Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Mỏ vàng Háng Trợ (Điện Biên): “Đóng cửa” trên giấy

PV - 11:00, 02/07/2019

Mỏ vàng Háng Trợ tại xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên được Sở Công Thương cấp phép cho Công ty Cổ phần công nghiệp MOLYBDEN năm 2010. Song chỉ vài năm sau, Công ty này phá sản bỏ trốn, khiến nạn khai thác vàng chui trở nên phổ biến. Năm 2017, UBND tỉnh ra văn bản đóng cửa mỏ vàng, song nạn khai thác lậu vẫn diễn ra rầm rộ.

Người dân vẫn đến mỏ vàng Háng Trợ tìm quặng vàng bất chấp những nguy hiểm trực chờ. Người dân vẫn đến mỏ vàng Háng Trợ tìm quặng vàng bất chấp những nguy hiểm trực chờ.

Chìm đắm trong “giấc mơ vàng”

Sau gần 12 năm phát lộ, cấp phép khai thác, rồi lại thu hồi đóng cửa mỏ, đến nay mỏ vàng Háng Trợ tồn tại những bãi đất đá ngổn ngang, những hầm, hố sâu rải khắp ở hơn 40ha diện tích của mỏ trên đỉnh núi, minh chứng cho những cuộc tìm kiếm vận may của vàng tặc.

Vào những năm từ 2012 đến 2016, nạn “vàng tặc” luôn trở thành vấn đề vô cùng nhức nhối của địa phương này. Những tưởng sau quyết định thu hồi đất và đóng cửa điểm mỏ của UBND tỉnh Điện Biên vào năm 2017, vùng núi Háng Trợ sẽ được bình yên trở lại. Thế nhưng đến nay, phu vàng đến mỏ vàng Háng Trợ tìm vận may không chỉ còn dừng lại ở địa bàn nội bộ dân cư địa phương, mà đã xuất hiện thêm người ở nhiều địa phương lân cận khác như: Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai. Dù thực tế theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trữ lượng vàng ở mỏ vàng Háng Trợ đã không còn.

Ông Hạng A Di, Chủ tịch UBND xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông cho biết: dù bị cấm khai thác song nhiều người dân ở các tỉnh khác vẫn đến đây dựng lều lán và cũng có ý cai quản một số điểm hầm. Nhân dân trên địa bàn cũng vào đây khai thác, xảy ra tranh chấp các điểm mỏ khiến công tác quản lý hết sức khó khăn. Đặc biệt, nhiều đối tượng lợi dụng để buôn bán ma túy trên điểm mỏ khiến công tác đảm bảo an ninh trật tự cũng càng trở nên phức tạp.

Thượng tá Hoàng Văn Hải, Phó trưởng Công an huyện Điện Biên Đông nhấn mạnh: vào thời điểm mưa xuống, có dòng chảy là bà con bắt đầu vào để nhặt quặng tiềm ẩn rất nhiều hiểm nguy, khi không may bị nước cuốn, đá sập làm chết. Năm 2018 đã có 2 người chết do đá sập tại đây.

Ông Lò Văn Hiến, người dân bản Nà Ngịu, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông bức xúc cho biết: Từ khi xuất hiện mỏ vàng, nước ở con suối Nậm Nghịu không thể sử dụng được, ảnh hưởng quá lớn. Cá trong suối gần như chết hết, 26ha đồng ruộng của cánh đồng trọng yếu vùng kinh tế xã Phì Nhừ từ lâu đã không thể làm được 2 vụ. Nhiều hộ dân lâm vào cuộc sống hoàn cảnh, ruộng bỏ, con cái phải bỏ học đẻ theo bố mẹ đi làm nương rẫy.

Nhiều bất cập

Sau một thời gian dài tồn tại nhiều bất cập, giữa năm 2017, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành 2 Quyết định số 578 và 579, quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, thu hồi đất của Công ty Cổ phần công nghiệp MOLYBDEN, đồng thời có văn bản giao Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên là cơ quan chuyên môn chủ trì việc lập đề án, đóng cửa mỏ vàng Háng Trợ, trả lại nguyên hiện trạng tự nhiên ban đầu.

Khi được UBND tỉnh Điện Biên giao nhiệm vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên đã thuê các đơn vị tư vấn lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản. Tuy nhiên, theo ông Khuê, đến nay chưa được phê duyệt vì lý do vướng mắc về kinh phí.

Ông Vừ A Bằng, Bí thư huyện Điện Biên Đông cho biết, trong thời gian chờ phê duyệt đề án, đây là vấn đề hết sức nóng đối với huyện. Hiện nay, tình trạng khai thác vàng theo kiểu thổ phỉ vẫn diễn ra phức tạp, khiến địa phương chưa kiểm soát hết được. Trước mắt huyện cũng chỉ có thể giao cơ quan chức năng kiểm đếm lại toàn bộ diện tích nông nghiệp bị thiệt hại, khảo sát lại nguồn nước ăn sinh hoạt để đảm bảo tránh được sự ô nhiễm cho người dân.

VŨ LỢI

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.