Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lý Tùng Niên Một trụ cột trong dòng tranh thủy mặc

PV - 16:24, 04/03/2019

Trong số những họa sĩ thành danh người Hoa (bao gồm những người Việt gốc Hoa và Hoa kiều) sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh (chủ yếu ở khu vực Chợ Lớn), Lý Tùng Niên là một trong những bậc thầy về tranh thủy mặc theo phái Lĩnh Nam mang đậm dấu ấn phong cách, hồn cốt Trung Hoa truyền thống.

Lý Tùng Niên Tranh thủy mặc theo phái Lĩnh Nam của họa sĩ Lý Tùng Niên.

Theo tự bạch của họa sĩ Lý Tùng Niên, ông sinh tại Hạc Sơn, Quảng Đông (Trung Quốc), năm lên 7 tuổi thì theo cha mẹ sang Việt Nam sinh sống định cư tại Sài Gòn-Chợ Lớn.

Ông được trời phú về năng khiếu vẽ, nên ngay từ nhỏ đã được cha mẹ cho theo học hội họa của phương Tây. Mặc dù dấn thân đeo đuổi nền hội họa theo phong cách phương Tây hiện đại, song trong lòng ông luôn đau đáu trăn trở về nền hội họa truyền thống Trung Hoa, đặc biệt là dòng tranh thủy mặc phái Lĩnh Nam.

Năm tròn 30 tuổi, họa sĩ Lý Tùng Niên mới chính thức đắm mình vào dòng tranh thủy mặc trường phái Lĩnh Nam. Đây là một họa phái cách tân trong hội họa truyền thống Trung Hoa, được hình thành ở Quảng Đông (Trung Quốc) vào cuối đời Thanh, người sáng lập là Cao Kiến Phụ, Cao Kỳ Phong và Trần Thụ Nhân.

Đến với dòng tranh thủy mặc, họa sĩ Lý Tùng Niên như cá gặp nước, được thỏa thích vung cọ sáng tạo và không chỉ vẽ sơn thủy, hoa lá, chim muông thơ mộng, hữu tình mà còn mạnh dạn đưa cả những đề tài với cuộc sống đương đại rất đời thường, của những thân phận người dân lao động nhọc nhằn vào trong tranh.

Cá tính sáng tạo của ông mạnh mẽ tạo được dấu ấn sâu đậm qua từng nét cọ đậm, nhạt trong mỗi tác phẩm hội họa, với những đề tài vô cùng phong phú, sinh động, được bố cục thật hài hòa, tự nhiên và đầy biến ảo. Chính vì thế, mỗi bức vẽ của ông đều khiến người xem cảm nhận được những nỗi niềm ẩn chứa trong từng đường cọ, từng mảng màu.

Họa sĩ Lý Tùng Niên luôn quan niệm, với nghệ thuật, mỗi tác phẩm hội họa phải hội đủ “chân, thiện, mỹ” và với nghề phải “kính nghiệp lạc quần”. Ông lý giải, họa sĩ vẽ tranh thủy mặc dù theo trường phái nào thì cũng phải toát lên, đạt được ba yếu tố căn bản đó là “hình, thần, ý” và khi vẽ cũng giống như người tu tâm, dưỡng tính vậy.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật tranh thủy mặc trường phái Lĩnh Nam, ngoài đam mê sáng tác, ông còn là một trong những thành viên tích cực tham gia giảng dạy đào tạo đội ngũ họa sĩ người Hoa kế thừa dòng tranh thủy mặc trường phái Lĩnh Nam tại Câu lạc bộ Mỹ thuật quận 5 và Hội quán Tuệ Thành (Chợ Lớn, TP. Hồ Chí Minh). Ông và một số đồng nghiệp của mình đã khởi xướng thành lập ra Nam Tú Nghệ Uyển để mở các lớp dạy thư pháp và hội họa.

Nhiều thế hệ học trò người Hoa vì ngưỡng mộ tài năng, đức độ của ông mà tìm tới tận nhà thụ giáo. Không ít người đã trở thành những họa sĩ tranh thủy mặc trường phái Lĩnh Nam nổi tiếng, trong số ấy có người bạn đời của ông là nữ họa sĩ Diệc Ánh Nga.

Theo đánh giá của giới mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh nói chung, người Hoa nói riêng, họa sĩ Lý Tùng Niên thực sự là một trụ cột về dòng tranh thủy mặc trường phái Lĩnh Nam ở Việt Nam hiện nay. Những cống hiến của ông trong sáng tạo, trong gìn giữ bảo tồn, trong đào tạo các thế hệ họa sĩ kế thừa về dòng tranh thủy mặc trường phái Lĩnh Nam đã được Hội Nghệ thuật Dân gian Việt Nam ghi nhận, trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” và trở thành họa sĩ tranh thủy mặc đầu tiên nhận được danh hiệu này.

LƯƠNG ĐỊNH