Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Mất an toàn trên những cây cầu treo

PV - 12:34, 05/06/2018

Theo thống kê, tỉnh Kon Tum có khoảng 290 cây cầu treo, trong đó có 110 cầu không đảm bảo an toàn. Điều đáng nói là, hầu hết ở những cây cầu này lại không có biển cảnh báo, không có lý trình, trọng tải và người dân vẫn sử dụng qua lại thường xuyên.

Đăk Glei là huyện miền núi nhiều sông suối nên hệ thống cầu treo dân sinh cũng khá nhiều. Tuy nhiên, hầu hết cầu treo dân sinh có nguy cơ mất an toàn do xuống cấp, hoặc hư hỏng nghiêm trọng. Vậy nhưng, hằng ngày để tới rẫy, chở nông sản cồng kềnh, người dân vẫn phải đi trên những cây cầu treo này. Ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa qua cầu phải gồng tay lái, nín thở vì chỉ cần sơ ý là có thể trượt cả người và xe xuống nước.

Cầu treo thôn Pêng Sal Pêng rộng khoảng 1m, mặt cầu bị nghiêng. Cầu treo thôn Pêng Sal Pêng rộng khoảng 1m, mặt cầu bị nghiêng.

Cầu treo Đăk Chung bắc ngang sông Pô Kô, đoạn qua thị trấn Đăk Glei, nối giữa thôn Đăk Chung trong và Đăk Chung ngoài được làm bằng sắt, nhưng nay cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Cả một đoạn lan can bảo vệ biến mất chỉ còn khoảng trống dài đến vài mét, còn một đoạn lan can khác thì bong mối hàn tách ra khỏi thân cầu treo lủng lẳng. Mặt cầu cách mặt sông khoảng 10m, mỗi khi có xe máy đi qua, cây cầu rung lên bần bật ai nấy đều nơm nớp lo sợ, đặc biệt là những ngày trời mưa, trơn trượt.

Ông Nghiêm Minh Hiệu, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Glei cho biết: thị trấn Đăk Glei có 17 cây cầu bắc ngang qua các con sông, suối, trong đó có 11 cầu do người dân tự đóng góp làm và 6 cầu sắt từ chương trình, dự án tài trợ. Hầu hết cầu đã được làm nhiều năm đã hư hỏng mà không có kinh phí duy tu bảo dưỡng nên không đảm bảo an toàn khi người dân qua lại. Riêng cầu treo Đăk Chung hư hỏng đã 2-3 năm nay, lan can cầu bị hỏng là do xe máy cày đi qua lại tông vào. Mới đây đoàn công tác của huyện vừa đến kiểm tra, xác định phần lan can bị hư hỏng chiếm 1/3 chiều dài của cầu.

Tương tự, cầu treo thôn Pêng Sal Pêng ở xã Đăk Pék, nhỏ chỉ vừa một chiếc xe máy đi vào, vốn đã gây khó khăn cho người qua lại, mấy năm nay, cầu hư hỏng, mặt cầu bị nghiêng hẳn sang một bên khiến việc di chuyển qua cầu càng nguy hiểm hơn. Người dân đã mua ván thay mặt cầu nhưng cũng chỉ được vài tháng những miếng gỗ mặt cầu này lại bị bong ra.

Theo thống kê, toàn huyện hiện có 44 cây cầu treo dân sinh có nguy cơ mất an toàn. UBND huyện đã giao Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp với các địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng hư hỏng của những cây cầu này để có hướng khắc phục. UBND huyện cũng đã bố trí 1 tỷ đồng để sửa chữa cầu treo hư hỏng trên địa bàn trong năm 2018.

Ông Phan Mười, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cho biết: số cầu treo không đảm bảo an toàn chủ yếu là cầu treo dân tự làm để đi vào khu sản xuất. Cầu hỏng nhưng không có kinh phí sửa chữa nên người dân vẫn bất chấp nguy hiểm qua lại để canh tác, sản xuất. Các cầu treo này phần lớn do huyện quản lý nên Sở chỉ tham mưu với tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố sử dụng lồng ghép các nguồn vốn để tu sửa cầu.

Hằng năm, Sở ra các văn bản đề nghị các huyện, thành phố thực hiện đảm bảo an toàn cầu treo dân sinh như, cắm biển cấm ở những chiếc cầu quá xuống cấp và biển cảnh báo để người dân đề phòng, cẩn thận khi qua cây cầu hư hỏng. Đặc biệt là mùa mưa, việc qua lại những cây cầu treo hư hỏng này rất nguy hiểm.

Sở cũng thực hiện trực tiếp kiểm tra mức độ an toàn của cầu treo dân sinh để đôn đốc, nhắc nhở các huyện, thành phố có biện pháp cảnh báo, tuyên truyền đến người dân.

Thị trấn Đăk Glei có 17 cây cầu bắc ngang qua các con sông, suối, trong đó có 11 cầu do người dân tự đóng góp làm và 6 cầu sắt từ chương trình, dự án tài trợ. Hầu hết cầu đã được làm nhiều năm đã hư hỏng mà không có kinh phí duy tu bảo dưỡng nên không đảm bảo an toàn khi người dân qua lại”.Ông Nghiêm Minh Hiệu, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Glei

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG ở Gia Lai: Rà soát, phân nhóm các dự án để tháo gỡ vướng mắc (Bài 2)

Triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG ở Gia Lai: Rà soát, phân nhóm các dự án để tháo gỡ vướng mắc (Bài 2)

Mặc dù, từ nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Gia Lai có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều nội dung, dự án thành phần của các Chương trình còn tồn tại những vướng mắc, bất cập dẫn đến nguồn vốn giải ngân còn thấp. Theo đó, tỉnh Gia Lai cũng đã đánh giá thực trạng, đặt ra mục tiêu cùng với những giải pháp căn cơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo chính sách ban hành kịp thời đi vào cuộc sống.