Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giải trí

“Việt Nam - Ăn mặc thong dong” - Tập ký về văn hóa trang phục các dân tộc Việt Nam

ANh Trúc - 5 giờ trước

“Việt Nam - Ăn mặc thong dong” là tập hợp các bài viết của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng, giới thiệu những nét đặc trưng độc đáo trong văn hóa ăn mặc của các dân tộc Việt Nam. Tác phẩm thuộc Tủ sách Văn hóa Việt, vừa được Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.

Sách tập hợp các bài viết giới thiệu những nét đặc trưng vô cùng độc đáo trong văn hóa ăn mặc của các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là văn hóa bản địa thể hiện sinh động trong các loại hoa văn đặc sắc, phụ kiện, các loại trang phục truyền thống, hay cách tạo nên những chất liệu riêng có như tơ tằm, tơ sen, sợi bông, sợi lanh, sợi chuối…

Bên cạnh đó, tác giả cũng dành nhiều trang viết về những cá nhân đã dày công hồi sinh cổ phục, chất liệu truyền thống, làng nghề truyền thống…, giúp chúng “sống" lại trong thời hiện đại.

Tập ký giới thiệu những nét độc đáo trong văn hóa ăn mặc người Việt. Ảnh: Chibooks
Tập ký giới thiệu những nét độc đáo trong văn hóa ăn mặc người Việt. Ảnh: Chibooks

Cuốn “Việt Nam - Ăn mặc thong dong” gồm 2 phần. Phần 1 “Ký ức dân tộc trên hoa văn, trang phục” đưa độc giả khám phá nghề thổ cẩm Chăm, lụa Vạn Phúc, dệt đũi Nam Cao, nghề dệt lụa Phùng Xá, hoa văn Cơ Ho xuống phố, áo dài Trạch Xá, trang phục Lô Lô, trang phục quan họ, ký ức dân tộc trên hoa văn trang phục, phong tục độc đáo liên quan đến trang phục…

Phần 2 “Trang sức, phụ kiện” giới thiệu nón làng Chuông, ngọc đá Phùng Nguyên, giày Huế xưa, nhẫn Chu Ru, nghề đậu bạc Định Công hay về người đưa nút áo Việt vào làng thời trang thế giới…

Đam mê nghiên cứu trang phục, trang sức, nhất là ở khía cạnh nhân học và xu thế thời trang chậm nên trong quá trình đi khắp Việt Nam để viết cuốn sách, tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng rất vui khi tìm được những người cùng sở thích, mà khi đọc cuốn sách này, bạn đọc sẽ gặp họ trong đó.

Ở đó, họ không chỉ bảo tồn trang phục truyền thống, mà còn tiếp biến bằng cách sử dụng những họa tiết, hoa văn trên các trang phục truyền thống để đưa vào thời trang hiện đại.

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng cho biết, Việt Nam có 54 dân tộc, với hơn 100 nhóm, ngành. Cư trú ở những môi trường sinh thái đa dạng đã nảy sinh những tri thức bản địa độc đáo trong mỗi nhóm tộc người.

Văn hóa bản địa của một cộng đồng thể hiện sinh động nhất ở nghề dệt vải, thêu, vẽ hoa văn trên trang phục. Cùng với ăn thì mặc thể hiện rõ nét nhất đời sống vật chất và tinh thần của một dân tộc, tộc người, cá nhân. Ẩn sau vải vóc và trang phục, trang sức là một lịch sử hấp dẫn của nhân loại.

Thông tin từ Chibooks cho biết, ấn phẩm “Việt Nam - Ăn mặc thong dong” hiện đang được tiến hành dịch sang tiếng Trung, để tiếp tục hành trình giới thiệu về những nét đặc sắc nhất của văn hóa Việt Nam với độc giả quốc tế.