Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Luật hóa phòng thủ dân sự trong tình hình mới

Hoàng Thanh - 15:42, 24/01/2023

Tăng cường công tác bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, Bộ Quốc phòng đã chủ trì xây dựng và Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS). Nhân dịp chào đón Xuân Quý Mão 2023, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Soạn thảo Luật Phòng thủ dân sự quốc gia đã có những chia sẻ đầu năm mới với bạn đọc Báo Dân tộc và Phát triển một số nội dung liên quan đến Dự án Luật này.

(BÁO TẾT) Luật hóa phòng thủ dân sự trong tình hình mới

Thưa Trung tướng, Trung tướng có thể cho biết một số dấu ấn nổi bật về công tác PTDS trong năm 2022?

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình: PTDS là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Mục tiêu là bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, với phương châm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống Nhân dân.

Trong năm 2022, công tác PTDS được nâng lên tầm cao mới khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 về PTDS đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Theo đó, Bộ Quốc phòng đã tham mưu, xây dựng dự án Luật PTDS, để Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra trong tháng 11/2022.

Vì sao phải cần thiết xây dựng, ban hành Luật PTDS, thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình: Việc ban hành Luật PTDS là bước cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và Luật Quốc phòng (sửa đổi) năm 2018. PTDS là một nội dung của nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc; vì vậy, cần được thể chế hóa thành pháp luật. Hơn nữa, các quy định về PTDS liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải được quy định bằng văn bản luật để bảo đảm nguyên tắc hiến định.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ các biện pháp ứng phó theo cấp độ PTDS dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Vì vậy, việc ban hành Luật PTDS là cần thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng thủ đất nước.

Trung tướng vừa nhắc đến cấp độ PTDS, vậy cấp độ PTDS là gì, nội hàm có gì khác so với cấp độ rủi ro trong các luật chuyên ngành hiện hành, thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình: Cấp độ PTDS được hiểu là mức độ các biện pháp mà các cấp chính quyền, lực lượng PTDS và người dân áp dụng trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; đây cũng là cơ sở để xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố.

Cũng từ nội hàm này cho thấy sự khác nhau cơ bản giữa cấp độ PTDS và cấp độ rủi ro do sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Mức độ rủi ro do sự cố, thiên tai, dịch bệnh do các luật chuyên ngành công bố là yếu tố mang tính khách quan; còn cấp độ PTDS là yếu tố mang tính chủ quan, là các biện pháp ứng phó với thảm họa xảy ra trên địa bàn quản lý. Do đó, thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ PTDS trong dự thảo Luật PTDS so với các luật chuyên ngành không chồng chéo và bảo đảm tính khả thi.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình kiểm tra, động viên tổ bay và lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Trung đoàn 930
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình kiểm tra, động viên tổ bay và lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Trung đoàn 930

Vì sao phải phân định cấp độ PTDS, thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình: Việc xác định cấp độ PTDS là nhằm phân công, phân cấp chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố. Do đó, các cấp chính quyền phải chủ động nắm bắt thông tin kịp thời từ sớm, từ xa về thảm họa, sự cố và đặc biệt đánh giá đúng khả năng ứng phó tại chỗ để xác định các cấp độ PTDS phù hợp; kịp thời ban bố, cấp độ PTDS theo thẩm quyền.

Việc phân định cấp độ phòng thủ dân sự và phân cấp thẩm quyền giúp cho công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa, sự cố được chủ động, linh hoạt, không quá sớm mà dẫn đến lãng phí nguồn lực nhưng cũng không quá muộn để nâng cao hiệu quả các biện pháp ứng phó.

Theo Dự thảo Luật, thì cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PTDS là tổ chức phối hợp liên ngành; Trung tướng có thể cho biết rõ hơn?

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình: Dự thảo Luật quy định hợp nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về PTDS, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT và Ủy ban Quốc gia Ứng phó thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (ƯPTT&TKCN) thành Cơ quan chỉ đạo quốc gia PTDS. Cơ quan chỉ huy PTDS cấp bộ được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và Ban Chỉ huy PTDS cấp bộ. Cơ quan chỉ huy PTDS địa phương được thành lập ở các cấp chính quyền địa phương trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ huy PCTT & TKCN và Ban Chỉ huy PTDS địa phương. Điều này vừa bảo đảm tinh gọn bộ máy, vừa rõ ràng cơ quan đầu mối và phát huy được vai trò của cơ quan chủ trì phụ trách chuyên ngành, chuyên môn.

Nhân dịp đón năm mới 2023, qua Báo Dân tộc và Phát triển, Trung tướng có thêm ý kiến gì về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác tuyên truyền, giáo dục PTDS?

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình: PTDS là một bộ phận của phòng thủ đất nước, là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và mỗi người dân. Do đó, tuyên truyền, giáo dục về PTDS là một bộ phận của công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng, Nhà nước nhằm làm cho mọi người dân nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của PTDS, qua đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp trong ứng phó hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố.

Thông qua tuyên truyền giáo dục về PTDS, mỗi người dân được trang bị tri thức, giúp họ hiểu biết về nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Hơn nữa, việc tuyên truyền, giáo dục còn giúp mỗi người dân có kiến thức về phòng tránh, biết xử lý tình huống khi gặp tình huống thảm họa, sự cố ở các cấp độ khác nhau.

Trân trọng cảm ơn Trung tướng!