Không giống mai ở miền Nam, không như đào miền Bắc, càng không phải đào Nhật Bản, mai anh đào là sự kết hợp giữa mai và đào, đúng như tên gọi của nó. Hoa có năm cánh đơn như hoa mai, màu hồng nhạt, nhuỵ hoa vươn dài đỏ thẫm, nở thành chùm rực rỡ. Hoa khoe sắc cũng là lúc tiễn biệt những ngày Đông lạnh giá, đón cái nắng ấm áp mùa Xuân. Hoa phủ sắc hồng dịu dàng trước những ngôi biệt thự cổ kính nhuốm màu rêu phong, lãng đãng như miền cổ tích. Hoa ngơ ngác nở ven đường đất đỏ ngoại thành. Hoa hồn nhiên tươi thắm giữa đồi chè xanh mướt. Bao người vui cười tạo dáng cùng hoa. Tôi cũng khăn áo điệu đà, chụp cho mình vô số bức hình, để lưu lại kỷ niệm lần đầu đến với cao nguyên Langbiang xinh đẹp.
Nhiều năm sau, không biết vô tình hay hữu ý, tôi đều ghé thăm Đà Lạt vào mỗi dịp mai anh đào bừng nở. Lang thang trên những con đường quen mà lạ, thả hồn theo cánh hoa đung đưa trong làn gió mơn man. Cũng khung cảnh ấy, cành hoa ấy, nhưng cảm xúc cứ trào dâng như mới lần đầu tương ngộ. Rồi giờ đây, khi trở thành cư dân của xứ sở này, tôi vẫn đắm say nhan sắc của núi đồi, mỗi khi mai anh đào nhuốm màu hồng ngọt lịm lên từng góc phố.
Núi đồi trùng điệp, mây giăng trập trùng, sương mù bảng lảng, lại thêm mặt hồ yên ả in bóng mây trời, thông xanh lừng lững réo rắt quanh năm đủ tạo nên một Đà Lạt diễm tình. Mai anh đào xuất hiện, càng tô điểm thêm cho dáng hình phố núi, như đôi má đào nàng thiếu nữ, như cánh môi căng mọng lúc xuân thì. Mỗi độ Xuân về, phố núi hóa thành cánh rừng hồng tươi đón chào thi nhân mặc khách. Hồ Xuân Hương thêm lung linh rạng rỡ. Các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Phó Đức Chính, dốc Đa Quý, rợp sắc hoa say đắm một góc trời.
Mai anh đào có sức sống mãnh liệt. Cây mọc ven triền núi, sườn đồi, trong rừng sâu hoang lạnh. Cây trơ trụi lá, cành nhánh khô gầy mỗi độ Đông về. Nhìn cây lúc này tưởng không còn sức sống, bởi vẻ khẳng khiu, liệu có chịu nổi giá rét của ngày Đông. Vậy mà chính trong cái khí trời khắc nghiệt ấy, cây âm thầm nảy nở những mầm non, tích trữ từng nụ hoa be bé, đợi khi nắng Xuân vừa nhen nhóm, liền cựa mình, bừng sáng cả núi đồi. Cánh hoa mỏng manh nhẹ bay trong gió lạnh tạo thành cơn mưa hoa. Thảm hoa dưới đất, rừng hoa trên đầu, cảnh tượng nên thơ tưởng chừng như mộng.
Từ lâu, mai anh đào đã trở thành đặc sản của vùng đất thông reo gió hát. Hầu như trước ngõ, sau hè mỗi nhà đều có vài gốc đợi Xuân về khoe sắc hồng chúm chím. Đến với cao nguyên những ngày Xuân, lữ khách không cần đi xa, chỉ loanh quanh trong phố, cũng dễ dàng bắt gặp những hàng cây thả cánh hoa uốn lượn trong gió Xuân nồng nàn. Nếu muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa, lữ khách phải nhanh chân, bởi cô nàng chỉ khoe sắc chưa đầy một tháng rồi thẹn thùng lui gót, gây thương nhớ cho biết bao người, tiếc nuối hẹn mùa sau.
Vẻ đẹp mong manh, trong trẻo của hoa làm say đắm những ai từng chiêm ngưỡng. Kể cả chưa một lần trực tiếp ngắm nhìn, lữ khách không khỏi tơ tưởng qua những bức ảnh lung linh, những giai điệu ngọt ngào. Người yêu hoa, chắc hẳn thuộc nằm lòng câu hát:
"Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi..."
Bài hát được sáng tác gần 70 năm về trước, đến nay vẫn dạt dào tươi mới khi nhắc đến loài hoa này. Có lẽ cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên rất yêu mai anh đào, cũng như yêu vùng đất cao nguyên. Không chỉ có bài “Ai lên xứ hoa đào” trở thành ca khúc biểu tượng của Đà Lạt, ông còn sáng tác thêm hai ca khúc khác về hoa đào cũng rất nổi tiếng, “Bài thơ hoa đào” và “Hoa đào ngày xưa”, biến mai anh đào trở thành bất tử ở chốn đào nguyên.
"Màu hoa in dáng trời
Tình hoa lưu luyến người
Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi…".