Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Luật Đất đai phải có tầm nhìn xa, sức sống lâu dài, khả thi

PV - 15:15, 24/02/2023

Chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở khu vực Bắc Trung Bộ tổ chức tại TP. Đồng Hới, Quảng Bình sáng 24/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) sát thực tiễn, giải quyết được các vướng mắc ở địa phương, đồng thời đặt ra nhiều chính sách có tầm nhìn xa, sức sống lâu dài, khả thi, giải phóng được nguồn lực đất đai.

Luật Đất đai phải có tầm nhìn xa, sức sống lâu dài, khả thi - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Phải tháo gỡ khó khăn, tạo chính sách phù hợp, phát huy nguồn lực đất đai, bảo đảm Luật Đất đai (sửa đổi) khi ban hành có sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác, người dân có thể hiểu được, thực hiện được - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo, đại diện các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Phú Yên; lãnh đạo, đại diện các Bộ: TN&MT, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, KH&ĐT, NN&PTNT; các Uỷ ban: Kinh tế, Pháp luật của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Thể chế hoá tốt để chính sách đi vào cuộc sống

Phó Thủ tướng nêu rõ Quốc hội, Chính phủ xác định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách hiệu quả nhất là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) sát thực tiễn, giải quyết được các vấn đề vướng mắc ở địa phương, đặt ra nhiều chính sách có tầm nhìn xa, sức sống lâu dài, khả thi, giải phóng được nguồn lực đất đai.

Với tinh thần từ thực tiễn, xuất phát từ những công việc đã triển khai và tầm quan trọng của nguồn lực đất đai, Phó Thủ tướng đề nghị các ý kiến đi thẳng vào từng chương, điều mục, điều khoản.

"Có chính sách đúng nhưng thể chế hoá không tốt thì chính sách không đi được vào cuộc sống. Như vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hoá đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng về đất đai hay chưa?", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh yêu cầu phải tháo gỡ khó khăn, tạo ra chính sách phù hợp, phát huy nguồn lực đất đai, bảo đảm Luật Đất đai (sửa đổi) khi ban hành có sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác, người dân có thể hiểu được, thực hiện được.

Phó Thủ tướng gợi ý các đại biểu một số vấn đề cụ thể cần trao dổi, góp ý sâu hơn nữa, để đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như các công cụ quản lý hiệu quả để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thứ nhất là phải làm rõ, cụ thể về khái niệm, chủ thể "Nhà nước", "toàn dân" để từ đó quy định quyền hạn, trách nhiệm, phân cấp thẩm quyền về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đai một cách hợp lý, trong đó cần hết sức lưu ý vai trò chính quyền ở cấp xã, phường.

Thứ hai là đánh giá tính đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống quy hoạch đất đai với quy hoạch các ngành, địa phương theo quy định trong dự thảo Luật.

Thứ ba là tính khả thi, toàn diện của các quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về thu thập, xây dựng dữ liệu giá đất, khuyến khích người dân công khai giá đất giao dịch… nhằm khắc phục tình trạng định giá đất đang rất chậm trễ ở các địa phương dù đang có tới 5 phương pháp định giá đất.

Thứ tư là các chính sách về thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư trong dự thảo Luật đã phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ được những khó khăn trong thực hiện chuyển dịch đất đai, từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch đến đâu, còn vấn đề gì cần đẩy mạnh hơn nữa như tách khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư thành những dự án riêng nhằm triển khai đồng bộ với dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Luật Đất đai phải có tầm nhìn xa, sức sống lâu dài, khả thi - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương đóng góp các ý kiến sát với thực tiễn, nhất là những vấn đề đang đặt ra, có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý, đất đai - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng chia sẻ vừa qua, khi ông cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam, nhiều địa phương đã làm rất tốt công tác tạo quỹ đất, xây dựng khu tái định cư đồng thời với thi công tuyến đường nên người dân rất phấn khởi, ủng hộ. "Từ một con đường đã hình thành một khu đô thị mới có hạ tầng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại", Phó Thủ tướng nói và mong muốn các địa phương tiếp tục chia sẻ, nhân rộng những kinh nghiệm, cách làm hay.

Bên cạnh đó, các ý kiến cần đóng góp về những chính sách mới đặt ra như: Sử dụng đất đa mục tiêu, hình thức hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm, tập trung đất nông nghiệp sản xuất quy mô lớn, quản lý đất có mặt nước ven biển và đất lấn biển…

Lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế kiến nghị bổ sung đối tượng được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp từ các hộ gia đình, mở rộng đối tượng cho thuê đất sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; phương pháp xác định giá đất cụ thể, minh bạch, dễ thu thập dữ liệu đầu vào, tính đúng, tính đủ, không làm thất thu ngân sách; tháo gỡ vướng mắc trong phát triển quỹ đất sạch để cho thuê đất thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh không qua đấu giá, xây dựng trước các khu tái định cư nhằm rút ngắn thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án;…

