghĩ đến việc nay mai, mình không phải điểm chỉ giấy tờ, đọc được cả sách báo, hợp đồng mua bán hay vay vốn ngân hàng để chăm sóc cây trồng đúng cách mà thấy phấn khởi”.

Gửi con nhỏ cho bà ngoại, vợ chồng anh Y Nhót và chị H’Brú cùng nhau đến lớp học. Anh Y Nhót may mắn được học chữ tại lớp xóa mù này từ hơn 5 năm trước, nhưng vợ thì chưa được đi học nên khi lớp xóa mù chữ được mở lại, anh Nhót đăng ký cho vợ tham gia ngay. Sợ vợ ngại, Y Nhót xin đi học chung rồi ngồi cùng bàn với vợ để tiện cho việc chỉ bài. Chị H’Brú kể: Lúc mới đi học, chúng tôi đều rất nhát và ngại phát biểu, nhưng bây giờ ai cũng tự tin, mạnh dạn, xung phong lên bảng. Giờ tôi đã biết đọc, biết viết và còn dạy được cho đứa con 4 tuổi ở nhà nữa.

Học viên lớn tuổi nhất lớp là Y Hương, hơn 50 tuổi. Mặc dù việc tiếp thu chậm hơn những thành viên khác, nhưng điều đó không khiến ông nản chí mà lại là động lực để chú cố gắng. “Điều mình sướng nhất khi đi học là được cử làm lớp trưởng, con trực tiếp dẫn đến lớp học mỗi tối và không phải xấu hổ khi con hỏi bài như trước nữa…”, ông Y Hương chia sẻ.

Theo Đại úy Lang Văn Năm, ban đầu vận động bà con đi học cũng khó khăn lắm; nhiều người cho rằng, già rồi còn học hành gì nữa. Nhưng bộ đội rồi giáo viên, chính quyền địa phương thay nhau vận động, khuyên nhủ nên dần dần đến lớp ngày một đông hơn. Mặc dù tiếng đọc còn lơ lớ, chưa tròn vành rõ chữ nhưng ai cũng háo hức. Toàn bộ đều được miễn học phí, lại được trang bị thêm đồ dùng học tập, bà con vui vẻ, nhiệt tình đi học lắm. Nhiều học viên còn đưa cả con, chồng đến lớp nữa, nên lớp học lúc nào cũng chật kín người.

Đại úy Năm cho biết thêm, lớp xóa mù học vào buổi tối, 4 buổi mỗi tuần bắt đầu từ 19h đến 21h tại điểm trường bon Sa Pa của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Mục đích chính của lớp học trước tiên sẽ giúp bà con biết đọc, biết viết, biết tính toán và sau đó là biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao dân trí và làm giàu trên mảnh đất biên giới.

Cô Trần Thị Mai, giáo viên đứng lớp cho biết: để lớp học đạt hiệu quả, chúng tôi lồng ghép vào buổi học các hoạt động vui chơi, văn nghệ và phương pháp giảng dạy gần gũi với các học viên. Để học viên tiếp thu tốt hơn, lớp học còn có thêm một lực lượng hỗ trợ nữa là người phiên dịch tiếng dân tộc, khi giáo viên giảng bài trên bục, dưới lớp người hỗ trợ dịch. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, 100% học viên đã nhận được mặt chữ, đánh vần và thực hiện các phép tính đơn giản.

Ngoài việc mở lớp xóa mù, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An luôn luôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp dân phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2017, Đồn đã tặng 15 con bò cho hộ nghèo nuôi luân phiên, nhận đỡ đầu nhiều học sinh tới trường.

QUỐC PHONG - LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.