Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lưu Kiếm Xương và những tuyệt kỹ Lân-Sư-Rồng

Hà Đình Nguyên - 15:50, 20/09/2019

Nhắc đến Lân-Sư-Rồng tại TP. Hồ Chí Minh, ắt hẳn cái tên “Nhơn Nghĩa Đường” không phải là xa lạ. Mà điều đặc biệt hơn, đội Lân-Sư-Rồng này được thừa kế khá nhiều những tinh túy của một lớp võ sư đỉnh cao. Trong đó phải kể đến võ sư, Nghệ nhân Nhân dân Lưu Kiếm Xương.

Lưu Kiếm Xương và những tuyệt kỹ Lân-Sư-Rồng

Nhơn Nghĩa Đường biểu diễn múa Rồng.

Những tuyệt kỹ múa lân sư rồng

Võ sư Lưu Kiếm Xương sinh năm 1950 tại Chợ Lớn, chấp chánh trưởng môn Nhơn Nghĩa Đường từ năm 1971. Ông cho biết: những “tuyệt kỹ” đã đưa danh tiếng của Nhơn Nghĩa Đường lên đỉnh cao trong các đấu trường quốc tế về nghệ thuật múa Lân-Sư-Rồng, như: Sư tử hí cầu (Sư tử giỡn trái châu-Huy chương Đồng Giải Asean Indoor Games 2007 tại Macau-Trung Quốc): Chỉ trong 8-10 phút, hai người biểu diễn phải làm cho con sư tử đứng một chân rồi quay tròn 3600, nhào lộn không dưới 10 lần, và phải phối hợp nhịp nhàng với người cầm trái châu. Người múa đầu sư tử phải thể hiện được tình cảm qua hành động của con vật, ý niệm thần thái của cả 3 vận động viên đều phải rất ăn ý.

Lân lên Mai hoa thung (Lân nhảy múa, nhào lộn trên đầu các cây cột-Huy chương Bạc (HCB) năm 2010 tại Malaysia). Nhơn Nghĩa Đường từng biểu diễn Tứ Quý Hưng Long (4 con Lân lên Mai hoa thung-Kỷ lục Việt Nam tháng 1/2006): 4 con lân, mỗi con nhảy một kiểu khác nhau trên 4 dàn cột tạo thành hình chữ “Thập” (+). Đến động tác “out” (kết thúc) 4 con lân sẽ cùng “Chào” (tạo hình) trên cùng một cây cột cao nhất (tâm điểm).

Múa Lân tốc độ (Huy chương Đồng Giải Múa Lân quốc tế lần 5 tại Phước Kiến-Trung Quốc; HCB Giải Vô địch châu Á lần 3 tại Bali-Indonesia). Ngoài các tiết mục biểu diễn tập thể thì các môn sinh của Nhơn Nghĩa Đường cũng đem vinh quang về cho đoàn Lân này, như võ sư Lưu Hoán Phi (sinh năm 1977, trưởng nam của ông Lưu Kiếm Xương) biểu diễn màn Lân leo cột cao 15m tại sân vận động quận 8 (ngày 6/1/2005, xác lập Kỷ lục Việt Nam 2005).

Kỷ lục thứ hai cũng do môn sinh biểu diễn là Cổ vũ thăng bình thập nhị thời lệnh (một người cùng lúc đánh 12 chiếc trống với tên gọi: Chúc mừng một năm thái hòa thịnh vượng”), do Giang Thông Vũ Trí (19 tuổi-thời điểm năm 2005) thực hiện trong chương trình Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần 2 ngày 14/8/2005 tại Công viên du lịch văn hóa Suối Tiên.

Trong suốt hơn 40 năm qua (tính từ 1975), nhiều môn sinh của Nhơn Nghĩa Đường đi định cư ở nước ngoài và đã gầy dựng, phát triển bộ môn múa Lân-Sư-Rồng ở nhiều nước như: Mỹ, Úc, Pháp, Đức… Tất cả các đoàn Lân-Sư-Rồng hải ngoại này đều lấy tên là Nhơn Nghĩa Đường, nhằm nhắc nhớ nơi xuất phát của mình.

Đoàn Lân-Sư-Rồng Nhơn Nghĩa Đường.
Đoàn Lân-Sư-Rồng Nhơn Nghĩa Đường.

Lương y nghề võ

Trong căn nhà của võ sư Lưu Kiếm Xương (số 1068/14 Võ Văn Kiệt, quận 5-TP. Hồ Chí Minh), không chỉ là trụ sở của Nhơn Nghĩa Đường, mà còn là một phòng khám chuyên chữa trị các bệnh bong gân trật xương, gãy xương, sai khớp. Bệnh nhân của ông là bà con quanh vùng hoặc nghe tiếng tìm đến. Thậm chí có những người đi đường bị tai nạn (trặc tay, chân, vai…) bất ngờ, cũng được người khác đưa giúp đến nhờ ông chữa trị.

Một ngày ở nhà, ông tiếp không biết bao nhiêu bệnh nhân bằng các bài thuốc gia truyền, cao dán và rượu thuốc xoa bóp, các bài thuốc mà ông sử dụng trong luyện võ và chữa trị cho các học trò Lân-Sư-Rồng. Nhiều người kháo nhau rằng vị võ sư này chữa trị rất “mát tay” và những phương thuốc gia truyền của ông rất hiệu nghiệm. Điều thú vị nữa là nếu bệnh nhân không đủ tiền, ông cũng vui vẻ… cho qua! Đó là “tâm đức” của vị võ sư-lương y này.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.