Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Lớp học miễn phí của cô giáo Rmah H’Blao

PV - 14:35, 24/04/2018

Nhiều năm rồi chẳng ai còn nhớ rõ lớp học ấy bắt đầu như thế nào, chỉ biết rằng khi những tiếng ê a vang lên trong căn nhà nhỏ ở làng Chao Pông, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh (Gia Lai) của lũ trò nghèo thì người làng mới biết.

Rmah H’Blao, cô giáo 30 tuổi người Jrai bé nhỏ và tật nguyền dựng nên lớp học miễn phí ấy, cho lũ trẻ trong làng có thể đến học bất cứ lúc nào.

Lâu rồi, nhưng người làng vẫn còn nhớ Rmah H’Blao năm lên 3 tuổi sau một trận sốt đã bị teo cơ chân. Hồi ấy y tế còn hạn chế, nên đôi chân của Rmah H’Blao cứ teo dần, teo dần cho đến một ngày không đứng thẳng được nữa. Gần 30 năm trời vật vã với căn bệnh teo cơ, cũng là chừng ấy thời gian Rmah H’Blao chiến đấu và vượt qua bản thân mình, vượt qua nỗi mặc cảm tật nguyền, vượt qua cả ánh mắt của mọi người. Thế nhưng chỉ buồn một nỗi do sức khỏe yếu, lại phải học xa nhà H’Blao đã phải nghỉ học, khi ước mơ có tấm bằng cử nhân sư phạm còn dang dở.

Rmah H’Blao trong lớp học miễn phí của mình. Rmah H’Blao trong lớp học miễn phí của mình.

 

Nhưng rồi, như ngọn lửa chưa bao giờ bị dập tắt, như loài xương rồng vẫn vươn mình lên giữa nắng gió và cát bỏng, Rmah H’Blao nuôi lại niềm đam mê đứng lớp của mình bằng lớp học có một không hai ở mảnh đất này: Lớp học miễn phí của cô giáo tật nguyền. Lớp học ấy là một căn phòng của gia đình, được dành riêng cho Rmah H’Blao dạy học mỗi ngày. “Làng mình còn nghèo vì lo kiếm ăn từng bữa nên các bậc phụ huynh ngày đêm ở trên rẫy, không có thời gian chăm sóc, lo việc học cho con, các em học hành không tiến bộ, thấy thương các em nên tôi đã có ý định mở lớp học tình thương, dạy học miễn phí cho các em. Tôi muốn dành tình yêu thương để san sẻ, muốn truyền dạy kiến thức để các em học tập tốt hơn”, Rmah H’Blao ngậm ngùi khi kể lại những ngày tháng ấy.

Lớp học miễn phí của Rmah H’Blao bây giờ đã được 7 năm, học sinh ở đây đều là người DTTS, tuổi từ lớp 1 đến lớp 5 và có cả học sinh 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Đó là lớp học tổng hợp với 48 em học sinh chia làm hai ca học sáng và chiều. Để các em có thể tiếp thu bài một cách tốt nhất, H’Blao đã chia lớp học thành từng nhóm, theo từng độ tuổi, những học sinh học ở trường buổi sáng cô sẽ kèm ở nhà buổi chiều, những em học sinh học ở trường buổi chiều cô lại kèm buổi sáng. Rmah H’Blao đặc biệt chú trọng dạy cho các em cách đọc thông viết thạo tiếng Việt và biết làm toán. Với sự truyền dạy nhiệt tình từ cô giáo H’Blao cộng thêm sự nỗ lực của bản thân, các em dần tiến bộ, có em đạt học sinh giỏi và học sinh tiên tiến của trường.

Em Kpă H’Nhân học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Phang) học lớp miễn phí của cô H’BLao từ lớp 1, ngoài buổi học trên trường em cũng thường xuyên đến lớp học của cô H’Blao học thêm cô dạy cho em viết từng chữ, hướng dẫn cách đọc tiếng Việt, cách làm toán.

Trưởng thôn Kpăh Djhueng thì hồ hởi: Nhờ cô giáo Rmah H’Blao mà học sinh trong thôn đến lớp đều đặn, học hành tiến bộ lắm. Cô giáo Rmah H’Blao làm người làng mình tự hào. Dù khó khăn nhưng cô Rmah H’Blao vẫn luôn vượt qua, không chỉ mang cái chữ cho học sinh mà còn dạy cả cách sống cho con em người Jrai mình nữa!.

Với những đóng góp âm thầm của mình, vừa qua Rmah H’Blao đã được ông Lê Quang Thái, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh (Gia Lai) tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào dạy học cho học sinh nghèo. Cùng với đó, Rmah H’Blao cũng vừa được Tỉnh đoàn tặng Bằng khen gương người tốt việc tốt tháng 3. Đó là niềm vinh dự của Rmah H’Blao, cũng là sự tri ân với những đóng góp âm thầm của bông hoa núi tật nguyền này với các em học sinh, với sự nghiệp giáo dục, với sự phát triển của địa phương…

MINH NGỌC - PHAN LÊ

Tin cùng chuyên mục
Nữ sinh người Thái đạt điểm cao có nguy cơ bỏ lỡ đại học vì nhà nghèo

Nữ sinh người Thái đạt điểm cao có nguy cơ bỏ lỡ đại học vì nhà nghèo

Mặc dù gia cảnh nghèo khó, nữ sinh Hà Khánh Ly, dân tộc Thái, ở bản Páng, xã Phú Thanh, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) vẫn chăm chỉ học tập và đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Em có nguy cơ bỏ lỡ ước mơ vào đại học vì không có điều kiện đến trường.