Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Mái trường vang tiếng mã la

PV - 14:16, 09/04/2018

Đến xã Phước Hà , huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), chúng tôi nghe âm vang nhạc cụ mã la từ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Phước Hà ngân nga. Tiếng “tìn toon” của nhịp điệu mã la như làm ấm áp không gian thôn xóm vùng cao trong những ngày Xuân Mậu Tuất 2018. Việc đưa nhạc cụ mã la vào chương trình hoạt động ngoại khóa tạo nên nét mới trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Raglai.

Nghệ nhân Bà Rá Thừa truyền dạy biểu diễn mã la cho học sinh Trường PTDTBT THCS Phước Hà. Nghệ nhân Bà Rá Thừa truyền dạy biểu diễn mã la cho học sinh Trường PTDTBT THCS Phước Hà.

 

Gặp lại nghệ nhân Bà Rá Thừa, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phước Hà đang hướng dẫn học sinh những động tác căn bản để mã la phát ra âm thanh đúng tiết tấu, anh phấn khởi chia sẻ: “Tôi rất vui khi được Ban Giám hiệu nhà trường mời hướng dẫn các em học biểu diễn nhạc cụ mã la. Trong thời gian 3 tháng, tôi dốc lòng truyền dạy cách thức biểu diễn mã la gồm các bài căn bản: “Múa mừng lễ hội”, “Tạ ơn thần linh”, “Tâm tình người Raglai”, “Ó đi tìm nước”, “Chim cu gáy”, “Vui đón mùa màng”. Nếu các em cố gắng rèn luyện đến khi hoàn thành khóa học có thể tham gia biểu diễn mã la trong các chương trình văn nghệ của nhà trường, thôn xóm. Đồng thời, các em có thể trở thành thành viên của đội mã la tộc họ trong các hoạt động tín ngưỡng dân gian như ăn đầu lúa mới, tạ ơn đất nước, Lễ bỏ mả”.

Trao đổi với nghệ nhân Bà Rá Thừa, chúng tôi được biết anh có nhiều kinh nghiệm trong việc truyền dạy nhạc cụ mã la cho tộc họ Chamaleá ở thôn Rồ Ôn. Mã la là nhạc cụ gõ bằng đồng rất độc đáo trong đời sống tinh thần của đồng bào Raglai xã Phước Hà. Thông qua tiết tấu của mã la, người biểu diễn nhạc cụ bày tỏ lòng biết ơn các vị thần núi, thần đất đã phù hộ cho dân làng có những mùa màng bội thu, lúa bắp đầy kho. Tinh thần đoàn kết nỗ lực vượt qua khó khăn của người Raglai chăm lo sản xuất hướng tới cuộc sống no ấm. Thể hiện lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, tộc họ, xóm làng giúp con cháu có cuộc sống bình an, học hành tiến bộ…

Lớp học mã la do nghệ nhân Bà Rá Thừa phụ trách có 21 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, thời gian học 1 buổi/tuần. Trong đó có các em Đá Mài Thị Thảm, Chamaleá Thị Bạch, Tạ Yên Phát, Tạ Yên Triều là những học sinh đã tham gia học biểu diễn mã la do các tộc họ truyền dạy. Các em trở thành học viên nòng cốt vừa học nâng cao vừa chia sẻ kinh nghiệm biểu diễn mã la cho các bạn trong nhóm. Em Chamaleá Thị Bạch, học sinh lớp 8.1, bộc bạch: “Mã la là nhạc cụ truyền thống của ông bà xưa truyền lại cho các thế hệ con cháu. Em cùng các bạn trong lớp tự nguyện đăng ký tham gia học biểu diễn mã la để góp phần gìn giữ văn hóa của tộc người Raglai”.

Thầy giáo Bá Vũ Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Phước Hà cho biết: Việc đưa các hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào Raglai vào trường học góp phần quan trọng xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, học sinh tích cực. Các em đến trường học tập chuyên cần, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Kết quả học kỳ I, năm học 2017-2018, học sinh xếp loại hạnh kiểm khá tốt đạt 94%; xếp loại học tập khá giỏi đạt 25,7%; duy trì sĩ số đạt trên 99%.

Trường PTDTBT THCS Phước Hà hiện có 4 chiếc mã la do Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Nghệ thuật Văn hóa dân gian thuộc Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam tại Hà Nội tài trợ. Nghệ nhân Bà Rá Thừa nhiệt tình truyền dạy nhạc cụ mã la cho học sinh được phụ huynh đồng thuận cao. Trong thời gian tới, anh tiếp tục truyền dạy học sinh biểu diễn nhiều loại nhạc cụ như trống đất, mã la ống nứa, chiêng nứa, khèn bầu. Các nhạc cụ này có thể hòa tấu phục vụ nghi lễ dân gian và biểu diễn văn nghệ phục vụ thôn xóm. Đây là hoạt động ngoại khóa vừa rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Raglai.

SƠN NGỌC

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.