Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Lý Sơn - Sôi động mùa du lịch

Đình Quang - 17:27, 03/04/2025

Tháng Ba, mùa trời êm biển lặng, mùa cá chuồn bay giỡn nước, mùa ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, cũng là mùa du lịch đẹp nhất trong năm.

Bình minh Lý Sơn
Bình minh Lý Sơn

Trước năm 1975, vùng quê biển Tịnh Kỳ của tôi bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cha tôi đã đưa tôi ra Lý Sơn để tránh bom đạn. Thế là tôi được sống trên hòn đảo này suốt bảy năm (từ 1968 đến 1975). Thời ấy, Lý Sơn nghèo lắm, người dân chủ yếu sống bằng hai nghề chính: đánh bắt hải sản xa bờ và trồng hành, tỏi. Ngư trường truyền thống của ngư dân Lý Sơn là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc ta.

Nhờ vào ngư trường đánh bắt truyền thống đó, hiện nay Lý Sơn có hàng trăm ngôi mộ gió, nhiều đình chùa, miếu mạo và di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn, gìn giữ, khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của đất Việt. Hằng năm, cứ đến rằm tháng Ba âm lịch, người dân huyện đảo lại tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, gợi nhớ những câu ca dao xưa:

Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có, mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng Ba khao lề thế lính Hoàng Sa
(Ca dao Quảng Ngãi)

Tháng Ba trở thành ngày hội của người dân trên khắp mọi miền đất nước hành hương về vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.

Hoàng hôn Lý Sơn
Hoàng hôn Lý Sơn

Du khách đến với Lý Sơn không chỉ khám phá những di sản Hoàng Sa, Trường Sa mà còn tìm hiểu về các hang động núi lửa hình thành từ hàng triệu năm trước, như: Hang Câu, Chùa Hang, Chùa Đục, Hồ chứa nước Thới Lới, Giếng Tiền, Cổng Tò Vò.

Tham quan Lý Sơn có hai điểm thời gian cần chú ý đó là: Buổi sáng mặt trời đi lên từ biển Mù Cu, buổi chiều ngắm hoàng hôn ở Cổng Tò Vò. Cắm trại, tắm biển thì chọn đảo bé An Bình là thú vị nhất. Bởi nơi đây có nguồn nước trong xanh, bãi cát trắng đẹp và nhiều thắng cảnh đá xếp thành những hình tượng trông rất đẹp mắt.

Du khách đã quen với đảo Lý Sơn, mỗi khi có dịp ra đảo thường chọn các món ẩm thực như: Rau câu xào tỏi, Cá tà ma, cá bù nú nấu canh rau thơm, cá chuồn, mực nướng, ốc cừ, ốc nón, cua Huỳnh Đế… Du lịch Lý Sơn tùy vào túi tiền chi tiêu mà chọn gói du lịch cho phù hợp. Du khách khá giả thì chọn nhà hàng khách sạn còn du khách thu nhập ít thì chọn hướng đi du lịch trải nghiệm homestay… Hiện nay, Lý Sơn đã có 114 cơ sở lưu trú, trong đó có 22 khách sạn, 41 nhà nghỉ, 46 homestay, 5 nhà trọ. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cũng ngày một chất lượng hơn.

Bến neo đậu tàu thuyền ở đảo
Bến neo đậu tàu thuyền ở đảo

Nhờ sự đầu tư đổi mới và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, những năm gần đây, lượng du khách trong và ngoài nước đến đảo Lý Sơn ngày càng tăng. Năm 2024, huyện đảo đã đón hơn 180.000 lượt khách, trong đó có hơn 2.100 lượt khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Riêng quý I năm 2025, đảo đã đón hơn 24.000 lượt khách, trong đó có hơn 847 lượt khách quốc tế tìm về với vùng đất được mệnh danh là Cù Lao Ré thân yêu.

Hiện tại, mùa du lịch Lý Sơn đang khởi động sôi động. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo đang chung tay cùng các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm hướng đột phá, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bãi tắm đảo bé An Bình, Lý Sơn
Bãi tắm đảo bé An Bình, Lý Sơn
Ruộng tỏi trên đảo Lý Sơn
Ruộng tỏi trên đảo Lý Sơn

Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động năm nay là Tuần lễ Du lịch Quảng Ngãi diễn ra từ ngày 11/4 đến 17/4/2025 với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, bao gồm: Trưng bày di sản Hoàng Sa - Bắc Hải, bơi vượt biển, lễ hội khinh khí cầu, Khao lề thế lính Hoàng Sa, hội đua thuyền truyền thống Tứ linh, lễ hội thời trang, âm nhạc đường phố, không gian văn hóa Hrê gắn với Di tích quốc gia đặc biệt – cuộc khởi nghĩa Ba Tơ...

Hy vọng rằng, sau sự kiện này, du lịch Lý Sơn - Quảng Ngãi sẽ vươn xa, trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Cầu tre, cầu khỉ - Ký ức một thời

Cầu tre, cầu khỉ - Ký ức một thời

Những cây cầu thô sơ như cầu tre, cầu khỉ, cầu dừa từng là dấu ấn không thể thiếu trong đời sống của người dân miền Tây Nam Bộ. Qua bao thăng trầm, những cây cầu ấy không chỉ là phương tiện giao thông mà còn trở thành biểu tượng văn hóa, in sâu trong ký ức của nhiều thế hệ.