Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Đêm hội cồng chiêng “Di Linh - Bản sắc và Hội nhập”

Kiều Nhung - 23:44, 11/12/2024

Hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024, huyện Di Linh (Lâm Đồng) sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để quảng bá về văn hóa, du lịch và vùng đất Di Linh.

Một góc Di Linh
Một góc Di Linh

Di Linh là huyện miền núi phía Nam tỉnh Lâm Đồng, thuộc cao nguyên Di Linh, nằm ở độ cao 1.000m so với mực nước biển. Huyện Di Linh được thiên nhiên ưu ái với địa hình đồi núi trùng điệp, khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm 22.2oC nên đây là địa điểm rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây như cà phê robusta, bơ, sầu riêng, mắc ca, hồ tiêu… đặc biệt là phát triển ngành kinh tế du lịch sinh thái.

Huyện Di Linh cũng là nơi hội tụ của hơn 20 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó tập trung đông nhất là dân tộc Cơ Ho. Do vậy, văn hóa cồng chiêng của đồng bào các DTTS được bảo tồn, phát huy, truyền dạy rộng rãi. Hằng năm đều có lễ hội cồng chiêng được tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia. 

Với khí hậu trong lành, thiên nhiên ưu đãi, giàu bản sắc văn hoá, Di Linh có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch.
Với khí hậu trong lành, thiên nhiên ưu đãi, giàu bản sắc văn hoá, Di Linh có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch.

Trong chuỗi các hoạt động đặc trưng hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024, Di Linh tổ chức lễ hội giới thiệu, trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương với chủ đề "Hương sắc Cà phê, Lan và Gỗ"; Phục dựng Lễ mừng lúa mới của dân tộc Cơ Ho; Ra mắt và trình diễn các hoạt động mô hình du lịch cộng đồng thôn K'long Trao 1; Triển lãm ảnh với chủ đề Di Linh - xưa và nay; Đêm hội cồng chiêng "Di Linh - Bản sắc và Hội nhập". Các hoạt động diễn ra chủ yếu trong 2 ngày 14 và 15/12.

Cùng với đó, địa phương sẽ lồng ghép tổ chức hoạt động Ngày hội văn hóa Quân - Dân nhằm kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân…

Bên cạnh đó, huyện Di Linh cũng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư kết hợp thông tin về Quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế của huyện để thu hút các nhà đầu tư.

Ông Đinh Văn Tuấn, Bí thư Huyện uỷ huyện Di Linh.
Ông Đinh Văn Tuấn, Bí thư Huyện uỷ huyện Di Linh.

Ông Đinh Văn Tuấn, Bí thư Huyện uỷ Di Linh cho biết: Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, đất đai trù phú, nhiều thắng cảnh đẹp, huyện Di Linh đã và đang trở thành điểm đến thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để đầu tư các dự án công - nông nghiệp, du lịch, khu dân cư... Chuỗi sự kiện lần này sẽ tạo cơ hội quảng bá hình ảnh Di Linh đến với du khách cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư thương mại, góp phần kích cầu du lịch, nâng cao chất lượng đời sống, văn hóa tinh thần cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

Cũng theo ông Đinh Văn Tuấn, thời gian tới, huyện Di Linh sẽ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, trong đó tập trung phát huy lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch canh nông, du lịch văn hoá cộng đồng chất lượng cao, vui chơi giải trí và thương mại, dịch vụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đời sống của người dân trên địa bàn huyện.

Dinh Tỉnh trưởng được xây dựng năm 1901 là nơi làm việc của tỉnh trưởng Đồng Nai Thượng. Hiện nay, toà nhà là trụ sở làm việc của UBND huyện Di Linh.
Dinh Tỉnh trưởng được xây dựng năm 1901, hiện nay là trụ sở làm việc của UBND huyện Di Linh.

Ông Vũ Thành Công, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện cho biết: Cơ Ho là dân tộc sinh sống lâu đời trên cao nguyên Di Linh. Những năm qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phục dựng gần như nguyên vẹn những nét đẹp văn hóa trong Lễ Mừng lúa mới của dân tộc Cơ Ho trên địa bàn huyện. Dịp này, Lễ Mừng lúa mới của dân tộc Cơ Ho sẽ tiếp tục được các nghệ nhân đến từ buôn K’Rọt Dờng, xã Bảo Thuận tái hiện với đầy đủ cây nêu, cồng chiêng, rượu cần, bếp lửa… để phục vụ du khách đến với địa phương. Tại đây, những người con dân tộc Cơ Ho trên địa bàn huyện Di Linh sẽ cùng trổ tài đánh chiêng, hát đồng giao, thổi khèn, múa xoang…

Giờ đây, Lễ hội Mừng lúa mới không chỉ là một nét đẹp văn hoá của cộng đồng dân tộc Cơ Ho mà còn là dịp để anh em các dân tộc cùng giao lưu, xây dựng cuộc sống đoàn kết, hạnh phúc, ấm no. 

Cồng chiêng là niềm tự hào, nét đặc trưng của người Cơ Ho
Cồng chiêng là niềm tự hào, nét đặc trưng văn hóa của người Cơ Ho

Tin cùng chuyên mục
Tái hiện sinh động không gian văn hóa của đồng bào DTTS ở Kon Tum

Tái hiện sinh động không gian văn hóa của đồng bào DTTS ở Kon Tum

Trong tiết trời se lạnh, dưới mái Nhà rông Kon Klor cao vút, những chàng trai tấu nên những bản chiêng trầm hùng, những cô gái chân trần với nhịp xoang uyển chuyển, đàn ông thì đan lát và tạc tượng, phụ nữ thì dệt vải... Không gian văn hóa của đồng bào DTTS ở Kon Tum được tái hiện một cách đầy đủ và sinh động đã làm đắm say bao du khách gần xa khi đến tham dự Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Kon Tum lần thứ 2, năm 2024.
Đọc nhiều