Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Mô hình “Trồng cà phê gây quỹ” ở Glar

THÙY DUNG - 10:28, 07/10/2019

Mô hình “Trồng cà phê gây quỹ để ” được người dân làng thuộc xã Glar, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) thực hiện từ nhiều năm qua. Từ nguồn quỹ này, người dân đã xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, làm đường làng, giúp đỡ các hộ nghèo…

Mô hình trồng cà phê gây quỹ của người dân làng Dơk Rơng.
Mô hình trồng cà phê gây quỹ của người dân làng Dơk Rơng.

Thôn, làng trồng cà phê gây quỹ

Thôn Dơk Rơng, xã Glar hiện có 203 hộ, 957 khẩu, là thôn đầu tiên xây dựng mô hình trồng cà phê gây quỹ. Mô hình được triển khai thực hiện từ năm 2008, trên diện tích đất hơn 1,6ha, nhiều năm qua đã mang lại một nguồn thu nhập ổn định cho người dân với trung bình 200-250 triệu đồng/năm.

Ông Byuih, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Dơk Rơng cho biết: Ý tưởng xây dựng mô hình này xuất phát từ các cán bộ Mặt trận thôn. Sau nhiều lần họp bàn, thống nhất, người dân quyết định triển khai mô hình này. Tại thôn, chia ra làm 10 tổ, mỗi tổ gồm 15 hộ và có 1 Tổ trưởng quản lý. Mỗi tổ sẽ chăm sóc 160 cây cà phê, đến kỳ thu hoạch thì mỗi tổ cử ra 1 người tham gia tuần tra bảo vệ nông sản. Các tổ được giao thu về 30 triệu đồng/năm để bảo đảm nguồn thu nhập.

Thấy làng Dơk Rơng thực hiện mô hình mang lại nhiều hiệu quả, các làng khác cũng chủ động học hỏi, như làng Dôr 1, Dôr 2, Tươi Ktu. Tại làng Dôr 1, với mô hình này, người dân làng thu về được gần khoảng 70-90 triệu/năm/1,1ha cà phê; làng Dôr 2 thu 150 triệu đồng/năm/4,5ha cà phê.

Tương tự, làng Tươi Ktu cũng đã thực hiện mô hình này được 5 năm. Với diện tích trồng là 3ha, 6 tổ quản lý, mỗi năm mang về thu nhập 300-350 triệu đồng.

Những kết quả thiết thực

Tại thôn Dơk Rơng, sau nhiều năm thực hiện mô hình trồng cây cà phê, đến nay tổng quỹ lên tới gần 800 triệu đồng. Người dân đã tận dụng được nguồn vốn để xây nhà văn hóa với số tiền 220 triệu đồng; đầu tư làm hơn 5km đường nội thôn, liên thôn với số tiền 550 triệu đồng; trong đó có 1 tuyến đường dài 800m được trích 100% kinh phí với số tiền 400 triệu đồng sau 2 năm thu hoạch cà phê và hơn 1.500 ngày công để làm đường. Ngoài ra, trích 1 phần nhỏ để mua quà tặng tân binh, hộ nghèo và chi phí cho những lần hội họp của thôn.

Ông Sing, Trưởng thôn Dôr 1 hồ hởi kể, nhờ thực hiện mô hình, nhiều năm qua thôn đã có nguồn thu để mua khung rạp phục vụ cho những ngày quan trọng như hiếu, hỉ, tổ chức các hoạt động vui chơi. Xây dựng nhà vệ sinh cho nhà sinh hoạt cộng đồng làng; làm sân bóng chuyền... nhờ đó mà chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng cao.

Tại làng Tươi Ktu, với số tiền 300-350 triệu đồng thu về mỗi năm, ngoài việc chi cho các hoạt động chung, làng còn cho 45 hộ vay không tính lãi để chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, nhiều hộ đã cải thiện được kinh tế gia đình. Ông Y Chôn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng Tươi Ktu cho biết: Làng hiện có 235 hộ, nhưng hộ nghèo còn nhiều. Vì thế làng sẽ tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn để làm ăn kinh tế. Sau này, khi có nguồn thu cũng dễ dàng huy động các hộ dân đóng góp vào các công trình tập thể hơn.


Tin cùng chuyên mục
Hành trình vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc

Hành trình vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc

78 năm qua, từ Nha Dân tộc thiểu số đến Ủy ban Dân tộc – Cơ quan công tác dân tộc đã làm tốt sứ mệnh tham mưu, xây dựng để Nhà nước ban hành hệ thống chính sách phát triển vùng DTTS và miền núi. Việc triển khai hiệu quả chính sách dân tộc đã tạo cơ hội phát triển bình đẳng giữa các dân tộc, qua đó không ngừng củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.