Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Máy bay không người lái và những cánh đồng xanh ngát dưới chân núi lửa Nâm Blang

Lê Hường - Nam Phong - 06:27, 26/08/2024

Xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô là vựa lúa lớn của tỉnh Đắk Nông, nổi danh với các giống lúa gạo đặc sản. Để giảm nhân công lao động, tiết kiệm thời gian mà còn hạn chế việc người dân tiếp xúc với hóa chất, tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cho lúa, người dân nơi đây sớm thực hiện cơ giới hóa, đặc biệt là việc sử dụng máy bay không người lái.

Cánh đồng lúa Buôn Chóah rộng mênh mông là vựa lúa lớn của tỉnh Đắk Nông
Cánh đồng lúa Buôn Chóah rộng mênh mông là vựa lúa lớn của tỉnh Đắk Nông

Cánh đồng lúa dưới chân núi lửa

Cánh đồng Buôn Chóah nằm dưới chân ngọn núi lửa nổi tiếng Nâm Blang. Nơi đây thời tiết vốn khắc nghiệt, người dân từng gặp biết bao khốn khó trong sản xuất. Từ khi biết áp dụng khoa học và đưa cơ giới hóa vào sản xuất các giống lúa đặc sản, việc chăm sóc lúa thuận lợi, mang lại hiệu quả cao hơn, cuộc sống của người dân bước sang trang mới.

Nhiều năm làm lúa trên cánh đồng Buôn Chóah, kinh tế gia đình ông Dương Văn Lực, thôn Ninh Giang trở nên giàu có. Ông Lực bảo: Nếu làm lúa theo cách truyền thống giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn. Đưa giống lúa đặc sản vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giá trị kinh tế cao vượt trội. Canh tác 9ha đất lúa mỗi vụ gia đình tôi thu hoạch khoảng hơn 90 tấn lúa, sau khi trừ chi phí mỗi héc ta lúa thu lãi 45 triệu đồng. So với nhiều loại cây trồng khác, ở đây cây lúa đang cho bà con nông dân giá trị kinh tế cao nhất.

Theo báo cáo, cánh đồng Buôn Chóah có diện tích hơn 700ha, không những là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Đắk Nông, mà còn là một trong những vùng chuyên canh lúa lớn nhất Tây Nguyên. Đây cũng là nơi sản xuất các loại lúa gạo đặc sản, giá trị kinh tế cao. Cây lúa đã mang đến cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây, không ít hộ giàu lên từ cây lúa.

Tháng 1/2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận vùng sản xuất lúa Buôn Chóah là 1 trong 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Điều đó đã tạo tiền đề quan trọng để thương hiệu “Lúa gạo Buôn Chóah” đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Máy bay không người lái phun thuốc, chăm sóc lúa trên cánh đồng Buôn Chóah
Máy bay không người lái phun thuốc, chăm sóc lúa trên cánh đồng Buôn Chóah

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô cho biết: Năng suất lúa ở đây trung bình khoảng 10 tấn/ha, so với mặt bằng chung thì năng suất, chất lượng lúa gạo Buôn Chóah cao hơn hẳn. Bà con nông dân cũng dần thích ứng, chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Lúa gạo Buôn Chóah đang từng ngày khẳng định vị thế trên thị trường. Đến nay, xã Buôn Chóah đã xây dựng được thương hiệu “Lúa gạo Buôn Chóah” riêng gắn với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông-hệ thống hang động núi lửa Krông Nô.

Đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp

Chạy xe trên con đường bê tông phẳng lỳ, xuyên qua đồng lúa đang thì con gái xanh mơn mởn, rộng bao la, chúng tôi như lạc vào khung trời ở “quê hương 5 tấn”.

Nhiều năm làm lúa trên cánh đồng Buôn Chóah, năm 2023 anh Nguyễn Văn Đức ở thôn Nam Sơn mạnh tay chi 500 triệu đồng mua chiếc máy bay không người lái dùng cho việc chăm sóc lúa cho gia đình và làm dịch vụ khi người dân cần.

Anh Đức chia sẻ: Tôi thấy nhiều nơi người ta ứng dụng nhiều loại máy móc hiện đại vào sản xuất. Ở đây cánh đồng lúa rộng lớn, thích hợp để sử dụng máy bay không người lái nên tôi tìm hiểu và đặt mua về sử dụng. Tập sử dụng theo hướng dẫn, chẳng mấy chốc tôi sử dụng thành thạo thiết bị này. Trước đây, mỗi ha lúa tôi phun thuốc mất cả buổi, sử dụng máy bay không người lái để phun chỉ mất 15 phút đồng hồ. Ruộng có diện tích càng lớn thì phun thuốc bằng máy bay càng tiết kiệm chi phí, ít thời gian hơn gấp nhiều lần cách phun truyền thống. 

"Sử dụng máy bay chăm sóc lúa thực sự mang lại hiệu quả chăm sóc lúa cao hơn hẳn. Đặc biệt, đến nay vị trí, diện tích và hình dạng các thửa ruộng đã được số hóa, hiện thị trên thiết bị điều khiển của máy bay, việc phun thuốc càng thêm thuận lợi. Chúng tôi chỉ cần đổ thuốc vào bình chứa, sau đó cất cánh bay. Toàn bộ việc phun thuốc sẽ được thực hiện tự động", anh Đức phấn khởi thông tin.

Anh Nguyễn Văn Đức mạnh dạn đầu tư máy bay không người lái vừa chăm sóc lúa của gia đình vừa phun dịch vụ cho người dân địa phương
Anh Nguyễn Văn Đức mạnh dạn đầu tư máy bay không người lái vừa chăm sóc lúa của gia đình vừa phun dịch vụ cho người dân địa phương

Không chỉ phục vụ gia đình, anh Đức nhận đi phun thuốc chăm sóc lúa cho nhiều hộ dân khác. Với giá 35 nghìn đồng/sào, trung bình mỗi ngày tôi phun 6 - 7ha, gia đình anh có thêm khoản thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Xuyến cho biết: Ngoài việc gieo sạ, mỗi vụ lúa tôi phun thuốc 4 -5 lần bao gồm diệt cỏ, kích thích mầm và phòng trừ sâu bệnh. Mỗi đợt phun mất ngót nửa ngày, giờ chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ là xong, lúa xanh tốt đều cả ruộng. Việc phun thuốc bằng máy bay rất nhiều lợi ích, tiết kiệm chi phí, nhân công, thời gian chăm sóc, người nông dân hạn chế tiếp xúc với hóa chất bảo vệ thực vật. Sử dụng máy bay còn tăng hiệu quả của thuốc, phân bón giúp cây lúa phát triển tốt hơn.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô chia sẻ: Nhiều năm qua, nông dân xã Buôn Chóah đã mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị hiện đại vào sản xuất. Hiện toàn buôn có 2 máy bay không người lái, góp phần tăng cường hiệu quả sản xuất, đặc biệt là hạn chế việc nông dân tiếp xúc với hóa chất. Đến nay, toàn xã có khoảng 70% diện tích lúa sử dụng máy bay không người lái để chăm sóc.

Không chỉ cây lúa, nông dân còn sử dụng máy bay không người lái chăm sóc các cây trồng khác rất hiệu quả như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu.