Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Mô hình dòng họ tự quản ở Bản Xèo

PV - 10:30, 10/09/2018

Được thành lập cách đây 3 năm, mô hình dòng họ Tẩn tự quản về an ninh trật tự tại xã Bản Xèo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã trở thành mô hình điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần cho công tác đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

mô hình dòng họ tự quản Các cơ quan chức năng và người dân luôn có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.

Dòng họ Tẩn xã Bản Xèo, huyện Bát Xát có 19 hộ, với 90 khẩu sống tại 3 thôn: Nậm Pầu, Thành Sơn, Pồ Chồ. Ông Tẩn Duần Phú, Trưởng mô hình tự quản dòng họ Tẩn cho biết: Trong thời kỳ kháng chiến, nhiều thế hệ dòng họ Tẩn đã xung phong tham gia cách mạng, trong đó nhiều người đã giữ chức vụ cao trong bộ máy chính quyền. Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, thế hệ con cháu của dòng họ Tẩn hôm nay luôn ý thức được việc tích cực học tập, lao động, sản xuất xây dựng quê hương.

“Trong nhiệm kỳ 2015-2020, đã có 4 thành viên trong dòng họ được nhân dân tin tưởng bầu giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch xã, Phó Trưởng công an xã… Ngoài ra, nhiều thành viên trong họ là những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi như: Hộ ông Tẩn Vần Phủng, với mô hình kinh doanh nuôi trâu và lợn rừng; hộ ông Tẩn A Chiềm kinh doanh vận tải, sau 2 năm đã xây dựng được căn nhà hai tầng kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng. Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo trong dòng họ giảm còn 3/19 hộ”, ông Phú cho biết thêm.

Để duy trì hoạt động của mô hình, dòng họ đã soạn thảo bản quy ước và lấy ý kiến tham gia của thành viên. Theo đó, mỗi năm dòng họ tổ chức họp 2 lần vào đầu năm và cuối năm. Tại cuộc họp, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như Quy định của địa phương được triển khai đến toàn thể các thành viên cùng nắm được.

Đặc biệt, những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống, được các gia đình quan tâm như: việc người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại trong cuộc sống của người Dao đỏ; không tổ chức ma chay, cưới xin linh đình, dài ngày; không nghe kẻ lạ xúi giục tự ý bỏ đi khỏi địa phương hay sa vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm...

Đối với những trường hợp vi phạm, khi bị phát hiện, các thành viên sẽ báo cho trưởng dòng họ để kịp thời có hình thức xử lý. Nhẹ thì nhắc nhở, cảnh cáo, không bình xét hộ gia đình văn hóa; nặng thì báo chính quyền xã để xử lý…Cũng bởi cách làm nghiêm khắc và chặt chẽ nên từ khi thành lập mô hình tự quản đến nay, các thành viên trong mô hình luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương.

Bên cạnh đó, thời gian qua Ban điều hành mô hình đã cung cấp cho công an xã hơn 30 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an xã kịp thời, xử lý vụ việc liên quan đến an ninh trật tự; tham gia phối hợp giải quyết 5 vụ tranh chấp đất đai giữa các hộ dân…

Ông Hoàng Văn Tiền, Trưởng Công an xã Bản Xèo cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn xã Bản Xèo không xảy ra các vụ án nghiêm trọng, tình hình an ninh trật tự thôn bản được giữ vững, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các mô hình dòng họ tự quản, điển hình là dòng họ Tẩn. Từ kết quả đó, cấp ủy, chính quyền xã Bản Xèo tiếp tục nhân rộng mô hình tới các thôn, bản dòng họ khác để giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.