Đề cập đến những khó khăn trong việc định giá đất khi giao đất cho dự án nên có tình trạng giao đất cho dự án hằng năm nhưng chưa định giá đất, gây nguy cơ thất thu ngân sách, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đồng tình với quy định trong dự thảo Luật về thời hạn cụ thể xác định giá đất khi giao đất cho dự án. "Tuy nhiên, các quy định phải thống nhất, rõ ràng, đồng bộ với các quy định, pháp luật liên quan, tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện", ông Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định để việc xây dựng bảng giá đất địa phương sát nhất với giá thị trường, bảo đảm quyền lợi của người dân, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo, qua nhiều lần tiếp thu, giải trình, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã điều chỉnh, giải quyết được rất nhiều vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn về thẩm quyền giao đất, thu hồi đất, căn cứ định giá đất, cho thuê đất hằng năm theo hướng mở rộng phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể…

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Ngân, đại diện các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Xây dựng đã trao đổi trực tiếp về một số vấn đề, vướng mắc cụ thể trong công tác quản lý đất đai được các địa phương nêu ra tại hội nghị về định giá đất, giao thuê đất; góp ý vào những điều khoản, thuật ngữ, quy định mới cần điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm tương thích với các luật liên quan…

Luật Đất đai phải có tầm nhìn xa, sức sống lâu dài, khả thi - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo cho biết qua nhiều lần, tiếp thu, giải trình, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã điều chỉnh, giải quyết được rất nhiều vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng; triển khai khẩn trương, nghiêm túc

Đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng công tác lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng công tác lấy ý kiến đang được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, xuống đến khu phố, khu dân cư, sát với từng đối tượng, để ghi nhận sự đánh giá, phản biện, góp ý của từng người dân, tổ chức. Nhiều bộ ngành cũng tổ chức lấy ý kiến sát với tinh thần của Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ…

"Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp cho đến tận người dân; nhiều bộ ngành cũng hết sức quan tâm, triển khai lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, ngành dọc… một cách thực chất, khoa học, dân chủ, tập hợp trí tuệ rộng rãi của nhân dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý. Đây là hoạt động, sự kiện trung tâm pháp lý của Quốc hội, Chính phủ trong nhiệm kỳ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Luật Đất đai phải có tầm nhìn xa, sức sống lâu dài, khả thi - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong phát triển quỹ đất sạch ở các địa phương - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Theo Phó Thủ tướng, những ý kiến đóng góp sát với thực tiễn, những vấn đề đang đặt ra, có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý, đất đai tại địa phương như phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, hệ thống chính trị cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân trong sở hữu đất đai và cần tăng cường tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng đắn về vấn đề này, đồng thời, bảo đảm sự thống nhất trong các luật về tổ chức Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương… với Luật Đất đai nhằm xác định rõ trách nhiệm của các cấp quản lý, trên cơ sở đó thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Bên cạnh mối quan hệ giữa quy hoạch đất đai với các quy hoạch tổng thể, quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương bảo đảm sự phối hợp thống nhất, Phó Thủ tướng cho rằng phải giải quyết mối quan hệ kế hoạch sử dụng đất đai giữa cấp tỉnh (5 năm) với cấp huyện (thực hiện hằng năm), giữa cấp huyện với cấp xã, làm cơ sở phân bổ chỉ tiêu đất đai.

Về vấn đề định giá đất, Phó Thủ tướng lưu ý phải xác định trong điều kiện ổn định bình thường với những cơ chế thu thập dữ liệu giao dịch đất đai thường xuyên, kế thừa các phương pháp định giá cụ thể khác như so sánh, thặng dư, hiệu quả kinh doanh, định giá đất theo hệ số... "Cần có nghiên cứu cơ bản để có bức tranh đầy đủ về phương pháp định giá đất, nhằm hài hoà, điều tiết lợi ích giữa các khu vực; có cơ chế kiểm soát hiệu quả về chính sách giá đất, hỗ trợ, đền bù để bảo đảm quyền lợi của người dân", Phó Thủ tướng nói.

Ghi nhận các ý kiến về công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư, Phó Thủ tướng cho rằng chuyển đổi đất đai song hành với chuyển đổi kinh tế, mục tiêu là mỗi dự án khi triển khai thì các chủ thể liên quan phải được hưởng lợi, trong đó người dân phải có mức sống, sinh kế tốt hơn.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng trao đổi và yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến về phương thức tạo quỹ đất sạch; công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc, thiểu số, các tổ chức, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng…

Luật Đất đai phải có tầm nhìn xa, sức sống lâu dài, khả thi - Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tăng cường đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về việc triển khai lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương hết sức đa dạng, kỹ lưỡng, bài bản, sâu rộng, toàn diện, thiết thực - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Bên cạnh việc tổ chức nhiều hình thức tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về việc triển khai lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương hết sức đa dạng, kỹ lưỡng, bài bản, sâu rộng, toàn diện, thiết thực. Qua đó  đánh giá năng lực tiếp thu, lắng nghe ý kiến, trí tuệ của nhân dân; đồng thời quán triệt, phổ biến chủ trương của Đảng thông qua Nghị quyết 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".


Tin cùng chuyên mục
Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Ghi nhận những nỗ lực của tuổi trẻ ngành điện trong thời gian qua, tại chương trình Tổng kết chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè gắn với lễ kỷ niệm 10 năm “Thanh niên tình nguyện” và kỷ niệm 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tỉnh đoàn Kon Tum đã khen thưởng 01 tập thể và 01 cá nhân thuộc Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum về thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024.