Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Miền Tây lũ về “thưa vắng” cá tôm...

Tào Đạt - 19:15, 13/11/2024

Đồng bằng sông Cửu Long có một mùa đặc biệt là mùa nước nổi. Hằng năm, vào khoảng tháng 9 kéo dài cho đến cuối tháng 10, mùa nước nổi ở các tỉnh miền Tây lại quay về. Nước từ nguồn sông Mê Kông tràn về hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, mang lại nguồn lợi thủy sản lớn cho cư dân trong vùng. Tuy nhiên, những năm gần đây, con nước thường về thấp và có thời gian lên, xuống thất thường, kéo theo lượng cá, tôm “thưa vắng”. Mùa nước nổi mà tôm cá không về, nhiều người trẻ đã phải gác lại nghề hạ bạc, để đi làm ở các khu công nghiệp. Với những người cao niên, không còn lựa chọn nào khác nên vẫn ngày ngày lênh đênh trên con nước.

Anh Hồ Văn Cọp lênh đênh trên chiếc xuồng ở cánh đồng xã Vĩnh Hậu
Anh Hồ Văn Cọp lênh đênh trên chiếc xuồng ở cánh đồng xã Vĩnh Hậu

Lũ thấp, nguồn lợi thủy sản giảm mạnh

“Tháng bảy, nước nhảy khỏi bờ”, đó là kinh nghiệm dân gian được đúc kết qua bao thế hệ về tính quy luật của mùa lũ hay còn gọi là mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Kể từ sau Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch) hằng năm, nước trên các dòng sông ở Tây Nam bộ bắt đầu chuyển từ mầu xanh sang mầu đỏ gạch, chảy xiết và dâng cao. 

Đặc điểm mùa lũ miền Tây Nam bộ, là nước dâng lên theo từng ngày nên phải vài tháng sau, khoảng tháng 7 nước mới “nhảy” khỏi bờ. Lúc này, nước trên sông, rạch tràn qua bờ kênh, ngập lênh láng những cánh đồng ven biên giới. Mùa nước nổi thường kéo dài từ đó đến cuối tháng 10 âm lịch.

Năm nay, nước lũ về huyện An Phú (tỉnh An Giang) - nơi đón nhận lượng nước đầu tiên từ thượng nguồn sông Mekong đổ vào Việt Nam - có thời gian lên, xuống thất thường và ở mức thấp. Theo nhiều bậc cao niên sinh sống nhờ vào việc đánh bắt thủy sản mùa lũ, năm nay lũ về muộn, so với năm 2023 thì có cao hơn, nhưng nguồn lợi thủy sản giảm mạnh.

Lênh đênh trên chiếc xuồng ở cánh đồng xã Vĩnh Hậu thu hoạch cá, anh Hồ Văn Cọp (huyện An Phú) cho biết, vài tháng trước khi nước về, người dân đã chuẩn bị ngư cụ để đánh bắt sản vật, đợi lũ lên nhanh với hy vọng có thêm phần thu nhập cho gia đình, thế nhưng thực tế không được như vậy.

"Độ 20 năm trước, nước ở đây rất nhiều, lũ tràn đồng, ngập luôn cả đường đi, mỗi ngày kiếm được vài chục ký cá là chuyện thường. Bây giờ lũ thấp, cá ít, so với đầu mùa lại càng ít hơn. Đã vậy giá lại rẻ", anh Cọp nói.

Theo anh Cọp, loài được giá nhất là cá chạch hiện có giá bán khoảng 150.000 đồng/kg, còn cá loại khác như cá thiểu, cá chốt, cá mè vinh,... đều có giá rất thấp. Chính vì vậy, nông dân thả lưới trên đồng bắt được cá chạch đều rất mừng.

"Năm nay nước cao hơn năm rồi, nhưng cá về không nhiều. Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, nước từ cánh đồng đổ dần ra sông, báo hiệu mùa lũ sắp kết thúc, vậy mà đến giờ này tôi chẳng kiếm được bao nhiêu cá", anh Cọp than thở.

3h sáng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đông (trú tại xã Phú Hội, huyện An Phú) bắt đầu lên ghe đi kiểm tra lượng cá có được sau một đêm. Ánh đèn pin loạng choạng đôi lúc làm lộ rõ nét đen sạm trên gương mặt người đàn ông đang bám con nước.

10 năm làm nghề đến nay, anh Đông có tổng cộng 60 cái dớn, năm nay có mua thêm vì thấy dự báo nước lên. Tuy nhiên, thực tế thì nước về vẫn thấp, mà cá tôm cũng ít, vợ chồng anh Đông cũng chẳng kiếm được bao nhiêu.

 “Mấy năm trước dịch cả hai vợ chồng kiếm được khoảng 700 nghìn đồng mỗi ngày. Bây giờ 400 nghìn đã thấy nhiều. Giờ mong sao mùa nước nổi về mang theo cá tôm nhiều như ngày xưa, nhưng chắc là khó", anh Đông nói.

Năm nay, nước về ở mức thấp, đỉnh lũ dao động mức báo động 1
Năm nay, nước về ở mức thấp, đỉnh lũ dao động mức báo động 1

Dân "vạn chài" đang dần phải thích nghi

Với người dân miền Tây, mùa nước nổi là mùa thay đổi phương thức canh tác. Khi ruộng đồng no nước, họ chuyển sang làm nghề "hạ bạc" - đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, đến mùa nước nổi mà cá không về, nhiều người trẻ đã phải gác lại nghề hạ bạc, để đi làm ở các khu công nghiệp. Với những người cao niên, họ không còn lựa chọn nào khác, nên vẫn ngày ngày lênh đênh trên con nước.

Nhiều bậc lão làng như ông Nguyễn Văn Thuận tiếc nuối về một thời vàng song
Nhiều bậc lão làng như ông Nguyễn Văn Thuận tiếc nuối về một thời tôm cá đầy nguồn

Ông Nguyễn Văn Thuận (trú tại ấp 3, xã Vĩnh Hậu) chia sẻ: “Biết nghề ngày một khó khăn, nhưng vẫn phải đánh bạc với con nước như chuyện chẳng đặng đừng. Hồi đó lũ về, cá rất nhiều, một mùa đặt đáy bắt cá linh sắm được cả chục lượng vàng. Giờ cá ít, chẳng được bao nhiêu, nhưng cũng đành chấp nhận".

Ông Phùng Thế Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú (tỉnh An Giang) cho biết: Mực nước năm nay đã thấp khoảng 30cm so với nhiều năm, đỉnh lũ chỉ ở mức báo động 1. Như nhiều địa phương vùng đầu nguồn, đa phần sinh kế của người dân ở huyện An Phú đều nhờ vào mùa lũ, nước về ngày một ít nên bà con buộc phải thích nghi.

Thời gian qua, chúng tôi cũng đã được tỉnh, Trung ương quan tâm đầu tư dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (WB9) ở 3 xã bờ Đông sông Hậu. Dự án nhằm tập huấn cho người dân sinh kế, đưa ra những mô hình sinh kế thích nghi với biến đổi khí hậu hiệu quả. Dự án đã giúp bà con thêm kiến thức cơ bản để phát triển kinh tế  khi mà mùa nước nổi ngày càng thưa vắng cá, tôm, ông Phùng Thế Vinh thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.